Mỹ và NATO đang làm gì để đảm bảo xung đột không vượt ra ngoài Ukraine?

VOV.VN - Duy trì sự mơ hồ chiến lược để kiềm chế hành động của đối phương hay làm rõ lập trường của mình nhằm tránh bất kỳ tính toán sai lầm nào có thể xảy ra đang là 2 luồng quan điểm chia rẽ NATO về việc phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine.

Nỗ lực đảm bảo cuộc chiến sẽ không vượt ngoài Ukraine

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ cánh ở Brussels ngày 23/3 để tham dự các cuộc trao đổi khẩn cấp về cuộc chiến ở Ukraine, những chia rẽ đã xuất hiện trong NATO và tại Washington về việc phản ứng với cuộc chiến này. Các nhà lãnh đạo đang thảo luận về việc liệu cuộc chiến ở Ukraine có khiến phương Tây phải có những hành động quân sự xa hơn hoặc liệu những nhân tố này có thể kéo NATO vào cuộc xung đột hay không.

Một số nhà hoạch định chính sách của NATO ở châu Âu cho rằng hiện nay, có quá nhiều tuyên bố công khai về những việc liên minh này sẽ không thực hiện, chẳng hạn như không điều quân tới Ukraine, không cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine. Họ cho rằng NATO cần có một hướng tiếp cận linh hoạt hơn, đó là không công khai loại bỏ bất kỳ khả năng nào.

Tuy nhiên, một số quan chức khác cho rằng xung đột không thể bị đẩy lên cao hơn nữa bởi bất kỳ sự phản ứng sai lầm nào đều có thể kéo NATO và Nga vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, gây hậu quả thảm khốc với cả thế giới. Những cuộc thảo luận trong NATO hiện đã mở rộng ra với 2 vấn đề, đó là phương Tây sẽ làm gì cho Ukraine và thứ hai là cách tốt nhất để tăng cường khả năng phòng thủ của NATO trong lãnh thổ của mình là gì.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã lưu ý về sự nguy hiểm nếu NATO cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine: “Đó sẽ là một quyết định hoàn toàn nguy hiểm và cực kỳ liều lĩnh. Chiến dịch quân sự vẫn đang diễn ra. Bất kỳ sự tiếp xúc nào với quân đội NATO đều có thể dẫn đến những hậu quả dễ hiểu và khó sửa chữa”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì cho rằng việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Ukraine theo đề xuất của Ba Lan sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân đội Nga và các lực lượng của liên minh.

Vì thế, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhận định với báo giới ngày 23/3 khi nói về tình thế tiến thoái lưỡng nan của liên minh này rằng: "Chúng tôi quyết tâm làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Ukraine nhưng chúng tôi cũng có trách nhiệm để đảm bảo rằng cuộc chiến này sẽ không vượt ngoài Ukraine đến mức trở thành cuộc xung đột giữa NATO và Nga".

Phản ứng của Mỹ

Trong khi đó, Mỹ cũng khẳng định rõ rằng nước này sẽ không can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine. Mỹ đã phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine bằng cách thực hiện những biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào nền kinh tế Nga và cung cấp nhiều vũ khí phòng thủ cho Ukraine.

"Tổng thống Biden đã làm rõ rằng mục tiêu của chúng tôi là chắc chắn sẽ đưa cuộc chiến này đến hồi kết. Ở một mức độ nào đó, chúng tôi đã khẳng định rằng chúng tôi sẽ không tiến hành những bước đi có thể mở rộng cuộc chiến, vốn sẽ khiến nhiều sinh mạng bị đe dọa và dẫn tới một cuộc xung đột lớn hơn nhiều. Đó là một hướng tiếp cận có trách nhiệm và trung tâm của hướng tiếp cận này tập trung vào việc cứu sống các sinh mạng, cũng như kết thúc cuộc xung đột này nhanh nhất có thể", một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Biden cho hay.

Hôm 18/3, Bloomberg đưa tin, Mỹ và các đồng minh đã thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp với Nga để tránh xung đột (giữa Nga và NATO) có thể xảy ra do những sự hiểu lầm ở biên giới Ukraine.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Connecticut Chris Murphy cho rằng về cơ bản, hầu như có rất ít sự khác biệt giữa châu Âu và Mỹ trong quan điểm về cuộc chiến này.

NATO cho rằng các yếu tố nhằm đảm bảo sự răn đe của liên minh này vẫn đang hoạt động. Hiện chưa có cuộc không kích nào của Nga nhằm vào các trung tâm hậu cần trên lãnh thổ NATO, những cơ sở đang hỗ trợ tổ chức các đợt vận chuyển quân sự sang Ukraine. Hoặc ít nhất là trong thời điểm hiện tại, chưa có cuộc tấn công mạng nào nhằm vào các nước NATO - điều mà một số nhà hoạch định chính sách lo ngại có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga. Các nhà lãnh đạo NATO cho biết các cuộc tấn công mạng có thể kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của Hiệp ước NATO song họ không nói rõ sẽ tiến hành như thế nào.

Một số nhà quan sát cho rằng chính quyền Tổng thống Biden vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Nga. Hồi đầu tháng 12/2021, ngay khi Nga bắt đầu tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine, Tổng thống Biden đã khẳng định rằng "ý tưởng Mỹ đơn phương sử dụng vũ lực đối đầu với Nga nếu nước này tấn công Ukraine không nằm trong các lựa chọn hiện nay".

Gần đây, chính quyền Tổng thống Biden đã từ chối lời đề nghị của Ba Lan về việc chuyển giao các tiêm kích MiG cho quân đội Ukraine khi người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố, những đánh giá của Mỹ xác định rằng Nga sẽ coi động thái trên là một hành vi leo thang căng thẳng.

Làm rõ lập trường hay duy trì sự mơ hồ chiến lược?

Tuy nhiên, một số quan chức Đông Âu cho biết họ lo ngại về việc sẽ không có đủ khả năng phản ứng cần thiết nhằm tăng cường binh lính và trang thiết bị tới những nước NATO dễ bị ảnh hưởng.

François Heisbourg, cố vấn cấp cao về châu Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và từng là cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp nhận định, thay vì tuyên bố thẳng thừng về những việc sẽ làm và không làm, phương Tây nên duy trì sự mơ hồ chiến lược. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng có cùng quan điểm này.

"Sẽ tốt hơn nếu khiến Nga phải cân nhắc về những gì chúng ta sẽ làm thay vì nói với họ chính xác những gì chúng ta sẽ làm. Nhìn chung, sự mơ hồ chiến lược là cách tốt nhất".

Dù vậy, Tổng thống Biden không phải nhà lãnh đạo NATO duy nhất cố gắng làm rõ về những giới hạn của liên minh này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhiều lần khẳng định rõ về lập trường của nước này.

Hôm 23/3, ông Scholz đã tuyên bố trước Quốc hội rằng: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận những yêu cầu về việc thiết lập vùng cấm bay. NATO sẽ không trở thành một bên trong cuộc chiến này".

Cuộc tranh luận về việc làm thế nào để duy trì sức ép lên Nga, trong khi cố gắng tránh leo thang căng thẳng đã, đang và sẽ còn tiếp tục diễn ra trong những cuộc gặp của các nhà lãnh đạo phương Tây ở Brussels. Các nước Đông Âu có biên giới tiếp giáp với Nga như Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia đang đề nghị tăng cường lực lượng và các hệ thống phòng không tiên tiến hơn. Kể từ năm 2016, liên minh này đã duy trì khoảng 1.000 quân luân phiên tại mỗi nước trong 4 quốc gia trên nhưng các nước này cho rằng số lượng trên là không đủ để phòng thủ nếu cuộc xung đột giữa Nga và NATO nổ ra và những nước vùng Baltic có thể dễ dàng bị chia cắt với phần còn lại của NATO nếu hành lang dài hơn 60km giữa Ba Lan và Litva bị chia cắt.

Dù vậy, những người ủng hộ lập trường của chính quyền Tổng thống Biden ở Washington cho rằng, những cuộc thảo luận trong tuần này ở châu Âu sẽ giúp hàn gắn những chia rẽ đang tồn tại bên trong NATO./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 23/3
Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 23/3

VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 23/3.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 23/3

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 23/3

VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 23/3.

Mối đe dọa hạt nhân của Nga sẽ là chủ đề chính tại thượng đỉnh NATO
Mối đe dọa hạt nhân của Nga sẽ là chủ đề chính tại thượng đỉnh NATO

VOV.VN - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 23/3 cho biết, mối đe dọa tấn công hạt nhân của Nga sẽ là một trong những chủ đề chính được Tổng thống Joe Biden và các đồng minh của Mỹ thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hôm nay (24/3).

Mối đe dọa hạt nhân của Nga sẽ là chủ đề chính tại thượng đỉnh NATO

Mối đe dọa hạt nhân của Nga sẽ là chủ đề chính tại thượng đỉnh NATO

VOV.VN - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 23/3 cho biết, mối đe dọa tấn công hạt nhân của Nga sẽ là một trong những chủ đề chính được Tổng thống Joe Biden và các đồng minh của Mỹ thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hôm nay (24/3).

NATO tuyên bố không điều động quân đội tới Ukraine
NATO tuyên bố không điều động quân đội tới Ukraine

VOV.VN - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không cử quân đội tới Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo ở Brussels khi bình luận về đề xuất của Ba Lan với liên minh về việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây.

NATO tuyên bố không điều động quân đội tới Ukraine

NATO tuyên bố không điều động quân đội tới Ukraine

VOV.VN - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không cử quân đội tới Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo ở Brussels khi bình luận về đề xuất của Ba Lan với liên minh về việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây.

Nga cảnh báo về sự nguy hiểm nếu NATO cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine
Nga cảnh báo về sự nguy hiểm nếu NATO cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine

VOV.VN - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov tuyên bố, việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tới Ukraine sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Nga cảnh báo về sự nguy hiểm nếu NATO cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine

Nga cảnh báo về sự nguy hiểm nếu NATO cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine

VOV.VN - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov tuyên bố, việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tới Ukraine sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Biden có thể công bố kế hoạch duy trì binh sĩ Mỹ đã tăng cường ở các nước NATO
Biden có thể công bố kế hoạch duy trì binh sĩ Mỹ đã tăng cường ở các nước NATO

VOV.VN - Nhân chuyến thăm châu Âu vào ngày 24/3 tới, Tổng thống Joe Biden có thể thông báo duy trì lâu dài số binh sĩ Mỹ tăng cường, vốn đã được triển khai tới các nước NATO gần Ukraine thời gian qua.

Biden có thể công bố kế hoạch duy trì binh sĩ Mỹ đã tăng cường ở các nước NATO

Biden có thể công bố kế hoạch duy trì binh sĩ Mỹ đã tăng cường ở các nước NATO

VOV.VN - Nhân chuyến thăm châu Âu vào ngày 24/3 tới, Tổng thống Joe Biden có thể thông báo duy trì lâu dài số binh sĩ Mỹ tăng cường, vốn đã được triển khai tới các nước NATO gần Ukraine thời gian qua.