Hồi phục tâm lý cho nạn nhân sau bạo lực học đường, vấn đề không nhỏ
VOV.VN - Sự việc nữ sinh lớp 10 tại Nghệ An nghi đã tự tự do bạo lực học đường vẫn đang tiếp tục được dư luận quan tâm. Dù đây không phải vấn đề mới, nhưng dường như nó lại là “giọt nước tràn ly” sau khi cộng đồng phải chứng kiến không ít sự việc tương tự trong quá khứ.
Từ vấn đề chung là các học sinh bị bắt nạt không tìm được lối thoát tích cực hơn, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý giáo dục, TS. Vũ Thu Hương để tìm câu trả lời cho thực trạng đầy nhức nhối này.
PV: Thưa chuyên gia, theo đánh giá mang tính chủ quan của chúng tôi, dường như thời kỳ nào trong giáo dục cũng có những sự việc bạo lực học đường, vẫn có những người bị cô lập trong một tập thể… Theo bà, tại sao ở một nơi được coi là lành mạnh, an toàn như trường học lại xảy ra việc này?
TS. Vũ Thu Hương: Con người nói chung có xu hướng muốn bắt nạt, nó là một cái gene, chuyện này hết sức bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những cái vấn đề này nó trầm trọng. Bởi vì trẻ em bây giờ nhàn rỗi quá, cuộc sống của các con chỉ có học và hưởng thụ thôi.
Bên cạnh đó thì cuộc sống nhàm chán cũng là một lý do để các con dễ nghĩ ra những hành vi xấu, những trò đùa độc hại. Nếu như các con bận rộn hơn với nhiều hoạt động, trách nhiệm thì chắc chắn hiện tượng này sẽ ít đi.
PV: Theo bà, giải pháp mang tính căn cơ cho thực trạng bạo lực học đường mà chúng ta cần thực hiện trong thời gian tới là gì? Bà nghĩ sao khi Hàn Quốc áp dụng biện pháp đưa các hành vi bạo lực của học sinh vào quá trình đánh giá, xét tuyển khi chuyển cấp, lên lớp?
TS. Vũ Thu Hương: Về phía gia đình, chắc chắn sẽ phải giáo dục đạo đức cho các con cẩn thận hơn. các con không được làm phiền người khác, tôn trọng người khác và quan tâm đến cảm xúc của người ta và chúng ta cũng chỉnh sửa những cái thói hư tật xấu của các con.
Bởi vì đôi khi những thói hư tật xấu nhỏ thôi nhưng cũng có thể khiến cho bạn bè trong lớp khó chịu và đó cũng có thể là nguyên nhân để các con bị bạo lực học đường.
Về phía nhà trường, sẽ cần biện pháp để kích thích các con hoạt động nhiều hơn, chơi nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn để các con cũng đỡ nhàn rỗi và gây ra những cái chuyện nọ, chuyện kia.
Bên cạnh đó, đương nhiên chúng ta sẽ phải có những hình phạt, nếu như chúng ta liên kết đến tương lai của các con thì có lẽ sẽ tốt hơn. Hàn Quốc cũng sẽ đánh giá những đứa trẻ dựa trên câu chuyện là có bắt nạt học đường hay không để quyết định việc đăng ký cấp học tiếp theo. Do vậy, nếu như các con cảm thấy mình bắt nạt bạn bè mà có thể bị ảnh hưởng đến tương lai thì chắc chắn là các con sẽ cẩn thận hơn.
Về phía Việt Nam, nếu như chúng ta quay trở lại đánh giá cao hơn về hạnh kiểm và học bạ thì có lẽ hiện tượng này sẽ được giảm bớt.
PV: Ngoài việc đưa ra giải pháp ngăn chặn các hành vi bạo lực, theo bà, với học sinh bị bắt nạt, làm thế nào để giúp các em vững vàng hơn khi đối diện và vượt qua tâm lí tiêu cực, tránh “nghĩ dại dột”?
TS. Vũ Thu Hương: Các con cần phải hiểu rằng bạo lực học đường chắc chắn sẽ chấm dứt, ngoài đối diện với những người bạn bắt nạt thì cuộc sống của chúng ta vẫn còn vô vàn những niềm vui. Vậy tại sao chúng ta không tìm đến những người bạn tốt và hay nhất vẫn là làm bạn với bố mẹ, với những người thân của mình, chia sẻ với họ những bức xúc.
Trong trường hợp nếu cảm thấy tất cả những phương án đấy đều không ổn thì hãy xin phép bố mẹ nghỉ ngơi hoàn toàn trong một, hai ngày, thậm chí cả tuần, đi đến một nơi rất xa để giải tỏa tâm trạng khó chịu trước khi đối diện với việc học tập tiếp theo, kể cả phương án xin đổi trường.
Trong trường hợp cảm thấy không tìm thấy sự đồng thuận của gia đình, hãy gặp chuyên gia tâm lý, và tổng đài 111 luôn luôn sẵn sàng đón nhận các bạn.
Với bố mẹ, hãy chấp nhận những phương án các con đề xuất, và phải quan tâm đến cuộc sống của các con hơn, kéo sự bận tâm của các bạn đến những vấn đề khác như là hỗ trợ người già neo đơn, giúp đỡ vật nuôi...
Về phía nhà trường thì một khi đã xảy ra mâu thuẫn, nhà trường đã biết thì rất cần phải tìm hiểu ngọn ngành, nguồn gốc từng vấn đề, việc chuyển lớp, chuyển trường hoàn toàn nên làm”.
PV. Xin cảm ơn bà!