PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Có lỗ hổng trong quy trình thẩm duyệt phim!
VOV.VN -Hội đồng duyệt phim nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.
Phim hoạt hình Abominable (tựa Việt Everest-Người tuyết bé nhỏ) do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) sản xuất. Bộ phim xoay quanh hành trình tìm đường về nhà của người tuyết mang tên Everest, chuyến đi được sự giúp đỡ của cô bé tên Yi và nhóm bạn. Phim khởi chiếu tại Việt Nam từ 4/10/2019, tuy nhiên vào tối 13/10, CGV ngừng chiếu do nhận được thông tin phim có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp.
Hình ảnh đường lưỡi bò này được lồng ghép rất tinh vi trong bộ phim hoạt hình Everest-Người tuyết bé nhỏ: Đường lưỡi bò xuất hiện trên tấm bản đồ lớn (vẽ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á), nhân vật chính tên Yi vạch ra con đường đi xuyên qua Trung Quốc. “Đường lưỡi bò” phi pháp này được cài cắm trong bốn cảnh phim, rồi “lọt” qua các vòng kiểm duyệt và trụ ở rạp suốt 10 ngày là điều nghiêm trọng.
Phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp công chiếu tại Việt Nam trong suốt 10 ngày qua. |
Việc để lọt phim có yếu tố xâm phạm chủ quyền Việt Nam ra rạp, Hội đồng không thể vô can? “Đứng trước bộ phim có xuất hiện đường lưỡi bò, cho dù là cơ quan quản lý hay người dân phải luôn nêu cao ngọn cờ chủ quyền dân tộc lên hàng đầu. Trước làn sóng của dư luận về vấn đề này, VOV.VN có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
PV: Bộ phim "Everest - người tuyết bé nhỏ" có xuất hiện hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp nhưng vẫn được công chiếu tại Việt Nam 10 ngày trước khi bị thu hồi. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Đây là một sơ hở rất nguy hại. Điều đáng tiếc này xảy ra do Hội đồng duyệt phim nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, cũng như yêu sách phi lý, nguy hiểm của “đường lưỡi bò” chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông. Không chỉ là việc làm tắc trách của Hội đồng duyệt phim mà còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý, bao gồm cả “lỗ hổng” có thể trong quy trình thẩm duyệt phim hiện hành của Bộ chủ quản.
PV: Bộ phim đã bị ngưng chiếu. Nhưng nếu cứ hễ có vấn đề mới rút xuống thì rõ ràng những người "gác cổng", những người quản lý đã để xảy ra sơ suất rất nghiêm trọng, không thể coi là việc đã rồi?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Đúng thế, ta đang bị động giải quyết tình huống theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Cần phải nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá để rút ra bài học thực tế và nhanh chóng chuyển từ “đối phó thụ động” sang “ứng phó chủ động”. Người gác cổng ở đây hiện là Hội đồng duyệt phim và trách nhiệm lớn nhất của họ là duyệt nội dung chuyên môn, nên đôi khi lãng quên các khía cạnh nhạy cảm về chủ quyền biển đảo được nhà sản xuất lồng ghép khôn khéo đến mức khó phát hiện. Nếu cơ quan quản lý giúp Hội đồng duyệt phim làm nhiệm vụ người “gác cổng” để sàng lọc, loại bỏ các yếu tố nhạy cảm trong phim trước khi chuyển cho Hội đồng duyệt phim thì Hội đồng có nhiều thời gian tập trung vào chuyên môn, nghiệp vụ điện ảnh và kết quả sẽ tốt hơn, an toàn hơn. Bản thân tôi cũng tham gia nhiều và thường xuyên các hội đồng cấp nhà nước thẩm định đề tài/dự án, thì hội đồng chỉ họp sau khi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã xem xét kỹ các thủ tục và điều kiện được phép đưa ra hội đồng thẩm định và từ góc độ quản lý nhà nước cơ quan quản lý có biên bản bảo đảm đề tài/dự án đủ điều kiện chuyển hội đồng thẩm định và chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn.
PV: Nhiều người tức giận và cho rằng đây là sự vô trách nhiệm của Hội đồng duyệt phim?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Đúng là không ít người bực mình về sự vô trách nhiệm của Hội đồng duyệt phim đã bỏ sót các khía cạnh nhạy cảm trong lúc Biển Đông đang “nổi sóng”. Như trên đã nói, Hội đồng duyệt phim đương nhiên phải chịu trách nhiệm chính theo quy trình hiện hành. Tuy nhiên, kết luận của Hội đồng duyệt phim không phải là quyết định cuối cùng thay cho cơ quan quản lý. Đây vẫn chỉ là ý kiến tham mưu tập thể giúp cơ quan quản lý lựa chọn để đưa ra quyết định cuối cùng mà thôi. Cho nên, bài học là ở chỗ, trên cơ sở kết luận của hội đồng, cơ quan quản lý phải tiếp tục xem xét ý kiến tư vấn của hội đồng duyệt phim, thậm chí có quyền quyết định khác và chịu trách nhiệm. Ở đây, cơ quan quản lý đã không thực hiện khâu xem xét, lựa chọn sau hội đồng mà chấp nhận “cơ học” kết luận của hội đồng và rủi ro đã xảy đến.
PV: Qua vụ việc này có thể thấy mưu đồ của Trung Quốc và vấn đề đặt ra là Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: “Đường lưỡi bò” là yêu sách phi lý, đơn phương kiểu “tự tung, tự hứng” của Trung Quốc, đòi hỏi hơn 80% diện tích toàn Biển Đông, liếm trọn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, có chỗ ép sát vào vùng tiếp giáp và lãnh hải của các quốc gia láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Cho nên, các học giả quốc tế cho rằng Trung Quốc dùng “Đường lưỡi bò” đứt đoạn, không có tọa độ địa lý để khẳng định chủ quyền lịch sử của họ đối với vùng biển rộng lớn đến như vậy là quá mơ hồ. Nhưng đây lại là mưu đồ “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc từ lâu và Bắc kinh đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau với các bước đi cụ thể để thực hiện chiến lược hướng nam trong phạm vi Biển Đông.
Không chỉ tuyên bố pháp lý “Đường lưỡi bò” này ra Liên hiệp quốc vào năm 2009, mà Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động nhằm chứng minh khả năng kiểm soát thực tế không gian “Đường lưỡi bò” phi lý. Bản chất của các hoạt động như vậy là sự xâm lấn vùng biển của nước khác và đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thừa nhận các quốc gia ven Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, cũng như sự có mặt một vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia (vùng biển quốc tế) trong khu vực biển này.
Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết về vụ Philipin kiện Trung Quốc, theo đó Tòa bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với không gian “Đường lưỡi bò”, đồng nghĩa bác bỏ quyền khai thác tài nguyên trong không gian này. Có nghĩa là, “Đường lưỡi bò” đã bị “cắt” về nguyên tắc, nhưng trên thực tế Trung Quốc vẫn im lặng thực hiện nguyên tắc 3 không: không tham gia vụ kiện, không thừa nhận phán quyết và không thực thi phán quyết. Trung Quốc tỏ ra không thay đổi yêu sách phi lý về “Đường lưỡi bò”, vẫn đang dùng nó làm “cái cớ” thúc đẩy các hoạt động phi pháp, ngang nhiên xâm lấn vùng biển các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, coi thường và vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
PV: Các cơ quan chức năng của Việt Nam và cả công chúng Việt Nam nên ứng xử như thế nào trong việc tiếp nhận sản phẩm văn hóa có liên quan đến Trung Quốc với nguy cơ họ chèn các thông điệp vi phạm chủ quyền Việt Nam vào đó?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc rất tinh vi trong việc chèn khéo các thông điệp, trước hết là “Đường lưỡi bò” đứt đoạn vào các sản phẩm, vật dụng khác nhau, như: áo phông, tài liệu, tờ rơi, quà lưu niệm, hộ chiếu, và các sản phẩm văn hóa khác. Họ cố tình bằng mọi cách tuyên truyền yêu sách “Đường lưỡi bò” phi lý trên khắp thế giới, và nếu lơ là không phát hiện được thì vô tình người dùng lại là “đại sứ” tuyên truyền không công cho họ, rồi “chuốc họa vào thân”. Trước chiêu trò như vậy, buộc mọi người phải luôn nâng cao cảnh giác; cơ quan quản lý cần rà soát và bổ sung kịp thời các quy định mới giúp cho việc kiểm soát, thẩm định, xét duyệt các sản phẩm bất kỳ dễ dàng phát hiện; có những chế tài mạnh để xử lý thích đáng đối với công ty/cá nhân trong và ngoài nước vi phạm các quy định của Việt Nam.
PV: Không thể coi một vài giây đường lưỡi bò trên phim là chuyện nhỏ. Nhưng cái lớn hơn là người dân cần được biết một chiến lược quốc gia nhằm chống lại sự bành trướng toàn diện của Bắc Kinh. Văn hoá chỉ là một phần trong đó?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Quả là chuyện tưởng nhỏ, nhưng tác động lại rất lớn vì nó chạm vào vấn đề chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Văn hóa là một mảnh đất rất dễ để Trung Quốc có thể lợi dụng, truyền bá tư tưởng bá quyền của họ đối với vấn đề Biển Đông. Trước tình hình như vậy, chúng ta cần tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức của mọi người dân trong và ngoài nước hiểu được bản chất, tính chất phi lý, đơn phương và những yêu sách trái với luật pháp quốc tế và UNCLOS của “Đường lưỡi bò”, mưu đồ sử dụng yêu sách phi lý này để biện minh cho cuộc xâm lấn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Cần phải có quy định cụ thể để nhận diện “Đường lưỡi bò”, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm soát, thẩm định, phê duyệt, sàng lọc các yếu tố nhạy cảm do sự chèn ép đường phi lý này trong các sản phẩm văn hóa và các sản phẩm khác.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng: Cho dù chỉ vài giây thôi để thấy họ rất tinh vi trong việc mưa dầm thấm lâu. Họ đưa hình ảnh chỉ một vài giây thôi, tôi hiểu rằng đấy chính là cái họ đặt dần những bằng chứng cho tương lai của họ. Chúng ta mà không cảnh giác thì chúng ta vô tình mất biển, đảo tổ quốc.
Trước đó, ngày 14/10, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện giao Thứ trưởng Tạ Quang Đông trực tiếp chỉ đạo Cục Điện ảnh xử lý vụ việc phim “Everest-Người tuyết bé nhỏ”. Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm những sai sót của cá nhân và tập thể liên quan trong quá trình thẩm định, duyệt phim và cấp phép phổ biến bộ phim truyện “Everest-Người tuyết bé nhỏ.
Yêu cầu tham mưu kiện toàn Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện; đồng thời nghiên cứu thành lập bộ phận giúp việc Hội đồng đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thời gian hoàn thành trước 17/10/2019.