Thi hoa hậu sẽ không cần xin cấp phép?

Cơ quan quản lý đưa ra dự thảo nghị định mới, trong đó các cuộc thi hoa hậu không cần xin cấp phép như trước. Việc đi thi quốc tế cũng có thể được nới lỏng.

Chương trình Vấn đề hôm nay với chủ đề "Cởi trói thi nhan sắc" lên sóng tối 13/7 trên VTV1. Khách mời tham gia trò chuyện là PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Những thay đổi về tổ chức thi hoa hậu trong dự thảo

Nội dung chương trình đề cập đến dự thảo nghị định mới, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) soạn thảo, về nghệ thuật biểu diễn. Trong đó có nhiều đổi mới về việc quản lý các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi trong nước. Trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia được cấp phép, cùng 3 cuộc thi cấp vùng ngành, 1 cuộc thi cấp tỉnh. 

Dự thảo mới cũng bỏ quy định cách gọi danh hiệu (trước đây cuộc thi cấp quốc gia mới được gọi là hoa hậu, nhỏ hơn là hoa khôi). 

Theo dự thảo, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ không tiếp tục cấp phép cho các cuộc thi trong nước.

Ngoài ra, theo dự thảo nghị định mới, các người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt top 3 cuộc thi trong nước. Họ chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó.

Một điểm nữa cơ quan quản lý muốn thay đổi là giao toàn bộ quyền điều hành, chỉ đạo cuộc thi nhan sắc cho địa phương. Cấp Trung ương chỉ đề ra nguyên tắc và giám sát.

Nới lỏng có làm náo loạn sân chơi nhan sắc?

Câu hỏi được đặt ra là liệu việc nới lỏng quy định có khiến sân chơi sắc đẹp trở nên náo loạn hơn. Bởi thực tế, chúng ta từng chứng kiến nhiều danh hiệu phản cảm như Nữ hoàng tâm linh, Nữ hoàng thực phẩm, Nữ hoàng ngành thép... Chương trình cũng đề cập đến thông tin á hậu bán dâm với giá nghìn USD. 

Về vấn đề này, ông Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm: "Tôi tin rằng việc chúng ta xóa bỏ một số quy định không đến mức làm náo loạn danh hiệu. Trên thực tế, chúng ta trả lại danh hiệu hoa hậu đúng vị trí mà nó vốn đóng vai trò trong xã hội". 

Ông nói thêm: "Việc cấp phép trước đây của chúng ta vô tình tạo nên thương hiệu cho một cuộc thi. Chính sự vô tình đó dẫn đến việc người ta lấy thương hiệu để xin tài trợ, quảng bá rầm rộ cuộc thi, dẫn đến hệ lụy. Vì muốn tránh như thế, chúng ta sẽ không có cấp phép từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn nữa, mà trả lại quyền này cho địa phương". 

Những năm gần đây, nhiều người đẹp đi thi quốc tế "chui" vì không đáp ứng tiêu chuẩn lọt top 3 một cuộc thi trong nước. Khi trở về, họ phải nộp phạt và không được công nhận danh hiệu. Có thể kể đến một số trường hợp như Quế Vân, Huỳnh Tiên, Nguyễn Thị Thành, Lê Âu Ngân Anh...

Việc này gây tranh cãi suốt thời gian qua. Theo ông Bùi Hoài Sơn, điều chỉnh quy định đi thi quốc tế là hợp lý. 

"Trên thực tế, các hoạt động quản lý văn hóa bao giờ cũng phải đi theo và điều chỉnh thực tiễn cuộc sống. Thời gian qua, thực tiễn cuộc sống đa dạng hơn quản lý văn hóa của chúng ta rất nhiều. Các cuộc thi quốc tế có những tiêu chí, quy định của họ để tìm người phù hợp. Chúng ta lại đưa ra tiêu chí của mình là không đúng, nên chúng ta phải điều chỉnh. Trong quản lý văn hóa, chúng ta tôn trọng quyền về văn hóa của người dân. Rõ ràng, người dân có quyền tham gia những cuộc thi này và nhà nước không nên cấm".

Trước câu hỏi nếu "cởi trói" quy định đi thi quốc tế như vậy, liệu các cá nhân dự thi có làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, ông Sơn lý giải: "Trong các cuộc thi sắc đẹp, người ta vẫn nói người đẹp đến từ Việt Nam, đến từ Veneuela... chứ không phải người đẹp của Việt Nam. Họ không thể là biểu tượng, tượng trưng cho nhan sắc quốc gia. Họ chỉ là người phù hợp với cuộc thi nước ngoài. Nếu chúng ta hiểu rõ được câu chuyện này, chúng ta sẽ không còn thắc mắc".

Các cuộc thi sẽ tự đào thải

Ngoài chia sẻ của ông Bùi Hoài Sơn, chương trình cũng phỏng vấn ý kiến từ một số chuyên gia, nhà quản lý về dự thảo thay đổi Nghị định 79. 

Cơ quan quản lý cũng đưa ra những thay đổi về việc đi thi quốc tế.

Ông Vương Duy Biên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: "Nhiều người mà chúng ta tạm gọi là đi thi chui lại đạt giải cao. Vậy tiêu chí chúng ta quy định cho họ đã phù hợp chưa? Các công dân Việt Nam tôi nghĩ nếu phù hợp tiêu chí, chúng ta nên tạo điều kiện". 

Ông Dương Kỳ Anh nêu quan điểm: "Sự thông thoáng là cần thiết và nó cũng đúng với luật pháp. Công dân có hộ chiếu, người ta có quyền đi ra nước ngoài, đi thi chứ". 

Theo ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn, khi đã gỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt trước đây, bản thân các cuộc thi sẽ tự đào thải lẫn nhau. 

"Tự các cuộc thi sẽ đào thải. Những cuộc thi có chất lượng, danh giá thì sẽ giữ được uy tín" - ông nói. 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đồng tình với quan điểm này: "Khi chúng ta đã bình thường hóa các cuộc thi và không đặt quá nhiều kỳ vọng, sẽ có sự cạnh tranh trong việc đảm bảo chất lượng. Nếu làm được, chúng ta sẽ có những cuộc thi uy tín. 

Nhà nước không phải can thiệp quá sâu, chỉ đưa ra quy định và giám sát. Từ đó sẽ tránh những câu chuyện chúng ta đã gặp trong thời gian qua. Chúng ta làm minh bạch hóa, trong sạch hóa, tạo ra được thương hiệu bền vững cho các cuộc thi sắc đẹp"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên