Quản lý lễ hội cần nâng mức xử phạt hành chính
(VOV) - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh nêu ra những giải pháp để lễ hội ngày càng văn minh, tiết kiệm.
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù bận bịu cuối năm những mỗi người dân trong đều mong muốn và cố gắng thu xếp thời gian đến với các lễ hội, đình chùa với mục đích cầu an và du Xuân. Tuy nhiên, cũng chính vì việc các lễ hội tập trung chủ yếu vào mùa Xuân với lượng người trảy hội tăng đột biến đã nảy sinh tình trạng tiêu cực, chen lấn, xô đẩy, tạo ra những hình ảnh không đẹp mắt ở ngay chính như lễ hội, di tích lịch sử văn hoá. Đây cũng là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh |
Thanh tra, kiểm tra thường xuyên các lễ hội
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thẳng thắn nhìn nhận, đúng là những năm qua công tác tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Bộ trưởng cho rằng ngành VHTT&DL còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để người dân có thể tham gia các lễ hội trong một môi trường văn hoá lành mạnh, an toàn.
“Phải nói đó là những vấn nạn cần phải phê phán, cần phải được xử lý. Thế nhưng, nói là nó không giảm đi so với những năm trước đây là không đúng. Bởi vì từ năm 2010, 2011, 2012 và đến bây giờ là mùa lễ hội năm 2013 thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ như năm 2011 Thủ tướng Chính phủ có công điện số 162 và các năm khác thì chúng tôi đều có chỉ thị để chấn chỉnh tình trạng này. Qua đánh giá tổng kết mùa lễ hội 2012 thì nhiều địa phương đã có những chuyển biến tích cực như ở Nam Định, ở Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái,… Có thể nói đó là một sự nhập cuộc rất quyết liệt của Bộ VHTT&DL và các địa phương” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu rõ.
Bộ trưởng cho biết, hàng năm, Bộ VHTT&DL đều tổ chức những đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, phối hợp với các Sở VHTT&DL để có kế hoạch chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, vướng mắc trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Một trong những ví dụ được nêu là quyết tâm đẩy lùi tiêu cực, nạn chen lấn xô đẩy trong Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2012. Đây được cho là tiền đề tích cực để Bộ đưa ra những giải pháp tổ chức và quản lý các lễ hội khác trên cả nước.
Theo Bộ trưởng, việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên công tác quản lý lễ hội còn giúp các địa phương phát hiện ra những thiếu sót, hạn chế trong việc triển khai tổ chức lễ hội, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những hiện tượng tiêu cực.
Lễ hội đền Trần năm 2012 đã quy củ hơn (ảnh: Anninhthudo) |
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Trước mùa lễ hội này, chúng tôi đã cử 7 đoàn đi các địa phương tổ chức nhiều lễ hội để xem xét các ban tổ chức lễ hội được kiện toàn như thế nào, quy chế tổ chức lễ hội ra sao, công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa của các lễ hội và đặc biệt là pháp luật để bảo vệ các di tích được triển khai đến đâu. Chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng ví dụ như hàng quán, nơi để xe, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ,… những hiện tượng đó được chúng tôi cảnh báo trước và các địa phương cũng đã có kế hoạch làm sao các lễ hội ngày càng văn minh hơn. Tất nhiên, không phải cùng lúc có thể giải quyết được mọi việc”.
Khắc phục tình trạng quá tải, đốt vàng mã
Một câu hỏi khác được đặt ra với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh là hàng năm, các lễ hội lớn luôn thu hút lượng đông du khách trảy hội, dần đến tình trạng quá tải, mất vệ sinh môi trường, chen lấn xô đẩy là điều khó tránh khỏi. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhất trí với ý kiến của người dân về thực tế này và cho biết, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất cần phải giải quyết mà quan trọng là vai trò của của các Ban quản lý lễ hội, chính quyền địa phương.
“Hiện nay chúng tôi đang triển khai Nghị định 70 của Chính phủ về quy hoạch và xây dựng các đề án để trùng tu, tôn tạo các di tích, mà theo đó Nghị định này quy định đối với Bộ phải làm gì và các địa phương phải làm gì. Sau khi có nghị định, chúng tôi đã có thông tư và sắp tới sẽ làm việc với các địa phương, các đơn vị quản lý di tích triển khai một cách có kết quả nghị định này” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết.
Việc hàng quán, bán hàng rong tại các khu di tích hay lễ hội cũng là một thực tế đặt ra, đòi hỏi phải có những biện pháp quản lý và kiên quyết xử lý tình trạng đeo bám du khách cũng như bán hàng trong khu vực 1 của di tích. Bộ trưởng cho rằng: “Hướng xử lý thì chắc chắn là phải xử lý theo quy định của pháp luật, tôi cũng như các đồng chí ở Bộ VHTT&DL có đi kiểm tra các nơi và phải thú thực là về cơ bản ở trong các khu vực 1, khu vực khuôn viên thì không có cho phép, nhưng ở khu vực đệm, khu vực bảo vệ di tích, khu vực 2 thì cũng có tình trạng diễn ra là các hàng quán. Nhưng vấn đề là phải sắp xếp lại trật tự như thế nào, ở đây liên quan đến vấn đề quy hoạch các di tích, ở đâu là cửa hàng, hàng quán dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người dân khi đi lễ hội, khi tham quan di tích”.
Việc đốt đồ mã tại các khu di tích, những nơi công cộng cũng được nhiều người dân nêu ra với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng vừa lãng phĩ, vừa ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng cho biết, sắp tới Bộ sẽ xây dựng và trình Chính phủ một nghị định về xử phạt hành chính, trong đó có những quy định mới với các trường hợp vi phạm tại các Lễ hội. Nếu như trước đây đã có quy định sẽ xử phạt từ 500.000-1.000.000 đồng nếu đốt đồ mã thì Nghị định mới sẽ nâng mức phạt lên đến 3.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, công tác tuyên truyền để người dân hiểu và hạn chế thói quen đốt đồ mã cần được đặt lên hàng đầu trước khi tiến hành xử phạt.
Để quản lý và tổ chức tốt các lễ hội, đảm bảo cho người dân được tham gia những lễ hội an toàn, lành mạnh, văn hoá cao cần có những giải pháp đồng bộ trong công tác quy hoạch lễ hội, cũng như bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ trường Hoàng Tuấn Anh cho biết, sẽ tiến hành quy hoạch lễ hội để phân cấp và xác định quy mô của từng lễ hội, lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở, đặc biệt là quy chế tổ chức và quản lý các lễ hội ngành nghề trên phạm vi toàn quốc.
Mùa lễ hội 2013 đang đến gần. Để nhân dân cả nước được sống trong một mùa lễ hội đầu Xuân thực sự lành mạnh, an toàn, mang đậm nét văn hóa thì bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý Lễ hội, xử phát thật nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, ứng xử văn minh khi tham gia Lễ hội./.