Quảng bá giá trị Văn bia Tiến sĩ ra thế giới

(VOV) -Điều đặc biệt là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách để bảo tồn giá trị của các di sản tư liệu.

Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) là tài sản văn hóa vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam và là biểu tượng tôn vinh đạo hiếu học, truyền thống lựa chọn nhân tài, bồi dưỡng nguyên khí quốc gia của cha ông ta từ trước đến nay.

Nhân dịp 82 bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, phóng viên VOV phỏng vấn bà Vũ Thị Minh Hương – Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước – Trưởng Ban điều phối Chương trình Ký ức thế giới Việt  Nam về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong sự giao lưu kết nối với các Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam và thế giới.

PV: Thưa bà, để bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản tư liệu 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chúng ta cần phải làm gì?

Bà Vũ Thị Minh Hương: Theo tôi, chúng ta cần tăng cường giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản tư liệu với các cơ quan có Di sản tư liệu - được ghi vào Danh mục Di sản tư liệu thế giới như Mộc bản triều Nguyễn của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 ở Đà Lạt, hay Mộc bản triều Nguyễn ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).

Khách quốc tế đến Văn Miều - Quốc Tử Giám thăm Văn bia (Ảnh: MD)

Đặc biệt là quan tâm duy trì mối quan hệ với Ủy ban UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước hiện nay, đang được giao là cơ quan đầu mối về chương trình này; cũng duy trì mối hợp tác với các bảo tàng, thư viện; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách để bảo tồn giá trị của các di sản tư liệu.

Ngoài ra cũng cần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản tư liệu. Khi đã trở thành Di sản tư liệu, chúng ta được quyền sử dụng logo quốc tế; tăng cường điều kiện vật chất để phục vụ công tác bảo tồn nhằm kéo dài tuổi thọ của 82 văn bia, nhưng vẫn giữ được bản sắc nguyên gốc của mình.

PV: Hàng năm, chương trình Ký ức thế giới và chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có những hoạt động gì để nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ trong lĩnh vực bảo quản cũng như phát huy giá trị của Di sản tư liệu, thưa bà?

Bà Vũ Thị Minh Hương: Hàng năm, chương trình Ký ức thế giới đều tổ chức những lớp tập huấn nghiệp vụ. Cục chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và có mời  cả chuyên gia quốc tế.

Ngoài ra, Ủy ban Quốc gia của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như trên thế giới, cũng tổ chức rất nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật. Vấn đề này cần sự vào cuộc của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cũng như sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố để chúng ta có kinh phí cử các cán bộ đi học tập được nhiều hơn, bởi vì khi đã trở thành Di sản tư liệu của khu vực và thế giới thì cũng đòi hỏi những yêu cầu trên phạm vi khu vực và thế giới, chứ không phải chỉ là yêu cầu của Việt Nam. Chúng ta không chỉ hội nhập về kinh tế mà hội nhập quốc tế toàn diện về mọi mặt.

PV: Theo bà, để nâng cao nhận thức của cộng động với việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản tư liệu thế giới thì cần phải làm gì?

Bà Vũ Thị Minh Hương: Chúng ta cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình… để tuyên truyền, quảng bá di sản này. Cũng cần phối hợp tổ chức cho các trường phổ thông từ cấp 1 đến cấp 3, thậm chí là cả các trường đại học, đặc biệt là khối đại học khoa học xã hội và nhân văn để tổ chức tham quan ngoại khóa, thi tìm hiểu về giá trị, nội dung, ý nghĩa, hình thức, phong cách nghệ thuật của 82 văn bia này. Ngoài việc học tập thì đây cũng là một kênh để giáo dục truyền thống cho  thế hệ trẻ rất tốt.

Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ tiếp cận bằng các phương tiện truyền thông mới như các trang mạng xã hội, các cuộc thi tìm hiểu, dựng các cuốn phim, làm phóng sự và xây dựng trang thông tin điện tử bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc… Muốn truyền bá văn hóa thì phải có yêu cầu ngoại ngữ. Đây cũng là điểm đáng quan tâm, để đào tạo các cán bộ, kể cả về kiến thức và ngoại ngữ.

PV: Xin cảm ơn bà!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Để văn bia tiến sĩ mãi trường tồn
Để văn bia tiến sĩ mãi trường tồn

Sau Mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục di sản của UNESCO

Để văn bia tiến sĩ mãi trường tồn

Để văn bia tiến sĩ mãi trường tồn

Sau Mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục di sản của UNESCO