Quảng bá ẩm thực Việt nhìn từ chiếc váy “Bánh mỳ” của Hoa hậu
VOV.VN -Được bạn bè quốc tế đánh giá cao nhưng ẩm thực Việt vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong chiến lược quảng bá, phát triển du lịch và văn hóa Việt Nam.
Ẩm thực Việt Nam từ lâu đã là niềm tự hào của người Việt bởi sự đa dạng, phong phú, kết hợp hài hòa cân bằng âm - dương, chua - cay - mặn - ngọt...mang đến những trải nghiệm sống động và đáng nhớ cho thực khách mỗi khi thưởng thức.
Được rất nhiều bảng xếp hạng, tạp chí ẩm thực, du lịch danh tiếng thế giới vinh danh nhưng cho đến nay ẩm thực Việt vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong chiến lược quảng bá, phát triển du lịch nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Không ngừng quảng bá sáng tạo, đột phá
Trong bối cảnh phát triển, hội nhập quốc tế hiện nay, những yếu tố thuộc về bản sắc riêng của mỗi dân tộc được coi là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia. Trong nền văn hóa Việt Nam, ẩm thực giữ một vị trí vô cùng quan trọng khi là một trong những thế mạnh để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến thế giới.
Nếu trước kia, hành trình quảng bá những giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam thường chỉ gắn liền với những festival ẩm thực trong nước và quốc tế hay những tour du lịch quen thuộc thì nay hoạt động quảng bá trở nên sáng tạo và đa dạng hơn.
Hoa hậu H' Hen Niê trong bộ trang phục "Bánh mỳ" tại Miss Universe |
Một trong những hoạt động thể hiện khát khao đưa ẩm thực Việt “vượt biển” vươn xa theo cách của riêng mình là bộ trang phục dân tộc mô phỏng bánh mỳ mà Hoa hậu H’Hen Niê mang tới cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe - HHHV 2018). Bộ trang phục đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ bạn bè quốc tế. Bởi “Bánh mỳ” là món ăn đường phố nổi tiếng của Việt Nam, nó mang giá trị văn hóa riêng không phải nước nào cũng có.
Những nhà báo, chuyên gia ẩm thực trên thế giới đã dành biết bao mỹ từ cho bánh mì Việt Nam. Đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Michael Bourdain đã ví von đầy hoa mỹ khi thưởng thức bánh mì ở Hội An là “bản giao hưởng trong ổ bánh mì".
Bộ ảnh “Tasteful Vietnam – Ngon quá Việt Nam” là nỗ lực sáng tạo của những người trẻ mong muốn quảng bá hình ảnh đất nước qua ẩm thực tới thế giới. |
Những món ăn đặc trưng của Việt Nam còn được biết đến qua những thước phim, bộ ảnh giới thiệu một nền ẩm thực phong phú, đa dạng được tái hiện, sáng tạo một cách mới mẻ. Bộ ảnh “Tasteful Vietnam – Ngon quá Việt Nam” là nỗ lực sáng tạo của những người trẻ mong muốn quảng bá hình ảnh đất nước qua ẩm thực tới thế giới. Những hình ảnh, những món ăn Việt Nam quen thuộc như phở, bánh mì, bún bò Huế hiện lên sống động, đầy màu sắc. Bộ ảnh vừa nhấn mạnh vào cảm nhận vị giác, vừa thể hiện được nét đẹp thị giác, lại vừa nói lên tính đa dạng của ẩm thực Việt.
Chính những nỗ lực này đã tạo nên một dấu ấn riêng trên bản đồ ẩm thực thế giới mang đặc trưng thương hiệu Việt, tôn vinh giá trị tinh thần của món ăn truyền thống để người Việt hiểu hơn, yêu hơn và trân trọng những sản vật của quê hương mình.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt
Với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực Việt được coi là di sản văn hóa, cũng là tài nguyên du lịch quý giá của Việt Nam. Để quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử của Việt Nam đến bạn bè thế giới thì ẩm thực là một trong những nguồn tài nguyên phong phú, có giá trị khai thác không chỉ về sức mạnh hữu hình mà còn chứa đựng tất cả giá trị tinh hoa dân tộc.
Trong những năm gần đây, giấc mơ đưa ẩm thực thành “thương hiệu” rất riêng của Việt Nam để hấp dẫn du khách luôn được chú trọng. Ngoài Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội đầu bếp Việt Nam, nhiều năm qua, ẩm thực Việt còn được quảng bá bước đầu khá bài bản và hiệu quả qua Tổ chức kỷ lục Việt Nam. Cùng với việc tôn vinh các đặc sản truyền thống nổi bật, xác lập hàng loạt kỷ lục cấp khu vực, ẩm thực Việt đã có vị trí nhất định trên “bản đồ ẩm thực” của thế giới.
Nhiều hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực được diễn ra như các lễ hội ẩm thực như “Liên hoan Món ngon các nước”, “Ngày của Phở” hay các cuộc thi ẩm thực, các tour du lịch khám phá ẩm thực,…
Sự kiện ẩm thực "Ngày của Phở". |
Tuy nhiên, số lượng các chương trình vẫn còn hạn chế, những món ngon níu chân biết bao du khách nhưng chưa được nâng tầm để phát huy giá trị. Nền ẩm thực Việt Nam vẫn chỉ được tiếp cận như một yếu tố góp phần làm nên thành công của ngành du lịch chứ chưa được coi là một ngành sáng tạo, cũng chưa được xây dựng thành một loại hình du lịch hấp dẫn du khách.
Vì vậy, để xây dựng ẩm thực Việt trở thành thương hiệu quốc gia, trở thành "bếp ăn của thế giới" thì cần phải có một chiến lược xúc tiến thương hiệu, với sự tham gia của các chuyên gia văn hoá và truyền thông, các đầu bếp nổi tiếng, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và lưu trú, các nhà hàng.
Bên cạnh đó, không chỉ dựa vào sự nỗ lực chủ động của các doanh nghiệp tư nhân, các hiệp hội,... mà cần có sự quản trị của nhà nước và chính quyền địa phương cùng nhiều lĩnh vực khác. Những hoạt động này sẽ thúc đẩy ngành ẩm thực nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, vươn ra hội nhập quốc tế./.