Rặng cây trong mơ

Trên con đường thiên lý qua khắp các tỉnh thành, ở đâu anh cũng đi tìm rặng cây trong mơ ấy

Tết này, bước vào tuổi 60, anh về quê, đi chợ tìm mua một ít xoan giống để trồng. Căn nhà mà bố mẹ anh để lại, có ao sâu, vườn ruộng, giờ ông anh cả ở. Hỡi ôi, tìm khắp chợ không thấy bán xoan giống. Đồ giả thì nhiều, đồ thật thì ít. Mấy đứa cháu gọi anh bằng ông chú, cứ tròn xoe mắt hỏi: “Ông mua xoan làm gì?”. “Ông mua xoan để về trồng quanh nhà, các cháu ạ…” - Anh trả lời. “Ông ơi, giờ nhà làm bằng cột xi măng hết rồi” - Các cháu lại nói. Người anh cả của ông, tuổi cũng đã ngoài 80, gọi các cháu đến, chỉ lên ngôi nhà thờ gỗ ba gian, với cái sân gạch để vừa 2 cái nong, bảo: Ngôi nhà này làm bằng gỗ xoan ông chú trồng đấy.

Dạo ấy là cuối năm 1966, nhà anh được giãn dân, từ chỗ ở chen chúc trong làng, được hợp tác xã chia cho mảnh ruộng làm nhà. Đất nền là đất đào ao quật lên. Có ao, có sân, có vườn và có nhà. Hai anh em hì hụi đánh xe cải tiến cả chục cây số, ra tận vùng đồng bãi, mang về hai cây xoan người bạn để lại cho, đóng cọc dìm dưới ao mấy tháng, sau vớt lên làm xà nhà. Nhà xong, anh hì hục đi tìm khắp các vườn hoang trong xóm, đánh xoan về trồng la liệt quanh nhà, bờ ao, đường vào, lại chăm chỉ tuốt cành cho xoan mọc thẳng. Rặng xoan này, mấy năm sau khi bố mẹ anh làm lại nhà, hạ xuống cũng thừa đủ để dùng. Lúc đó, anh đã đi xa nhà, đang ở tận chiến trường. Ngôi nhà gỗ đó, nay mấy anh em thỏa thuận để làm nhà thờ.

Nghe xong chuyện, các cháu cứ xuýt xoa: Bây giờ mới hiểu ông chú mua xoan giống về làm gì. Anh chỉ cười, không giải thích thêm. Bởi vì ngoài cái việc muốn cùng các cháu làm một việc có ý nghĩa, với anh còn là khao khát tìm một rặng cây trong mơ của đời mình.

Mùa hoa xoan nở là mùa xuân, ẩm ướt. Cùng với hoa xoan là muỗi. Cho nên không phải ai cũng thích hoa xoan. Anh cũng vậy, cho dù hồi bé đã được bà chị ru bằng mấy câu thơ Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy...”.

Anh vào đại học. Năm 1970 được về học ở khu Thanh Xuân (Hà Nội). Lúc đó, từ ga tàu điện Thanh Xuân xuôi xuống, rẽ phải qua cây cầu làm bằng hai thanh dầm bê tông bắc qua con mương nhỏ là cả một cánh đồng lúa xanh bát ngát. Một rặng xoan nhỏ ngăn cánh đồng với khu tập thể. Anh ở đấy được hai mùa hoa xoan nhưng không hiểu sao, chỉ đến mùa xuân năm 1972, anh mới thấy hết vẻ đẹp của nó.

Năm đó anh tròn 20 và mùa xuân ấy cũng gắn với tình yêu đầu đời của anh. Đất và trời, rặng cây và đồng ruộng, tất cả phủ một tấm bụi mờ. Mưa như rây hạt, mưa như giăng lưới. Rồi những cây xoan bừng nở hoa. Những cụm hoa xoan đầy đặn, trắng tinh. Những bông hoa xoan nhỏ li ti, thoạt nhìn nhị hoa như màu đen, nhìn kỹ hóa là màu tím. Cả một rặng xoan ven cánh đồng, từ gác ba nơi anh ở nhìn xuống, chỉ thấy một màu trắng thủy chung. Anh nghe thầy giáo Bùi Xuân Tân giảng văn: “Ngày nhàn khép chặt cửa buồng văn/ Khách tục không ai bén đến gần/ Tiếng cuốc gào Xuân, Xuân sắp hết/ Hoa xoan mới nở đượm mưa nhuần...”.

Cái tuổi 20 của anh trôi qua thật nhanh. Tháng 4/1972, Mỹ đánh phá lại miền Bắc. Cùng nhiều bạn bè trang lứa, anh vào chiến trường. Ngày trở về trường cũ học lại, rặng xoan đã không còn. Và người tình trong mơ của anh cũng đã đi lấy chồng.

Từ đó, trên con đường thiên lý qua khắp các tỉnh thành, ở đâu anh cũng đi tìm rặng cây trong mơ ấy. Cái thời Hà Nội “gạo ngô thì thiếu, hoa xoan lại thừa” qua đi. Bây giờ, muốn tìm cho ra những rặng xoan, anh phải đi thật xa: Mèo Vạc (Hà Giang), Trùng Khánh (Cao Bằng), Ngân Sơn (Bắc Cạn)… có những chuyến đi không thấy hoa xoan nở, thôi đành chụp xoan đang thay lá. Có những chuyến đi đến lá cũng không còn, thôi đành chụp cành xoan trĩu quả. Lại có những chuyến đi chỉ còn cành xoan gầy guộc giơ những ngón tay lên trời đông giá buốt.

Ở tuổi 60, anh ngộ ra một điều: Trở về quê hương, trồng một rặng xoan cho trẻ con nó biết, nó yêu một thứ cây, một thứ hoa bình dị ấy. Để cây xoan sống mãi trong tâm hồn lũ con trẻ. Ra Giêng, anh đi nhặt những quả xoan rụng, ươm thành cây giống mang về quê trồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên