Phim truyền hình Việt: Bao giờ vượt qua mức trung bình?

Một trong những yếu kém của phim truyền hình Việt là do cách làm phim thiếu chuyên nghiệp và làm theo kiểu dễ dãi, ăn bớt cả thời gian và tiền bạc.

Chưa bao giờ số lượng phim truyện Việt trên sóng các đài truyền hình trong cả nước lại nở rộ như hiện nay. Nhưng cũng chưa bao giờ người xem lại phàn nàn nhiều về chất lượng phim truyền hình như lúc này.

Làm phim kiểu tự cung, tự cấp

Ngoài Đài Truyền hình Việt Nam, các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, còn có hàng chục hãng phim tư nhân đua chen làm phim truyền hình. Phong trào đài đài làm phim, nhà nhà làm phim đã giúp phim truyền hình có sự "bứt phá" về số lượng. Nếu trước đây khoảng 10 năm, lúc đầu ước tính mỗi năm cả nước chỉ làm khoảng hơn 50 tập phim, thì hiện nay con số này lên tới hơn 2.000. Số lượng phim truyền hình Việt nhiều như thế, lại phát vào "giờ Vàng", nhưng chưa đủ sức tạo những "cơn sốt" khán giả. Thậm chí, sự xuất hiện khá dày đặc của phim giải trí đã gây phản cảm cho người xem.

Tại cuộc hội thảo "Nâng cao chất lượng phim truyện Truyền hình Việt Nam" diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng: sự nở rộ của quá nhiều phim truyện truyền hình chưa hẳn là một tín hiệu tốt, nhất là khi các phim này chưa đưa được những vấn đề mang tính nhân văn, những vấn đề xã hội quan tâm.

Còn theo ông Đoàn Minh Tuấn - Phó TBT Báo Thế giới Điện ảnh: "Chúng ta có nhiều phim, nhưng chất lượng kém. Chúng ta chỉ làm phim để phát một lần, đài nào biết đài đó, không có sự trao đổi giữa các đài để làm, trong đó tư nhân thì người ta có thể kết hợp làm phim nhựa. Chúng ta làm theo lối tự cung tự cấp, chụp giật. Không đầu tư cho một chiến lược nào cả. Không tôn trọng tác phẩm nên cái gì cũng chỉ đạt ở mức trung bình. Mà như thế là giết chết nghệ thuật" - Ông Đoàn Minh Tuấn bức xúc.

Ông Đoàn Minh Tuấn nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, kiên cường và mạnh mẽ, nhưng trong phim truyền hình thì các nhân vật lại rất hay khóc lóc, ủy mị. Đa số diễn viên khóc giả, cười giả, diễn giả, nên tình cảm cũng giả dối theo. Khán giả cảm thấy xa lạ với phim truyền hình, nên màn ảnh nhỏ không hút được người xem. Sự vô duyên, tầm thường hóa trong lời thoại, nhạt nhẽo trong diễn xuất, đơn điệu trong kịch bản cũng làm người xem chán mà chuyển kênh hoặc tắt tivi. Tầm văn hoá của những kịch bản phim truyền hình thấp, không đi vào trái tim con người, nên không ai muốn xem lại phim lần thứ hai.

Là người trong cuộc, từng viết nhiều kịch bản, tham gia làm nhiều phim truyện truyền hình, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lý giải: một trong những yếu kém của phim truyền hình Việt là do cách làm phim thiếu chuyên nghiệp và làm theo kiểu dễ dãi, ăn bớt cả thời gian và tiền bạc. Một ngày diễn viên có thể đóng 3 phim khác nhau, không có thì giờ đọc kịch bản thì làm sao diễn hay? Mỗi phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam được đầu tư khoảng 75 đến 80 triệu đồng. Nếu làm phim kéo dài khoảng 5-6 ngày thì lỗ, nên ai cũng cố làm cho nhanh. Chất lượng phim truyện truyền hình hiện nay đang phụ thuộc vào lương tâm của người làm phim, cơ sở sản xuất làm phim, chứ các cơ quan đơn vị đặt hàng chưa có biện pháp nào khuyến khích làm phim hay.

Cần tập trung vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội

Thời gian qua, phim truyện truyền hình ở Việt Nam có hai dòng chính. Thứ nhất là phim về đề tài chính luận, đề cập các vấn đề chính trị- xã hội đang được quan tâm, do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất. Về đề tài nông thôn có các phim: Chuyện làng Nhô, Đất và Người, Đường đời, Hương đất, Ma làng, Gió làng Kình...; về thành thị có Mùa lá rụng, Chuyện phố phường, Những ngọn nến trong đêm, Đèn vàng, Của để dành, Luật đời, Cảnh sát hình sự, Ngõ lỗ thủng... Các phim Đồng tiền xương máu, Blouse trắng, Nữ bác sĩ... của hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cũng bước đầu thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Dòng phim thứ hai mang tính giải trí như: Cô gái xấu xí, Lập trình trái tim, Ngôi nhà hạnh phúc, Những người độc thân vui vẻv... Nhưng cả hai dòng phim này đều làm chưa thật tới.

Cảnh trong phim Ngôi nhà hạnh phúc

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, cần phải thay đổi quan niệm có thể dễ dãi trong làm phim truyền hình. Bởi trong điều kiện truyền hình cáp phổ biến như hiện nay, nếu phim truyền hình không hay và thiếu hấp dẫn, chắc chắn khán giả sẽ chuyển sang xem phim ngoại.

"Người làm phim chính luận cũng nên có ý nghĩ làm phim phải hấp dẫn, tập trung vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Đã là phim chính luận mà lại còn khô khan thì ai muốn xem. Hiện nay chúng ta rất thiếu phim về những người tạo dựng nên xã hội: những người nông dân, người lao động; phim về học sinh nghèo ham học... còn quá ít" - Nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn Trần Phương góp ý về cách làm phim truyền hình trong thời gian tới.

Theo ông Đỗ Kim Cuông - Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), vì phục vụ đông đảo công chúng, nên những người làm phim truyện truyền hình phải có một cái nhìn đa dạng hơn về mặt đề tài. “Cần có một cách nhìn khoáng đạt hơn về chủ đề mà chúng ta đề cập. Phim truyền hình là hướng tới đại công chúng: thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người già, người cao tuổi… Do đó người làm phim có trách nhiệm trước hàng triệu công chúng, tự nâng cao mình lên để có những bộ phim có chất lượng cao hơn” - Ông Đỗ Kim Cuông nhấn mạnh.

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, sắp tới, phim truyền hình phát trên Đài Truyền hình Việt Nam sẽ đa dạng hơn về đề tài. Cần có sự sắp xếp và tính toán, cân đối đề tài đặt hàng đơn vị xã hội hóa, ưu tiên những đề tài về hiện thực cuộc sống. Trước mắt, trong năm 2010 sẽ có những phim dài tập ra mắt khán giả như: "Bí thư tỉnh ủy" (50 tập), "Cảnh sát hình sự" (60 tập), và bộ phim "Nếp nhà" gồm 40 tập về văn hóa và con người Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên