Cần đảm bảo nguồn nước cho người dân sản xuất bền vững

VOV.VN - Hiệu quả về kinh tế từ nghề nuôi cá nước lạnh mang lại cho người dân xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã được khẳng định, khi nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên trở thành triệu phú. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn đang ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, trong đó có việc đầu tư nuôi cá nước lạnh.

Bản Chu Va 6 và Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) hiện có 1 nhà Thủy điện Chu Va 2 đang hoạt động. Người dân địa phương cho biết, từ khi nhà máy phát điện đã hạn chế nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của bà con. Đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu lại có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện Chu Va 2A tại địa phương, với quy mô công suất thiết kế 8MW. Nếu công trình này tiếp tục được thi công sẽ gây thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa và nuôi cá nước lạnh của bà con.

“Chủ đầu tư thủy điện và chính quyền địa phương cần xem xét lại thu nhập của bà con. Nếu thủy điện Chu Và 2A tiếp tục xây dựng nữa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế của bà con. Hiện nay, thu nhập chính của bà con là lúa và nghề nuôi cá tầm, cá hồi. Rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xem xét lại để tìm hướng tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho cả công ty thủy điện và bà con trong bản”, ông Giàng A Lờ, Trưởng bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường nêu ý kiến.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát chi tiết, lập dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, quá trình lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác, công khai sử dụng tài nguyên nước, đã không nhận được sự đồng thuận của người dân.

Ông Lê Huy Chính, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tam Đường cho biết, sau khi khảo sát, về phía huyện đã đưa ra phương án là xây dựng một công trình lấy nước phía trên đập, sau đó xây dựng một hệ thống kênh dẫn ra sau đập. Giải pháp này sẽ giải quyết toàn bộ những lo lắng của bà con, khi nguồn nước cấp về cho hạ du hoàn toàn không phụ thuộc vào công trình đầu mối của dự án thủy điện. Nếu giải pháp này được thống nhất thực hiện, cần có thời gian tuyên truyền để người dân hiểu và chấp thuận. 

“Qua rà soát, kiểm tra, hiện tại trong vùng dự án của thủy điện có khoảng 29 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nuôi cá nước lạnh và khoảng hơn 40ha lúa, hoa màu. Chúng tôi sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động bà con, để nhân dân hiểu được các chính sách, lợi ích trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế cũng phải hài hòa giữa lợi lích của người dân và doanh nghiệp, để làm sao cho đảm bảo và có phương án cụ thể, chi tiết để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân”, ông Lê Huy Chính nói.

Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của người dân 2 bản Chu Va 6 và Chu Va 8, UBND huyện Tam Đường đã thành lập đoàn công tác xuống cơ sở khảo sát và làm việc với chủ đầu tư dự án thủy điện, cùng chính quyền xã Sơn Bình để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Quan điểm của người đứng đầu chính quyền địa phương là ưu tiên đảm bảo quyền lợi của người dân; yêu cầu chủ đầu tư tìm phương án tối ưu để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

“Huyện có quan điểm rất rõ là ưu tiên cho nước sinh hoạt và sản xuất của người dân là hàng đầu, còn thủy điện thì là chỉ khi có đủ nước và thừa ra thì mới được sử dụng. Xã Sơn Bình cùng với một số cơ quan chuyên môn của huyện và lãnh đạo công ty thủy điện sẽ phải có một cuộc làm việc với người dân và sẽ có cam kết. Việc lắp đặt đường ống dẫn nước về thủy điện phải tạo được dòng chảy thường xuyên để đảm bảo nước sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân. Giao cho nhân dân sẽ giám sát việc xây đập và dẫn nước để phát điện phải đúng với cam kết giữa người dân và doanh nghiệp”, ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nêu rõ.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án Thủy điện Chu Va 2A có cụm công trình đầu mối thiết kế gồm 2 đập; cổng ống được đặt thấp hơn mực nước dâng bình thường 1,7m, đảm bảo lưu lượng không nhỏ hơn 0,3m3/giây. Theo phân tích của đại diện Ban Quản lý Dự án Thủy điện Chu Va 2A, phương án này đảm bảo nguồn nước tách khỏi dự án thủy điện, cấp nước về hạ lưu, không ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của bà con.

“Để đảm bảo quyền lợi cho bà con, công ty cũng đã phối hợp với đơn vị tư vấn trình xây dựng 2 phương án để làm việc với các cơ quan, ban ngành của địa phương. Từ đó tìm giải pháp, thống nhất phương án để làm sao đảm bảo quyền lợi cho bà con tốt nhất. Thống nhất phương án là sau khi bà con lấy nước, còn lại lượng nước bao nhiêu thì sẽ được lấy về cho dự án thủy điện phát điện”, ông Trần Văn Ngọc, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án thủy điện Chu Va 2A cho biết.

Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân là phương châm của chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu trong xây dựng các công trình thủy điện. Cách làm này nhằm hạn chế thấp nhất việc tranh chấp, khiếu kiện giữa doanh nghiệp và người dân. Từ đó, đảm bảo cả đời sống của người dân và lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

Bài viết cùng loạt bài: 

Bài 1: Những triệu phú nuôi cá nước lạnh trên núi

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sa Pa còn khoảng 100 tấn cá nước lạnh "bí" đầu ra
Sa Pa còn khoảng 100 tấn cá nước lạnh "bí" đầu ra

VOV.VN - Không khách du lịch, nhà hàng, khách sạn tạm dừng kinh doanh khiến các trang trại nuôi cá hồi, cá tầm Sa Pa lâm vào cảnh lao đao không nơi tiêu thụ.

Sa Pa còn khoảng 100 tấn cá nước lạnh "bí" đầu ra

Sa Pa còn khoảng 100 tấn cá nước lạnh "bí" đầu ra

VOV.VN - Không khách du lịch, nhà hàng, khách sạn tạm dừng kinh doanh khiến các trang trại nuôi cá hồi, cá tầm Sa Pa lâm vào cảnh lao đao không nơi tiêu thụ.

Lãi hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi cá nước lạnh trên đỉnh mây mù
Lãi hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi cá nước lạnh trên đỉnh mây mù

VOV.VN -  Nhờ nuôi thành công cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) trên đỉnh mây mù, mỗi năm nhiều chủ trang trại ở huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) lại bỏ túi hàng tỷ đồng.

Lãi hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi cá nước lạnh trên đỉnh mây mù

Lãi hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi cá nước lạnh trên đỉnh mây mù

VOV.VN -  Nhờ nuôi thành công cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) trên đỉnh mây mù, mỗi năm nhiều chủ trang trại ở huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) lại bỏ túi hàng tỷ đồng.

Quy hoạch phát triển: Bài toán khó cho nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai
Quy hoạch phát triển: Bài toán khó cho nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai

VOV.VN - Nghề nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai đang bộc lộ những tồn tại, bất cập, trong đó, quy hoạch phát triển là bài toán lớn nhất chưa có lời giải.

Quy hoạch phát triển: Bài toán khó cho nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai

Quy hoạch phát triển: Bài toán khó cho nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai

VOV.VN - Nghề nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai đang bộc lộ những tồn tại, bất cập, trong đó, quy hoạch phát triển là bài toán lớn nhất chưa có lời giải.