Thành nhà Hồ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa thế giới
Thành Nhà Hồ tọa lạc tại hai xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, do vua Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397.
- Thành nhà Hồ - Giá trị di sản trường tồn
- Để thành nhà Hồ trường tồn với thời gian
- Thành nhà Hồ đón nhận Bằng công nhân di tích văn hoá thế giới
- Thành Nhà Hồ- di sản “có một không hai”
Tối 16/6, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức lễ đón bằng công nhận Di sản Văn hóa thế giới - Thành Nhà Hồ do UNESCO trao tặng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự và phát biểu tại buổi lễ, cùng dự còn có Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; các đồng chí Ủy viên Bộ Chí trị Tô Huy Rứa - Trưởng Ban tổ chức Trung ương; Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; Bí thư thành ủy thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh gửi lẵng hoa chúc mừng.
Thành Nhà Hồ tọa lạc tại hai xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, do vua Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ bằng đá xanh độc nhất ở Việt Nam, với 4 bên được bao quanh bằng tường đá, tổng khối lượng đá để xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp. Kiến trúc Thành Nhà Hồ không chỉ thể hiện kỹ thuật xây dựng bằng đá xanh tinh xảo, mẫu mực, mà còn thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Phát biểu tại lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa thế giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Thanh Hóa từ lâu nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Trong suốt chặng đường đấu tranh dựng nước, giữ nước nhân dân Thanh Hóa luôn kề vai sát cánh với nhân dân cả nước đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn gian khổ để xây dựng bảo vệ quê hương đất nước. Thành Nhà Hồ trở thành Di sản Văn hóa thế giới không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa mà còn là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Di sản văn hóa thành nhà Hồ cùng với các di sản văn hóa vật thể phi vật thể khác được thế giới công nhận sẽ tô đậm thêm nền văn hóa ngàn năm hết sức phong phú của dân tộc ta, góp phần để bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước con người Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Với việc UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thành Nhà Hồ từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Đây là niềm tự hào vinh dự và là cơ hội để chúng ta tiếp tục gìn giữ và phát huy tốt hơn những giá trị của di sản. Đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm túc trong việc bảo tồn phát huy theo Luật Di sản của Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới./.