Rạp Việt thời kỳ bình thường mới: Vẫn lao đao vì dịch bệnh

VOV.VN - Tại Việt Nam, từ cuối tháng 5 vừa qua, nhiều rạp chiếu phim đã được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các rạp chưa thể khả quan.

Điện ảnh là một trong những ngành giải trí chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới. Hệ thống rạp chiếu nhiều nơi đóng cửa trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nhiều dự án điện ảnh đang quay dở dang phải tạm dừng. Tại Việt Nam, từ cuối tháng 5 vừa qua, nhiều rạp chiếu phim đã được phép mở cửa trở lại (trừ Quảng Nam, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột và những địa phương vừa bùng phát dịch đợt 2). Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các rạp chưa thể khả quan.

Cuối tháng 8 vừa qua, "Tenet" – bộ phim bom tấn với ngân sách sản xuất hơn 200 triệu USD được phát hành giống như chiếc “phao cứu sinh” cho toàn bộ hệ thống rạp chiếu phim Việt Nam. Danh tiếng, tài năng cùng phong cách làm phim độc đáo của đạo diễn Christopher Nolan khiến "Tenet" tạo nên sức hút lớn với người hâm mộ điện ảnh. Số suất chiếu vượt trội (có lúc lên tới 10 suất/ngày) so với những phim khác cùng thời điểm, những bàn tán trên các diễn đàn mạng xã hội, kèm theo đó là lượng lớn khán giả lũ lượt đến rạp khiến nếp nhăn trên trán những nhà phát hành phim giãn ra đôi chút.

Ông Vũ Đức Lương, giám đốc vùng miền Bắc cụm rạp CGV, đơn vị phát hành "Tenet" tại Việt Nam cho biết, bộ phim không những “cứu” kết quả kinh doanh của công ty trong 8 tháng đầu năm 2020, mà còn biến Việt Nam trở thành điểm sáng ở châu Á bởi việc phát hành "Tenet" trong bối cảnh nhiều thị trường khác như Trung Quốc hoặc Singapore vẫn chưa được mở lại rạp phim.

“Tenet đã khuấy động thị trường, giúp thị trường ấm lên phần nào”, ông Vũ Đức Lương nói. “Tính đến hết ngày 31/8, "Tenet" vẫn đang dẫn đầu phòng vé với khoảng 100.000 lượt khán giả tới rạp. Phải chiếm đến 80% tổng lượng khán giả đến rạp, gánh vác thay cho các phim khác”.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của “ngôi sao băng” "Tenet" là quá ít ỏi, không cứu được một năm thảm họa với hệ thống rạp chiếu toàn cầu nói chung và các rạp chiếu tại Việt Nam nói riêng. Cụm rạp CGV có số lượng rạp chiếu nhiều nhất cả nước, nhưng qui mô càng lớn thì càng chịu thiệt hại lớn trong thời kì dịch bệnh.

“Tính đến thời điểm này là gần hết quí III năm 2020 rồi, trải qua cả một giai đoạn dịch bệnh nặng nề như thế, những chi phí cố định vẫn phải chi trả, tiền lương đời sống của nhân viên vẫn phải đảm bảo. Cho nên chúng tôi cũng phải tìm cách xoay xở, cắt giảm bớt chi phí ví dụ như cắt bớt nhân lực thời vụ, đội ngũ quản lý sẽ kiêm nhiệm nhiều hơn công tác vận hành rạp”, ông Lương chia sẻ.

Cùng chung số phận như CGV, cụm rạp Galaxy cũng rất chật vật để tồn tại qua mùa dịch. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, giám đốc điều hành rạp Galaxy, giai đoạn toàn bộ các cơ sở vui chơi giải trí trên toàn quốc phải đóng cửa hồi tháng 3 khiến cụm rạp này mỗi tháng “lỗ” từ 10-15 tỷ đồng. Từ khi các rạp được mở cửa trở lại hồi tháng 5, tình hình cũng chẳng khả quan hơn.

“Từ mùng 9/5 thì rạp được mở lại nhưng do tình hình thế giới không tốt, cũng ảnh hưởng lan rộng nên được mở lại mà không có phim thì tình hình kinh doanh tháng 5, 6 cũng rất tệ (thậm chí một số rạp còn tệ hơn là giai đoạn phải đóng cửa). Trong giai đoạn đó tổn thất vẫn lớn, mỗi tháng ít nhất cũng vẫn phải chi thêm 10-15 tỷ nữa cho vận hành rạp, do lượng người xem phim thời điểm đấy chỉ bằng 20% so với thời điểm trước dịch”, bà Mai Hoa nói.

“Túng thế phải dùng quyền”, “cái khó ló cái khôn”, hiện nay, các rạp đang áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu để lôi kéo khán giả quay lại rạp. Bên cạnh các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn mùa dịch theo khuyến cáo của các cơ quan y tế như yêu cầu nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang khi đến xem phim tại rạp; trang bị dung dịch diệt khuẩn, sát trùng; tăng cường vệ sinh phòng chiếu... một số rạp áp dụng chương trình bán vé bằng một nửa, thậm chí 1/3 giá vé bình thường.

Không có phim mới phát hành thì nhiều rạp đem cả những phim cũ ra chiếu phục vụ các “thượng đế”. Chẳng hạn như CGV đã chiếu lại "Inception", bộ phim được xem như phần trước của "Tenet". Hoặc một vài phim thuộc vũ trụ điện ảnh Marvel như "Captain America: Chiến binh Mùa đông" hay sắp tới là "Doctor Strange" sẽ được chiếu lại. Ông Vũ Đức Lương, giám đốc vùng miền Bắc CGV cho biết, tín hiệu khả quan từ Tenet có thể kích cầu một số phim bom tấn khác sẽ được phát hành từ nay đến cuối năm 2020.

“Quí IV của năm nay, dự kiến các phim bom tấn sẽ đồng loạt khởi chiếu. Đó là "Wonder Woman", series 007 "No time to die" hay là "Black Widow". CGV cũng có kế hoạch mang những phim bom tấn rất tiêu biểu trước đây ra phục vụ lại khán giả, ví dụ như "Coco", "Dr Strange" hay "Cô hầu gái" (phim kinh dị Việt Nam). CGV và các nhà phát hành khác cũng sẽ tích cực làm việc với các nhà sản xuất phim Việt để đưa nhiều phim ra rạp hơn nữa thời gian tới”.

Về phía Galaxy, họ cũng có kế hoạch tái phát hành lại một số phim hay, nhưng còn phải cân đong đo đếm nhu cầu của khán giả, bởi nếu đem phim ra chiếu mà không bán được vé thì chỉ gánh lỗ thêm. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích: “Chúng tôi cũng đang theo dõi những kế hoạch phát hành phim trên toàn thế giới để có kế hoạch tái phát hành lại những phim từ 2-3, thậm chí 4-5 năm trước. Nhưng cũng cần cân nhắc xem xét cẩn trọng, vì nếu phát hành lại mà những phim đó không đủ sức hút để kéo khán giả ra rạp thì cũng chưa chắc mang lại lợi ích cho toàn cụm rạp. Cho nên  phải kháo sát khán giả, đồng thời cũng đang xem xét danh sách các phim đó để có thể rải đều ra những tháng cuối năm”.

Trong 15 năm qua, từ khi các cụm rạp quốc tế vào Việt Nam, thị trường điện ảnh nước ta được xem là một trong những thị trưởng đang lên hấp dẫn nhất châu Á. Với đặc tính dân số trẻ, sức mua lớn, nhiều nhà phát hành trên thế giới rất coi trọng thị trưởng phim Việt Nam, kèm theo đó là những đặc quyền không phải nơi nào cũng có. Ví dụ như một số phim bom tấn khán giả Việt Nam gần như được xem cùng lúc với Bắc Mỹ - thị trường điện ảnh truyền thống hàng đầu thế giới, trước cả nhiều nơi như Trung Quốc hoặc châu Âu. Covid-19 đang khiến biểu đồ phát triển của thị trường điện ảnh Việt Nam đi xuống, nhưng tin rằng, giống như tia sáng từ phim "Tenet", nó sẽ sớm phục hồi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những ngôi sao vào vai các nàng công chúa Disney trên màn ảnh rộng
Những ngôi sao vào vai các nàng công chúa Disney trên màn ảnh rộng

VOV.VN - Emma Watson, Lưu Diệc Phi, Elle Fanning, Lily James... là những diễn viên xinh đẹp đưa các nàng công chúa Disney lên màn ảnh rộng.

Những ngôi sao vào vai các nàng công chúa Disney trên màn ảnh rộng

Những ngôi sao vào vai các nàng công chúa Disney trên màn ảnh rộng

VOV.VN - Emma Watson, Lưu Diệc Phi, Elle Fanning, Lily James... là những diễn viên xinh đẹp đưa các nàng công chúa Disney lên màn ảnh rộng.

Bom tấn “Tenet” hồi sinh phòng vé với doanh thu hơn 200 triệu USD
Bom tấn “Tenet” hồi sinh phòng vé với doanh thu hơn 200 triệu USD

VOV.VN - “Tenet” đã tạo ra làn sóng lớn hơn ở nước ngoài, khi ở nhiều quốc gia, dịch Covid-19 gần như được kiểm soát và các rạp chiếu phim đã mở cửa trở lại ở mức độ đáng kể hơn.

Bom tấn “Tenet” hồi sinh phòng vé với doanh thu hơn 200 triệu USD

Bom tấn “Tenet” hồi sinh phòng vé với doanh thu hơn 200 triệu USD

VOV.VN - “Tenet” đã tạo ra làn sóng lớn hơn ở nước ngoài, khi ở nhiều quốc gia, dịch Covid-19 gần như được kiểm soát và các rạp chiếu phim đã mở cửa trở lại ở mức độ đáng kể hơn.