NSƯT Tiến Hợi, người đóng đinh với vai diễn Bác Hồ

VOV.VN - 33 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.

Nhắc đến người từng thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và phim ảnh, nhiều người thường nhắc ngay đến NSƯT Tiến Hợi. NSƯT Tiến Hợi tâm sự, bằng tấm lòng yêu quý Bác Hồ - vị cha già của dân tộc Việt Nam, trong mọi tác phẩm ông thể hiện (sân khấu, điện ảnh, truyền hình và phát thanh) ông đều cố gắng nuôi dưỡng cảm xúc nguyên vẹn với mỗi lần hóa thân hình tượng Bác.

33 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.

Phóng viên VOV.VN có buổi trò chuyện với NSƯT Tiến Hợi về chặng đường ông hóa thân vào vai Bác Hồ ở nhiều giai đoạn lịch sử. 

PV: Lần đầu đóng vai Bác Hồ và cảm xúc của anh như thế nào?

NSƯT Tiến Hợi: Trước đây tôi là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2. Năm 1987, Đoàn nghệ thuật quyết định dựng vở kịch Đêm Trắng. Cái khó là chọn ai đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở diễn là cả vấn đề. Đoàn cũng mời một số nghệ sĩ đã từng đóng vai Bác Hồ đến để nói chuyện. Ý định của đoàn là nếu không chọn được ai đóng vai Bác Hồ thì phải mời 1 trong số các nghệ sĩ đó tham gia. Tập vở và đi diễn là cả vấn đề vì đoàn chúng tôi là đoàn quân đội nên đi biểu diễn rất nhiều nơi, điều kiện khó khăn gian khổ, để các nghệ sĩ đó đi cùng là vấn đề khó khăn. Do vậy đoàn quyết định chọn người trong đoàn và tìm ra được 2 người, trong đó có tôi. Bước đầu đi thử  hóa trang, 2 anh em chúng tôi đến nhà cố nghệ sĩ ưu tú Nhữ Đình Nguyên, 1 nghệ sĩ hóa trang nổi tiếng của Hãng phim truyện Việt Nam đã học tại Nga.

Hôm sau, nhìn mình trong hình, thực sự tôi cũng không ngờ tôi sau khi được hóa trang lại giống Bác Hồ như vậy. Bởi năm đó tôi mới 28 tuổi.

Trong quá trình hóa trang bác Nguyên nói “Tiến Hợi giống lắm, thuận lợi từ mắt, dáng, chiều cao. Điều kiện như này để Tiến Hợi đóng vai Bác là quá hợp lý”. Vì vậy đoàn giao nhiệm vụ cho tôi phải cố gắng nghiên cứu tìm hiểu, thể hiện trọn vẹn vai diễn này.

Tôi thực sự lo và sợ. Đây là vở kịch đầu tiên lại đề cập đề tài chống tiêu cực, biển thủ công quỹ của nhà nước. Nhân vật xuất hiện rất nhiều từ đầu đến cuối và lại là nhân vật chính luôn. Trong kịch bản tác giả Lưu Quang Hà có viết những phân đoạn gai góc, Bác Hồ thể hiện những lời nói mạnh, thể hiện sự bực tức mãnh liệt.

Tôi đề cập với Đoàn cho tôi xem một loạt các bộ phim tư liệu nói về Bác Hồ. Tôi cũng yêu cầu trong quá trình tập vở thường xuyên cho tôi xem và đi thu những bài phát biểu của Bác để về nghe. Sáng tôi đến tâp cùng đoàn, chiều tôi xem phim tài liệu về Bác, tối tôi nằm nghe băng. Tôi nghe và luyện theo giọng nói của Bác. Sau 2 tháng thì mọi người cũng đánh giá là tôi diễn tốt. Tôi học theo phong cách và dáng đi, cách làm việc của Bác. Đấy là bước khởi đầu khi tôi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch  “Đêm trắng” là như vậy.

Buổi đầu tiên duyệt vở ở Nhà hát lớn Hà Nội có quan khách đến dự rất nhiều, đặc biệt có bác Vũ Kỳ, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những người đã từng sống với Bác và biết được Bác Hồ là người như nào còn tôi lại là người chưa được gặp Bác lần nào. Chính vì vậy để thể hiện vai này là áp lực đối với tôi. Đến khi vở diễn xong, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên bắt tay tôi, miệng cười nhưng nước mắt giàn giụa. Đại tướng chỉ nói được mấy câu “Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều”. Còn Bác Vũ Kỳ vào phòng hóa trang chờ tôi tẩy trang. Bác Vũ Kỳ nói: “Cho tôi xem khuôn mặt ngoài đời của cậu như nào. Không ngờ cậu trẻ như này mà đóng vai Bác Hồ lại đạt như thế. Tôi thấy cậu diễn rất hay. Cậu thể hiện được rõ nét tính cách của Bác Hồ mà tôi đã từng chứng kiến. Thực sự Bác Hồ rất nóng tính. Làm sai việc gì, đi làm muộn là Bác mắng. Cậu đã thể hiện được thần thái của Bác trong vai diễn đó”.

PV: Khi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh thấy điều gì khó nhất để thể hiện được thần thái của Bác.

NSƯT Tiến Hợi: Riêng vở kịch “Đêm trắng” đoàn diễn hơn 300 buổi và đi đến đâu cũng được khán giả đánh giá rất cao. Vở kịch “Đêm trắng” là điểm sáng đi vào lịch sử nền sân khấu Việt Nam trong giai đoạn đó

Năm 1988 đoàn bị giải thể vì điều kiện phục vụ trên biên giới phía Bắc khó khăn. Tôi chuyển về nhà hát kịch Hà Nội và tôi tham gia rất nhiều vai diễn trong các giai đoạn lịch sử của Bác. Điểm quan trọng năm 1989 tôi được đoàn làm phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” mời đóng vai Nguyễn Tất Thành. Lúc đó tôi ngoài 30 lại đóng Bác Hồ thời trẻ năm 1911, Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, đó là cả vấn đề lớn. Mà đó cũng là lần đầu tiên tôi tham gia đóng điện ảnh mà điển ảnh rất khó không dễ gì thể hiện được. Là diễn viên kịch tôi diễn theo kiểu sân khấu kịch, không phù hợp với điện ảnh. Điện ảnh phải đời thường, dung dị, gần gũi, sống rất đời. Điều đó khiến tôi phải dành thời gian nghiên cứu về Bác. Tôi vào Huế hỏi các cụ già về những con người sống ở giai đoạn đó như thế nào. Thanh niên sinh hoạt, phong tục tập quán, tình cảm tình yêu ra sao để tôi nắm bắt được con người thời kỳ đó sống như nào để tôi áp dụng, đưa lên những thước phim điện ảnh.

Năm 1996, tôi tham gia bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46”. Đây là bộ phim điện ảnh thứ hai tôi tham gia. Năm 1946 lúc đó Bác Hồ 56 tuổi, tôi lại sấp xỉ 40. Để thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1946 không dễ gì. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh động viên tôi rất nhiều. Trước đó các anh cũng đã đi nhiều nơi để chọn người đóng vai Chỉ tịch Hồ Chí Minh nhưng cuối cùng lại quay lại mời tôi. Tôi vào vai diễn đó thực sự lại phải thử hóa trang theo kiểu điển ảnh. Vào vai diễn tôi cũng phải nghiên cứu các chặng đường hoạt động của Bác, những giai đoạn lịch sử từ năm 1945-1948, giai đoạn Bác hoạt động các mạng trên chiến khu Việt Bắc. Cốt lõi là tôi tìm lối diễn để thể hiện được thần thái của Bác. Toát lên thần thái với một vai lãnh tụ thì còn khó gấp bội với các vai diễn khác.

Những bộ phim tôi đã từng đóng, đã diễn ở sân khấu cái quan trọng nhất là thần thái, cốt cách của Bác Hồ, phong cách của Bác, diễn làm sao cho dung dị, mộc mạc. Tôi nghiên cứu về Bác thì thấy Bác gần gũi, thân thương, phong cách sống rất đơn giản, mộc mạc. Bác đi thăm hỏi, động viên từng người một. Bác chia sẻ những tình cảm. Bác dạy dỗ, bảo ban nhắc nhở các cháu nhi đồng, thăm hỏi các cụ già, bộ đội chiến sĩ. Chính vì thế khi diễn phải toát lên thần thái. Cho nên trong bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 đóng bai Bác Hồ phải toát lên sự lịch lãm, dí dỏm, kiên quyết và phải dứt khoát.

PV: Nhiều người nói rằng NSƯT Tiến Hợi đóng đinh với vai diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh có thấy thế không?

NSƯT Tiến Hợi: Đã là người nghệ sĩ, hoạt động nghệ thuật được giao dóng vai gì thì sẽ hoàn thành tốt vai diễn đó. Thực ra tôi cũng đóng nhiều vai chứ không chỉ có vai Bác Hồ. Tôi cũng đóng nhiều thể loại vai nhưng thực lòng tôi đóng vai chính kịch thì tốt hơn, phù hợp hơn.

Khán giả nói đóng đinh cũng là đúng. Khi tôi vào vai diễn này tôi nghiên cứu rất kỹ. Mỗi một giai đoạn lịch sử, vai diễn, khi tôi xuất hiện với hình tượng Bác Hồ kể cả thời già hay trẻ thì tôi đều nghiên cứu kỹ và tìm tòi những nét riêng, chi tiết riêng, bổ sung cho vai diễn những nét riêng cứ không lặp đi lặp lại.  

PV: Anh có tự nhận mình là người có tố chất thể hiện vai diễn của Bác Hồ một cách tốt nhất?

NSƯT Tiến Hợi: Tôi nghiên cứu khá nhiều về Bác Hồ và xem các phim tài liệu về Người. Tôi hình dung ra hình ảnh của Bác rất nhanh. Tôi chỉ cần nghĩ về Bác thì hình ảnh của Bác đã hiện ra trong đầu tôi như một cuốn phim liên tục. Khi tôi nghe giọng nói của Bác thì tôi luyện để có một chất giọng tương đối giống Bác, tôi nghiên cứu rất kỹ để tông giọng tôi hòa vào tông giọng nói của Bác, độ nhấn nhá, dứt khoát, cách nhả âm, cách nói, chất xứ Nghệ sẽ như thế nào? Với mỗi lần nhận vai diễn tôi lại luyện bằng chất giọng đó chính vì thế nó ngấm trong tôi rất nhiều và kỹ cho nên tôi thấy thuận lợi.

PV: Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình, anh có nghĩ nếu được quay trở lại thì mình sẽ làm tốt hơn những vai diễn về Bác Hồ?

NSƯT Tiến Hợi: Thời gian đầu tiên khi tôi mày mò nghiên cứu về vai Bác Hồ để vào diễn thì thực sự tôi vẫn cảm thấy thiếu điều gì đó có thể mình chưa hoàn thiện, có thể vì áp lực nên thể hiện vai diễn chưa thuần thục, chưa được ngọt. Nhưng đến bây giờ thì điều đó không còn nữa bởi tôi diễn quá nhiều và tôi rút kinh nghiệm rất nhiều. Thường thường mỗi khi diễn về tôi lại hình dung lại cái lối diễn của mình để sàng lọc, tính toán để cho lần sau xuất hiện với vai diễn đó thì không còn những chi tiết chưa được đạt theo mong muốn của cá nhân mình. Điều đó là mỗi diễn viên nào cũng đều có cả.

PV: Vậy với những vai diễn về Bác Hồ mà theo anh nói là quá thuần thục, có những điều gì từ Bác ảnh hưởng tới anh?

NSƯT Tiến Hợi: Nhiều người nói khi Tiến Hợi thể hiện vai Bác Hồ xong, nhìn Tiến Hợi có nét gì đó giống Bác. Thực sự tôi không nghĩ như thế nhưng có thể hình ảnh về Bác hoặc do tôi nghiên cứu về Bác kỹ quá nên cũng có nhiều điều ngấm vào trong người tôi. Mỗi lần nghĩ đến Bác là tôi hình dung ra ngay nên có ảnh hưởng cũng là đúng thôi.

Là một diễn viên nghiên cứu quá kỹ, diễn quá nhiều thì sẽ có nhiều điều ngấm sâu thẩm thấu vào trong con người của chính mình.

PV: Mỗi cuộc đời con người đều có cơ duyên, vậy vai diễn về Bác Hồ có phải là cái duyên không?

NSƯT Tiến Hợi: Nói duyên cũng là đúng nhưng thực sự là tôi không ngờ. Tôi không tưởng tượng được là tôi vào vai diễn và diễn được vai Bác Hồ như thế này.

Từ thời ở Quân khu 2, tôi đã nghĩ là vào diễn Bác Hồ mà để mọi người nhận xét là thành công thì người nghệ sĩ rất sung sướng và vinh dự. Nhưng nhiều lúc nghĩ tại sao cái duyên đưa mình đến với vai diễn Bác Hồ từ lúc nào mình cũng không nghĩ. Từ khi diễn vở kịch Đêm Trắng thì tôi nghĩ diễn xong vở đó chắc là thôi nhưng sau đó mọi người thấy tôi diễn tốt nên liên tiếp các đoàn phim mời hợp tác đóng vai Bác Hồ. Từ đó từng bước khẳng định được rằng mình đã thể hiện được một phần nào đó thành công vai diễn này trong các giai đoạn lịch sử của Bác.

PV: Nhiều người nói vợ anh, nghệ sĩ Vương Đạm Thủy là người có sức ảnh hưởng tới sự thành công của anh trong những vai diễn về Bác?

NSƯT Tiến Hợi: Khi tôi ở Đoàn nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 thì lứa diễn viên kế tiếp có bà xã tôi là Vương Đạm Thủy, Thu Hà, Thu Quế…Khi dàn dựng vở kịch Đêm Trắng đoàn tôi có cử đi học bác Nhữ Đình Nguyên về hóa trang để hóa trang vai diễn cho tôi. Bởi đoàn thường xuyên đi diễn ở biên giới mà bác Nguyên yếu không đi theo được nên phải cử người đi học. Đoàn đã cử cô Vương Đạm Thủy đi học. Chả hiểu sao duyên như nào cô học rất nhanh. Cô học cách hóa trang thể hiện trên khuôn mặt của tôi. Cô học có mấy buổi xong. Từ đó cô cũng đi theo tôi để hóa trang cho tôi. Mỗi lần hóa trang cả hai cũng tính chi tiết làm sao cho chuẩn hơn. Dần dần chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.

Sau này chúng tôi lấy nhau cũng thuận lợi hơn trong việc trao đổi về vai diễn. Cái khó là cô học hóa trang sân khấu nên khi chúng tôi làm truyền hình trực tiếp thì yếu tố truyền hình rất quan trọng. Vừa có khán giả ở dưới xem vừa đáp ứng yếu tố khán giả xem truyền hình. Nếu mình hóa trang nặng quá khi truyền hình quay sẽ lộ còn hóa trang nhạt đạt yếu tố truyền hình nhưng khán giả xem sẽ không thấy gì. Đó là vấn đề khó khăn, cần tính toán, cân đối. Hai vợ chồng tôi đặt vấn đề là yếu tố khán giả truyền hình nếu như có truyền hình trực tiếp thì phải ưu tiên.

Khi hóa trang xong cô xuống dưới khán giả quay để về rút kinh nghiệm cho tôi. Còn nhiều khi mình diễn trên sân khấu không để ý đâu. Khi về xem lại đoạn mình diễn phong cách, dáng dấp, thần thái, cách nói, cách thể hiện qua giọng nói, gương mặt...để mình rút kinh nghiệm.

Nhiều người nói, Tiến Hợi là người thể hiện thành công nhất trong vai diễn về Bác Hồ. Năm 2013, sách "Kỷ lục Guinness" của Việt Nam đã xác nhận "Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất". 

Đây là vinh dự của một người nghệ sĩ./.

Nghệ sĩ Tiến Hợi sinh năm 1959, quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội. Các vở kịch của Nhà hát đã tham gia: Xin lĩnh án tử hình; Vùng lạnh; Chùm hài Oái oăm Đời!; Sám hối; Vòng đời; Vị thánh trong mơ; Những người con Hà Nội…

Các tác phẩm truyền hình, điện ảnh đã tham gia: Hà Nội - mùa đông 46; Hẹn gặp lại Sài Gòn; Hoa ban trắng; Hoa ban đỏ; Dãy bàn 4 người; Cảnh sát hình sự; Người phán xử; Bi kịch chưa đặt tên…

Các giải thưởng” Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 vở "Xin lĩnh án tử hình" vai Chủ tịch Hồ Chí Minh; Huy Bạc vở "Vùng lạnh" Liên hoan Sân khấu Toàn quốc năm 2018 vai ông Sinh 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyện về hai diễn viên trẻ có chiều cao nổi bật được chọn đóng vai Bác Hồ
Chuyện về hai diễn viên trẻ có chiều cao nổi bật được chọn đóng vai Bác Hồ

Mạnh Trường và Minh Đức là hai diễn viên có cơ may được chọn đóng vai Bác Hồ thời trẻ nhờ ngoại hình đẹp và chiều cao nổi bật.

Chuyện về hai diễn viên trẻ có chiều cao nổi bật được chọn đóng vai Bác Hồ

Chuyện về hai diễn viên trẻ có chiều cao nổi bật được chọn đóng vai Bác Hồ

Mạnh Trường và Minh Đức là hai diễn viên có cơ may được chọn đóng vai Bác Hồ thời trẻ nhờ ngoại hình đẹp và chiều cao nổi bật.