Tái hiện lại lịch sử Triều Nguyễn với “Văn hiến Kinh Kỳ“

VOV.VN - Vở diễn tập trung làm nổi bật các chính sách đã làm nên một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc. 

Kịch bản triển khai trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện, làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

"Văn hiến kinh kỳ" tập trung làm nổi bật các chủ đề như công cuộc xây dựng Kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình với những giá trị được sáng tạo nên của một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc. Với thời lượng 90 phút, kịch bản được cấu trúc thành 3 chương, mỗi chương có nhiều cảnh diễn, đan xen tương ứng với 14 hồi gắn với các chủ đề, nội dung sau:

Thống nhất giang sơn (Chương 1), kể về quá trình thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi của triều đình và nhân dân Việt Nam dưới thời các hoàng đế triều Nguyễn.

Năm 1802, hoàng đế Gia Long chọn Phú Xuân định đô, hình thành nên triều đại nhà Nguyễn; năm 1804, đặt quốc hiệu đất nước là Việt Nam. Đất nước ta bắt đầu bước vào kỷ nguyên xây dựng và phát triển đất nước ở một tầm cao mới.

Cùng với chấn hưng, phát triển đất nước, công cuộc xây dựng, kiến thiết Kinh đô Phú Xuân đã được chú trọng. Nhiều công trình kiến trúc liên tục đã được xây dựng, củng cố dưới thời các triều vua Nguyễn nhằm phục vụ bộ máy hành chính của triều đình cũng như sinh hoạt của hoàng gia.

Nhiều chỉ dụ của triều đình cho thuỷ quân và Hải đội Hoàng Sa thăm dò và đo đạc đường thủy tại Hoàng Sa, xác lập chủ quyền về hải đảo. Những mối hiểm hoạ của biển khơi luôn ẩn chứa trong tâm thức và trên hành trình của đội hùng binh. Nhưng với lòng quả cảm vô song, họ đã vượt qua mọi gian nguy để hoàn thành sứ mệnh:

           Kia Hoàng Sa hùng thiêng hải đảo

           Đội hùng binh chẳng ngại gian nguy

           Vững tay chèo hướng lên phía trước

           Nghe đâu đây sóng biển vọng vang về…

Tiếng sóng vọng từ biển đảo ngàn đời nhắc nhở bao thế hệ về chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Và hơn thế việc củng cố tiềm lực quân sự, công cuộc chấn hưng binh bị luôn được các triều đại chú trọng. Các lực lượng bộ binh, thủy binh, tượng binh, mã binh, hỏa pháo binh, ngự lâm quân luôn được huấn luyện, diễn tập, hoàn thiện... tạo ra sự phòng vệ, góp phần gìn giữ bảo vệ giang sơn gấm vóc...

Toàn bộ câu chuyện đó được kể qua các hồi Thống nhất giang sơn, Xây dựng Kinh đô, Chủ quyền biển đảo, Chấn hưng binh bị.

Ở chương 2 - Đất nước thái bình - kể về đất nước với sự ổn định chính trị, kinh tế, cảnh thái bình được mở ra với muôn dân trăm họ với các hồi Vận mới thái bình, Điềm lành mở lối, Mùa vụ bội thu, Xuân nghênh khánh hỷ. Giang sơn củng cố, đất nước bước vào cảnh thái bình với những vận hội mới:

               Dấy nghiệp văn thôi võ

               Lúc biển lặng sóng yên

               Nghi thức theo điển lệ

               Lễ nhạc cử uy nghiêm

                                (Thơ trên điện Thái Hoà)

Truyền thuyết kể rằng, mỗi khi chim Phụng hoàng đậu xuống cây Ngô đồng thì mang lại thái bình thịnh trị cho đất nước, đó là sự hòa hợp âm dương trong tạo hóa, đất trời.

Nước Việt Nam qua diễn trình mở cõi đã thống nhất giang san gấm vóc. Thiên hạ yên vui, muôn dân, trăm họ ấm no, hạnh phúc:

               Mặc ấm ghi ơn người dệt vải

               Ăn no nhớ nghĩa kẻ đồng xa

               Bao đời trọng nỗi gian nan ấy

               Chẳng lúc nào nguôi tiếng ngợi ca.

                                    (Thơ vua Minh Mạng)

Đất nước yên vui, không khí hoan ca, an lạc đến với muôn dân:

                Thái bình chế độ mới

                Mở rộng quy mô xưa

               Văn vật cùng tụ hội

               Gió xuân khắp đế đô. 

                                   (Thơ trên điện Thái Hoà)

Ngàn năm văn hiến (chương 3) sẽ kết thúc câu chuyện với các hồi: Mở mang quốc học, Bảo vật trường tồn, Linh khí hội tụ, Ngàn năm văn hiến, kể về sự mở mang nền giáo dục quốc dân, đào tạo nhân tài của triều Nguyễn. Theo đó, hằng trăm quyết sách quan trọng về chấn hưng giáo dục (thể hiện qua Châu bản) đã được thực thi. Hàng vạn tấm mộc bản được chế tác, khắc chữ nhằm in ấn, san định in ấn sách vở.

Trong lịch sử số lượng sách vở được in ấn dưới thời Nguyễn nhiều hơn so với tất cả các thời đại trước đó cộng lại. Chính điều này đã góp phần làm cho những kiến văn được lưu giữ, trao truyền một cách mạnh mẽ, tạo nên một hệ thống nhân tài để lại tiếp tục làm nên văn hiến.

Giang sơn thống nhất, đất nước thái bình, triều Nguyễn đã không ngừng mở mang, phát triển nền quốc học, đào tạo nhân tài. Mộc bản được chế tác hàng loạt để khắc in kinh sách, trước tác, phục vụ công cuộc giáo dục.

Các khoa thi tiến sĩ được mở trở lại. Việt Nam xuất hiện nhiều nhân tài, góp phần làm rạng rờ những trang sử đáng tự hào của dân tộc…

Nhằm tiếp thêm tiềm lực tinh thần, để đề cao dân tộc, để đề cao vị thế quốc gia, từ năm 1835, hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ cho đúc Cửu đỉnh, tượng trưng cho hưng thịnh và trường tồn, khẳng định sự chính danh của bậc hoàng đế.

Đất Kinh kỳ hội tụ, Thuận Hoá - Phú Xuân xưa thực sự là chiếc nôi sản sinh những khúc điệu vang ngân trong không gian và thời gian, để nuôi dưỡng một tình yêu lịch sử và thiên nhiên sâu thẳm. Tiếng ngân nga huyễn hoặc chất chứa bao xúc cảm, ru vỗ cõi nhân sinh. Theo thời gian, bao nhiêu thịnh suy, hưng phế cũng đều tan hoà quá vãng, nhưng vẫn đọng lại trong cõi đất trời một nền Văn hiến rực rỡ đến ngàn năm:

          Nước ngàn năm văn hiến

          Thống nhất toàn giang san

          Từ buổi đầu lập quốc

          Đã thịnh trị trời Nam

                       (Thơ trên điện Thái Hoà)

Những hình ảnh của đêm diễn đầu tiên tối 28/4 đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng du khách thập phương: 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Festival Huế 2018: Lễ hội đường phố ngập tràn sắc màu
Festival Huế 2018: Lễ hội đường phố ngập tràn sắc màu

VOV.VN - Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Huế 2018 với chủ đề “Sắc màu văn hóa” diễn ra chiều 28/4 đã tạo ra một không khí sôi động tại thành phố Huế.

Festival Huế 2018: Lễ hội đường phố ngập tràn sắc màu

Festival Huế 2018: Lễ hội đường phố ngập tràn sắc màu

VOV.VN - Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Huế 2018 với chủ đề “Sắc màu văn hóa” diễn ra chiều 28/4 đã tạo ra một không khí sôi động tại thành phố Huế.

Sôi động “Lễ hội đường phố” tại thành phố Huế
Sôi động “Lễ hội đường phố” tại thành phố Huế

VOV.VN - Chiều tối 28/4, Ban Tổ chức Festival Huế 2018 đã khai mạc lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa” phục vụ người dân và khách

Sôi động “Lễ hội đường phố” tại thành phố Huế

Sôi động “Lễ hội đường phố” tại thành phố Huế

VOV.VN - Chiều tối 28/4, Ban Tổ chức Festival Huế 2018 đã khai mạc lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa” phục vụ người dân và khách