Tản mạn về hoa sưa

Khi cây cơm nguội vắng bóng dần, rặng xoan ngoại thành đã lùi ngày càng xa, hoa sưa xuất hiện như an ủi cho người Hà Nội suốt ngày phải nghe tiếng rú của còi xe

Một đêm ngoài Tết, ta đi trên đường phố Hà Nội và chợt nhận ra những đám sương mù trắng bạc quẩn quanh nơi góc phố, hàng cây. Mặt đường  loáng nước và chậm chậm rơi xuống gương mặt ta những giọt sương nhỏ li ti. Nghe như trong gió lạnh tiếng vỏ cây nứt vỡ, tiếng chồi non cựa mình. Một mảnh non tơ, vàng nhạt, xanh lá mạ, hồng tía của những rặng cơm nguội, cây sưa và cây bàng già trước ngôi trường cũ của tuổi thơ mình. Một thoáng, một thoáng. Rặng cơm nguội trên đường Yên Phụ đã xanh trở lại. Những cây xoan hiếm hoi còn sót lại quanh các đền chùa bắt đầu trổ hoa và những cây sưa trên các nẻo đường nội ô Hà Nội khoác trên mình tà áo xanh non và điệu đàng rắc những cánh hoa trắng xuống người đi đường.

Tôi có một cuốn sách ảnh đen trắng về phong cảnh Hà Nội, in khoảng năm 1975, gồm toàn ảnh của những tay máy lão thành thời đó như cụ Võ An Ninh, Đỗ Huân… Thấy các cụ chụp “rặng cơm nguội trên đường Trần Hưng Đạo”, “rặng xoan ngoại thành” mà không thấy chụp “hoa sưa”. Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử nói về Bà chúa Chè Đặng Thị Huệ xuất bản đầu thế kỷ 20, nhà văn Nguyễn Triệu Luật đã viết về những đồ dùng bằng gỗ sưa của dân ta. Cây sưa đã có mặt trong đời sống dân Kinh Bắc từ rất lâu. Nhưng ít ai để ý. Cây sưa và hoa sưa chỉ trở thành tâm điểm của dư luận, vào khuôn hình đẹp của giới săn ảnh, khi người ta bán gỗ sưa với một giá cao ngất ngưởng. Và thế là, “hoa sưa” trở thành một biểu tượng mới của mùa xuân Hà Nội.

Cứ nhìn trong cái bàng bạc của “mưa xuân phơi phới bay”, những lá sưa xanh trong tưởng chừng như có thể nhìn xuyên qua, những chùm hoa sưa trắng trong bay nhè nhẹ, phủ trắng mặt đường, là ta lại thấy lòng mình cựa quậy, năm giác quan như sống động hơn, và căng lồng ngực ra đón nhận hương hoa của đất trời.

Vào một ngày như thế, có người chép miệng thở dài: “ẩm ướt thế này, chỉ tổ cho sâu bọ nở. Nhà cửa “nồm lên” chiếu chăn mốc cả”. Ôi chao! Cái vô tình của người chốn thị thành. Không có mưa xuân làm sao cây cối đâm chồi nảy lộc?. Mà các cụ ta thật là biện chứng. Sau Tết một tháng là tới tiết Kinh trập (sâu nở) mùng 6/2 Âm lịch. Đất trời giao hoan tạo nên mùa Xuân xứ Bắc Hà. Con người phơi phới mà động “xuân tình”, huống chi là loài sâu bọ. “Có sinh, có diệt” là lẽ của trời. Bởi thế sau tiết “Kinh trập” tới tiết “Đoan Ngọ” (mùng 5/5 Âm lịch), người ở dương gian “diệt sâu bọ” bảo vệ mùa màng, bảo vệ sức khỏe. Cái gì quá lên thì phải ngăn lại, cha ông ta lại một lần nữa cho thấy cách sống “biện chứng” của mình.

Bởi thế khi cây cơm nguội vắng bóng dần và rặng xoan ngoại thành đã lùi ngày càng xa, thì hoa sưa xuất hiện. Âu cũng là một chút an ủi cho người Hà Nội suốt ngày phải nghe tiếng rú của còi xe cứu thương và hít khói độc tỏa ra từ hàng triệu cái xe máy.

Khi hoa sưa phủ trắng tàng cây cũng là lúc những nụ hoa bưởi đầu tiên chúm chím cười. “Một thoáng hương bay giữa trời”. Cảm ơn những người làm vườn đã nhân giống những cây bưởi trồng trong chậu. Để hôm nay, trẻ con Hà Nội còn đựoc ngửi “hương bưởi thơm” từng làm bối rối các bậc cha ông của chúng thời “đạn nổ bom rơi”.

Mà này, ngoài chợ đã có hoa bưởi rồi đấy! Hỡi những cô hàng bánh trôi, bánh chay, chè đỗ đen…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên