Phục chế tác phẩm nghệ thuật: Nhọc nhằn và say mê

Phục chế tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi kỹ năng và công nghệ cao. Với điều kiện hiện tại ở trong nước, người làm phục chế còn cần cả sự say mê và tình yêu.

Vừa học vừa làm

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có 10 cán bộ phục chế tranh, ở các mảng khác nhau: Tranh giấy dân gian, sơn mài, tranh lụa, tranh gỗ, tượng... Nghiệp vụ về kĩ thuật phục chế hầu hết đều do các cán bộ tự mày mò và bồi bổ kỹ năng qua thời gian. Công việc phục chế còn khó khăn hơn khi công tác phục chế có rất ít công cụ máy móc phụ trợ và nguyên vật liệu để khắc phục tác phẩm bị hư hỏng.

Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã bàn giao cho Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào) 4 tác phẩm được bảo quản, tu sửa. Các tác phẩm này có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, là tặng phẩm của nguyên thủ các quốc gia tặng cho các lãnh tụ Lào.

Ông Trần Hữu Tiến - Giám đốc Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật cho biết, ngay sau khi nhận được đề nghị và nguyện vọng từ phía Bảo tàng Kaysone Phomvihane, các cán bộ của Trung tâm đã có thời gian khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá, phân tích các hiện vật để tìm hướng xử lý thích hợp, với chi phí thấp và bảo quản ở trạng thái ổn định nhất.

Phục chế các tác phẩm hội họa ngoài đòi hỏi tay nghề có kinh nghiệm còn cần cả sự nhạy cảm và say mê công việc. Làm thế nào để các tác phẩm sau trùng tu vẫn giữ được thần thái? Làm sao để giữ được màu thời gian, không tạo cho người xem cảm giác quá lạ lẫm? Theo TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đó là yêu cầu không đơn giản đối với người trong nghề.

Ảnh chụp tác phẩm sau phục chế. Ảnh: Tử Hưng

Ảnh chụp tác phẩm sau phục chế. Ảnh: Tử Hưng

Mẫn cảm, chuyên cần và khoa học

Ông Trần Hữu Tiến - Giám đốc Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật, cho biết: Quá trình phục chế tranh vô cùng phức tạp, nhưng cũng không kém phần thú vị. Mỗi tác phẩm lại gặp những vấn đề khác nhau. Chẳng hạn như bức sơn dầu “Chân dung Hoàng thân Souphanouvong”, khi nhóm phục chế tiếp cận thì tác phẩm ở tình trạng hư hại nặng. Toàn bộ nước sơn bị bong tróc, gần như mất hết độ liên kết của chất liệu và lớp toan… “Cái khó là, ban đầu tác phẩm được xem xét hư hỏng ở mức độ vừa phải, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, tác phẩm như “con bệnh nặng”, sờ đến đâu có vấn đề đến đấy. Vì thế, chương trình thực hiện và biện pháp, phương án tu sửa phải chạy theo độ bong, tróc của tác phẩm. Thông thường, để ổn định một tác phẩm hư hỏng ở mức độ nhẹ và trung bình, chúng tôi chỉ cần làm một lần, song tác phẩm này chúng tôi phải làm đến lần thứ ba” - ông Tiến kể.

Hay bức tranh sơn mài “Chân dung Lê nin” được dán trên một lớp bột gỗ. Do điều kiện bảo quản lâu ngày, tác phẩm có hiện tượng phồng rộp bề mặt, tác phẩm ít kết dính với lớp bột gỗ. Nhóm thợ phục chế đã phải dùng bàn ép để tạo mặt phẳng cho tranh, đắp những chỗ sơn bị ăn mòn hoặc trầy xước, sau đó đánh bóng bằng tay với bụi tro. Các công đoạn đều phải khéo léo để không can thiệp quá sâu làm sai lệch màu sắc và tổng thể bức tranh.

“Chân dung Lê-nin”. (Chất liệu Gỗ ép).

“Chân dung Lê-nin”. (Chất liệu Gỗ ép).

Họa sĩ Nguyễn Văn Thuật - người trực tiếp xử lý tác phẩm tranh lụa “Vịnh Hạ Long” của cố họa sĩ Trần Đông Lương - cho biết, nếu như xử lý màu trên tranh sơn mài cần lưu ý công đoạn đắp sơn và đánh bóng, thì trên tranh lụa phải tính toán, đo lại từng mảng màu, nhất là những mảng màu đã lợt. “Cùng là họa sĩ nên tôi hiểu cách xử lý màu sắc của tác giả và lựa chọn phương án xử lý tối ưu cho tác phẩm. Trần Đông Lương là một họa sĩ giỏi, ông rất tinh tế khi vẽ nhiều lần cho một mảng màu để màu thấm vào từng thớ lụa. Vì vậy, việc xử lý màu cũng làm từng lớp như khi vẽ vậy”.

Quá trình bảo quản bức tranh của Trần Đông Lương được Hội đồng bảo quản Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật đánh giá ngay ban đầu là rất khó, ở chỗ, tranh được bồi trên miếng gỗ, trong khi với tác phẩm lụa và giấy rất tối kỵ khi bồi lên gỗ. Khi tác phẩm trong quá trình hư hỏng, để gỡ tranh ra khỏi lớp gỗ là việc làm vô cùng khó khăn. Chỉ tính các giai đoạn bóc, gỡ từng bộ phận cũng mất đến 2 tháng. Hơn thế, tác phẩm còn bị ố, mốc, chịu tác động mạnh của hơi nước.

Ông Tiến nói: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để vượt qua các điều kiện hiện tại. Bởi bản thân tác phẩm lụa khi đã bị ăn sâu vào chân vải cùng tác động từ phía lưng khung tranh rất khó xử lý. Để thành công đòi hỏi sự mẫn cảm, chuyên cần và khoa học. Đến hôm nay, tác phẩm đạt được độ ổn định cũng là công sức không chỉ của cá nhân mà cả tập thể với nhiều câu chuyện hấp dẫn, cách làm linh hoạt, nó giống như việc trao trả giá trị cho tác phẩm phục chế vậy”.

“Mẫn cảm, chuyên cần, khoa học” thực sự là nguyên tắc của những người thực hiện công tác phục chế. Với điều kiện khí hậu vùng Đông Dương nóng ẩm, mưa nhiều, điều kiện bảo quản các tác phẩm nghệ thuật còn hạn chế, việc thực hiện trùng tu được các tác phẩm nghệ thuật thực sự có ý nghĩa lớn không chỉ về giá trị tinh thần, mà còn là cơ hội để bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ của các cán bộ trùng tu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phục chế bộ sách cổ “Khang Hy từ điển”
Phục chế bộ sách cổ “Khang Hy từ điển”

Thư viện tỉnh Phú Yên đang phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM phục chế bộ sách cổ “Khang Hy từ điển” đang được lưu giữ tại đây.  

Phục chế bộ sách cổ “Khang Hy từ điển”

Phục chế bộ sách cổ “Khang Hy từ điển”

Thư viện tỉnh Phú Yên đang phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM phục chế bộ sách cổ “Khang Hy từ điển” đang được lưu giữ tại đây.  

Phục chế thành công tranh sơn dầu “Mẹ con”
Phục chế thành công tranh sơn dầu “Mẹ con”

VOV.VN - Bức tranh sơn dầu "Mẹ con" của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch bị hư hại do điều kiện khí hậu không ổn định.

Phục chế thành công tranh sơn dầu “Mẹ con”

Phục chế thành công tranh sơn dầu “Mẹ con”

VOV.VN - Bức tranh sơn dầu "Mẹ con" của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch bị hư hại do điều kiện khí hậu không ổn định.

Gặp những người phục chế pháp lam
Gặp những người phục chế pháp lam

Trong hệ thống di sản văn hóa Huế, có một mảng hiện vật rất quan trọng mà nhiều năm gần đây đã có nhiều học giả quan tâm nghiên cứu, bởi những tư liệu và công nghệ chế tác ra nguồn hiện vật này được xem là thất truyền-đó là pháp lam.

Gặp những người phục chế pháp lam

Gặp những người phục chế pháp lam

Trong hệ thống di sản văn hóa Huế, có một mảng hiện vật rất quan trọng mà nhiều năm gần đây đã có nhiều học giả quan tâm nghiên cứu, bởi những tư liệu và công nghệ chế tác ra nguồn hiện vật này được xem là thất truyền-đó là pháp lam.

Phục chế bức tranh tường cuối cùng của Michelangelo
Phục chế bức tranh tường cuối cùng của Michelangelo

Bức tranh tường được cho là cuối cùng của danh họa vĩ đại Michelangelo đã được phục chế trong một dự án lớn kéo dài 7 năm và tiêu tốn 3 triệu euro

Phục chế bức tranh tường cuối cùng của Michelangelo

Phục chế bức tranh tường cuối cùng của Michelangelo

Bức tranh tường được cho là cuối cùng của danh họa vĩ đại Michelangelo đã được phục chế trong một dự án lớn kéo dài 7 năm và tiêu tốn 3 triệu euro