Sau lễ cầu an, chùa Bà Đá được trả về nguyên trạng
VOV.VN - Đầu giờ chiều 13/2, Ban nghi lễ đã cung rước tượng Phật Dược sư trở về thư viện và trả lại sự bình thường của ngôi chùa cổ.
“Sau khi khóa lễ cầu an kết thúc, đại diện chùa Bà Đá (số 3, phố Nhà Thờ, Hà Nội) đã chuyển pho tượng Phật Dược sư khỏi đàn lễ theo đúng cam kết với các ban chức năng của quận Hoàn Kiếm” - bà Phan Thị Tuyết Lan, Trưởng phòng Văn hóa & Thể thao quận Hoàn Kiếm đã khẳng định như vậy với VOV online.
Ban nghi lễ đã cung rước tượng Phật Dược sư trở về thư viện và trả lại sự bình thường của ngôi chùa cổ. |
Về phần mình, Đại đức Đại đức Thích Chiếu Tuệ cũng cho biết: “Sau khi tổ chức tạ đàn từ 8 giờ đến 12 giờ, đầu giờ chiều nay, ban nghi lễ đã cung rước tượng phật trở về thư viện và trả lại sự bình thường của ngôi chùa cổ sau 7 ngày đàn lễ cầu an".
Trước đó, trao đổi với phóng viên VOV online, Đại đức Thích Chiếu Tuệ thừa nhận, chùa Bà Đá là di tích cấp thành phố nên pho tượng này để thờ là không phù hợp cả về thẩm mỹ và tâm linh và cũng không đúng với luật di sản. Nhưng đây chỉ là để bày đàn lễ cầu an nên tượng chỉ mang tính biểu tượng trong vài ngày và sau đó ông sẽ cất đi.
Tượng Dược sư trong khóa lễ cầu an ở chùa Bà Đá |
Lễ cầu an giải hạn thường được nhiều chùa tiến hành tụng kinh Dược sư trong dịp đầu năm. Bức tượng Dược sư được chùa Bà Đá thỉnh về năm nay là tượng được sản xuất tại TP HCM nhưng lại theo mẫu mã nước ngoài không phù hợp với khung cảnh cổ kính của ngôi chùa khiến nhiều nhà văn hóa lên tiếng.
Các pho tượng Dược sư truyền thống của Việt Nam thường gồm 7 pho tượng nhỏ bằng gỗ. Hiện tại, nhiều chùa vẫn còn những bộ tượng này. Tuy nhiên, chùa Bà Đá lại không có nên Đại đức Thính Chiếu Tuệ đã thỉnh một pho tượng thay vì 7 pho về để trưng bày làm lễ vì chùa chật không bày hết được.
Khi được hỏi tại sao không dùng mẫu tượng truyền thống mà lại thay bằng mẫu mới, Đại đức cho biết ông vốn là Trụ trì Chùa Vạn Phúc ở Sóc Sơn, Hà Nội. Vì ông còn là Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên năm nay được phân công trực ở chùa Bà Đá trong 1 tháng. Tượng kiểu truyền thống phải đi đặt mẫu chứ không có ngay nên sẽ không kịp với thời gian bày đàn, tượng mới có sẵn nên thỉnh ngay được vì tượng này có nhiều ở trong miền Nam.
Trao đổi với phóng viên VOV online chiều 13/2, Đại đức Thích Chiếu Tuệ khẳng định 14 năm qua Đại đức làm việc ở Văn phòng Giáo hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, chưa bao giờ cơ quan chức năng của thành phố tổ chức hoạt động phổ biến cũng như tìm hiểu về Luật Di sản cho trụ trì các chùa ở Hà Nội./.
>> Liên quan: Vì sao bức tượng Phật “lạ” có trong chùa Bà Đá?