Sức sống của nghệ thuật sân khấu Dù Kê Nam Bộ

(VOV) - Loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Khmer vẫn tràn đầy sức sống dù còn gặp nhiều khó khăn.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả vừa thực hiện đề tài về loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ thì loại hình này xuất hiện từ những năm 1920, tồn tại và phát triển ngày càng hoàn thiện. Trong cơ chế thị trường và nhịp sống số hôm nay, sân khấu dù kê không còn ở giai đoạn cực thịnh nhưng vẫn là niềm đam mê lớn của đồng bào Khmer, đặc biệt là đồng bào ở các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Loại hình nghệ thuật gần gũi với người dân

Sân khấu kịch Khmer Nam bộ đến nay có 2 loại hình chính là Rô băm và Dù kê. Loại hình nghệ thuật sân khấu Rô băm hình thành từ xa xưa trong cộng đồng người Khmer thuộc thể loại kịch múa cổ điển, có nguồn gốc từ biểu diễn phục vụ cung đình, được cho rằng xuất phát từ Campuchia. Nghệ thuật Rô băm đòi hỏi tuân thủ nhiều qui tắc về kịch bản, trang phục, trình độ biểu diễn và trình độ thưởng thức cao, nhưng giá trị về nội dung thì đơn giản.

Còn nghệ thuật dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ thì chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 thuộc thể loại ca kịch dân gian. Dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (tức sông Hậu). Các nhà nghiên cứu cho rằng: dù kê ra đời trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó như rô-băm và ảnh hưởng lớn bởi sự giao thoa văn hóa giữa người Khmer Nam bộ với người Việt và người Hoa trên địa bàn... Vì vậy, người ta so sánh nghệ thuật dù kê tương tự như sân khấu cải lương Nam bộ.

Một cảnh trong vở Truyền thuyết thần Neak Ta (Đoàn Ánh Bình Minh)- Ảnh: voh.com.vn

Nghệ sĩ ưu tú Thạch Sung – Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh phân tích: “Nói chung 2 thể loại này nó hơi khác nhau 1 chút. Rô băm thuộc thể loại cổ điển, kịch múa nữa. Còn dù kê mình diễn kịch, diễn tuồng, giống như cải lương vậy. Trong kịch bản nói lên những gì tốt đẹp trong xã hội, lên án cái không tốt. Nó giống như kịch bản cải lương vậy thôi. Dù kê hồi xưa không có múa đâu, nhưng sau này mình nghiên cứu, sáng tạo để thêm vào cho thể loại sân khấu có màu sắc hơn.”

Như vậy, dù kê ra đời dựa trên trí tuệ, tinh thần và tình yêu cái đẹp của đồng bào Khmer Nam bộ. Nó nhanh chóng được phổ biến khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long với nhiều ban, gánh, đoàn nghệ thuật Khmer lần lượt ra đời. Trong đó, các tỉnh phát triển mạnh nghệ thuật dù kê là: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và An Giang... Từ những ban hát dù kê ban đầu, nhiều địa phương đã mở ra các đội, rồi các đoàn lớn hơn, có điều kiện dựng vở và biểu diễn tốt hơn, xa hơn, phục vụ sự ngưỡng mộ của đông đảo đồng bào Khmer khắp nơi.

Ngày nay, dù sân khấu nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhưng những đoàn nghệ thuật Khmer khi biểu diễn dù kê trong vùng đồng bào dân tộc thì luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con. Anh Thạch Chăm Rơn – Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết hiện nay, loại hình sân khấu dù kê ở Sóc Trăng rất phát triển. Đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng rất ưu thích loại hình này. Đi đến đâu, đoàn nghệ thuật của anh cũng được khán giả yêu mến và ủng hộ rất nhiệt tình bởi vì loại hình dù kê rất gần gũi, phản ánh được nguyện vọng tâm tư của đồng bào.

Đối với 4 đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang và Bạc Liêu thì loại hình Dù kê thường xuyên nằm trong chương trình hoạt động lưu diễn vào mùa khô hàng năm khoảng từ đầu tháng 1 đến hết tháng 4. Trong lịch lưu diễn này, bên cạnh các tiết mục thuộc nhiều loại hình như rô băm, múa dân gian, hát múa dân ca và hiện đại, các đoàn thường xây dựng tiết mục đinh là các vở diễn hoặc trích đoạn dù kê để thu hút và phục vụ đông đảo đồng bào mê loại hình sân khấu độc đáo này.

Các vở diễn dù kê thường được chuyển thể từ các câu chuyện cổ dân gian hay chuyện sự tích. Thời gian gần đây cũng có thêm các vở diễn về đề tài đương đại với kết cấu là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác mà kết cục bao giờ cũng có hậu. Nghệ sĩ ưu tú Thạch Sung – Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh cho biết mỗi năm đoàn xây dựng 2 kịch bản sân khấu dù kê. Trong thời gian này, đoàn đang tập trung dựng vở để đến mùa khô đi phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Năm nay, đoàn cũng xây dựng 2 vở dù kê, đang xây dựng 1 vở và chuẩn bị xây dựng thêm 1 kịch bản nữa. Vở đang xây dựng là vở Hoàng đế Chan Va vông.

Hai khó khăn lớn của dù kê...

Đó chính là nguồn nhân lực trẻ và kịch bản. Học biểu diễn dù kê cũng không dễ, vì người thể hiện phải có năng khiếu cả về ca, múa, cảm thụ văn học, cảm thụ âm nhạc và diễn xuất. Vì vậy, người theo nghề phải có niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu truyền thống của dân tộc mình.

Riêng về kịch bản thì đội ngũ sáng tác cho sân khấu dù kê không nhiều và vì là loại hình tổng hợp nên người viết cũng phải là người có đủ trình độ và am hiểu nghệ thuật biểu diễn cần thiết. Thế nhưng, hiện công tác đào tạo nhân lực cho nghệ thuật Khmer chủ yếu dựa vào việc truyền nghề tại các đoàn nên chậm và không theo sát được tốc độ phát triển của nhịp sống đương đại.

Vở Dù kê “Trùng dương lặng sóng” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng. Ảnh: Sở VHTTDL Sóc Trăng

Mặc dù vậy, các đoàn vẫn nỗ lực vượt lên khả năng của chính mình để tồn tại và phát triển. Như đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Bạc Liêu vừa nhận quyết định chính thức chuyển từ đội lên đoàn. Mục tiêu lớn nhất của đơn vị này là có thêm người, thêm kịch bản để đủ sức dựng các vở dù kê mới trọn vẹn chứ không phải diễn trích đoạn nhỏ nữa.

Chị Kim Thị Chung – Phó trưởng đoàn tâm sự rằng ước mơ 15 năm mới được lên đoàn, anh chị em trong đoàn mừng dữ lắm. Đoàn hiện có ít diễn viên cũ, phần đông diễn viên còn trẻ phải đào tạo thêm nhiều. Đoàn đang xin thêm quân số lên khoảng 50 người để đủ diễn vở. Còn kịch bản thì đặt hàng viết và phối hợp với đài truyền hình, đài trả tiền cho đoàn diễn rồi đoàn có vở để phục vụ bà con.

Tận vùng đất cực Nam tổ quốc, đội thông tin Khmer tỉnh Cà Mau cũng đang nỗ lực để phấn đấu lên đoàn Nghệ thuật Khmer, đáp ứng nhu cầu tinh thần, phục vụ nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào. Anh Nguyễn Văn Tri – Trưởng đội thông tin Khmer tỉnh Cà Mau rất tâm huyết với việc xây dựng và phát triển đoàn theo hướng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dù kê của đông đảo bà con người Khmer.

Gần một thế kỷ hình thành và phát triển, dù kê có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Khmer Đồng bằng Sông Cửu Long. Đầu tháng 3 năm nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thông qua danh sách 12 di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012-2016, trong đó có nghệ thuật sân khấu dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ.

Nếu được công nhận, đó sẽ là bệ phóng để những tiếng đàn, tiếng hát dù kê thêm ngọt ngào, rộn rã; góp phần gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo của người dân Khmer vùng châu thổ Cửu Long./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đồng bào Khmer An Giang vui đón Lễ Dolta
Đồng bào Khmer An Giang vui đón Lễ Dolta

(VOV) - Một mùa Dolta nữa lại về trên từng phum sóc, đời sống được nâng cao nên từng gia đình đều chuẩn bị chu đáo, tươm tất hơn.

Đồng bào Khmer An Giang vui đón Lễ Dolta

Đồng bào Khmer An Giang vui đón Lễ Dolta

(VOV) - Một mùa Dolta nữa lại về trên từng phum sóc, đời sống được nâng cao nên từng gia đình đều chuẩn bị chu đáo, tươm tất hơn.

Kỷ niệm 55 năm Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam
Kỷ niệm 55 năm Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam

(VOV) - 55 năm hình thành và phát triển, đội ngũ NSSK Việt Nam luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Kỷ niệm 55 năm Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam

Kỷ niệm 55 năm Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam

(VOV) - 55 năm hình thành và phát triển, đội ngũ NSSK Việt Nam luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp sẽ được tổ chức 3 năm/lần
Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp sẽ được tổ chức 3 năm/lần

Liên hoan năm nay diễn ra tại Huế vào 14/7, sẽ là điểm khởi đầu cho kế hoạch mới này của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch.

Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp sẽ được tổ chức 3 năm/lần

Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp sẽ được tổ chức 3 năm/lần

Liên hoan năm nay diễn ra tại Huế vào 14/7, sẽ là điểm khởi đầu cho kế hoạch mới này của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch.