Thay đổi cách nhìn để phát triển nghệ thuật công cộng

VOV.VN -Quan niệm chưa đúng về nghệ thuật công cộng là rào cản lớn với nghệ sĩ đã, đang và muốn mang tác phẩm của mình góp sức cho không gian kiến trúc đẹp.

Hiện nay, quan niệm về nghệ thuật công cộng vẫn quanh đi quẩn lại là những tượng đài, phù điêu… Đây là rào cản lớn với các nghệ sĩ, những người đã và đang muốn mang tác phẩm của mình góp sức cho một không gian kiến trúc đẹp. 

Vậy làm thế nào để phát triển được nhiều hơn nữa những không gian nghệ thuật công cộng? Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển một số dự án nghệ thuật công cộng ở Hà Nội. 

Không gian nghệ thuật công cộng: Phố bích hoạ Phùng Hưng. 

PV: Nghệ thuật công cộng sẽ góp phần làm cho các thành phố trở lên hấp dẫn hơn. Anh có đánh giá như thế nào về các công trình nghệ thuật công cộng ở Hà Nội hiện nay?

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Nghệ thuật công cộng trong khoảng 3-4 năm gần đây mới bắt đầu được đánh thức nhưng lại không được đánh thức bởi những người làm chuyên môn về mỹ thuật mà là bên kiến trúc. Đó là hậu quả của việc đứt gãy làm việc liên ngành.

Từ rất lâu, chưa bao giờ giới mỹ thuật và giới kiến trúc có thể ngồi được với nhau. Có thể thấy ngay dự án như ở Phùng Hưng là sự manh nha của Hội Kiến trúc sư Hà Nội với chính quyền và một nhóm nghệ sĩ. Ở đấy không còn là câu chuyện của mỹ thuật nữa mà là câu chuyện của thiết kế đô thị. Thiên nhiều hơn về kiến trúc. Mỹ thuật lúc đó mới có khả năng ứng dụng rộng rãi. Còn một tác phẩm đương đại nằm trong bảo tàng hay triển lãm thì là rất khó có thể tiếp cận đại chúng được. 

PV: Cần có yếu tố gì để các không gian công cộng trở thành những công trình nghệ thuật công cộng?

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Tôi nghĩ nghệ thuật công cộng là một giải pháp khá tối ưu trong việc để cộng đồng đại chúng có thể hiểu được bước đầu. Nghệ thuật công cộng là cầu nối rất quan trọng trong việc đánh thức thẩm mỹ, nhận thức của công chúng tới cảm thức về nghệ thuật nói chung cũng như cảm thức về nơi chốn. Đương nhiên là mỗi nơi chốn có đặc tính riêng đòi hỏi tài năng và trình độ của những nghệ sĩ mà tương tác với cảnh quan ở đấy. Nếu ví dụ chỉ nhìn ở một cách áp đặt thì nghệ thuật công cộng chỉ là dự án trang trí thuần túy. Điều này cần có sự nhạy cảm của người thực hành về nghệ thuật công cộng phân tích, đánh giá giữa câu chuyện về cộng đồng, giữa câu chuyện về nơi chốn với nghệ thuật. 

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn.

PV: Vậy theo anh phải làm thế nào để những công trình nghệ thuật công cộng “sống” được trong cộng đồng? 

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Để không gian nghệ thuật công cộng “sống” được thì không chỉ cần nỗ lực của nghệ sĩ đơn thuần mà cần sự đồng thanh tương ứng của chính quyền và cộng đồng ấy. Ví dụ dự án Phúc Tân. Tôi có thể khẳng định dự án đó sống được vì cộng đồng ở đấy thấy có giá trị và bảo vệ nó. Họ coi nó chính là tài sản của họ, tự hào về nó. Ngoài nỗ lực của những người nghệ sĩ, giám tuyển thì phải có sự đồng thanh tương ứng của cộng đồng. Đặc biệt, có tầm nhìn của chính quyền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên