Thú vị trò chơi kéo co ngồi ngày Tết
VOV.VN - Trò kéo co ngồi thể hiện khát vọng về
một tương lai tươi sáng của người dân làng Ngọc Trì đã được công nhận là
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
một tương lai tươi sáng của người dân làng Ngọc Trì đã được công nhận là
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nằm dọc bờ bắc sông Hồng, những ngôi làng cổ ở Long Biên còn lưu giữ những nghi lễ, trò chơi truyền thống đặc sắc. Trong đó có kéo co ngồi, trò chơi tưởng chừng đơn giản mà ẩn chứa nhiều giá trị, thể hiện khát vọng về một tương lai tươi sáng của người dân nơi đây.
Trong tâm trí của ông Lê Thế Yến, 70 tuổi, người dân mạn Đường, làng Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, Long Biên (Hà Nội), từ xa xưa kéo co ngồi đã là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân Ngọc Trì mỗi khi Tết đến, xuân về.
Ông Lê Thế Yến cho biết: “Từ thời các cụ đã có môn kéo co ngồi rồi. Ở làng ai cũng hào hứng, phấn khởi tham gia kéo co. Không phải chỉ riêng các vận động viên mà cả dân làng vùng Ngọc Trì này đều hào hứng phấn khởi. Thậm chí các thanh niên không được vào đội cũng tham gia cổ động rất đông vui”.
Chuyện kể rằng: Có 1 năm làng Ngọc Trì hạn hán, 12 cái giếng thì cạn hết 11, chỉ còn giếng ở xóm Đìa là còn nước. Trai xóm Đường và xóm Chợ xuống giếng lấy nước về dùng. Trai xóm Đìa sợ hết nước nên ngăn không cho lấy. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ mất nước nên ngồi xuống đất mà ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để cho mọi người chơi trong Hội làng với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa.
PGS, TS Nguyễn Văn Huy, thành viên Hội đồng di sản Việt Nam cho rằng, kéo co là trò chơi cầu mong một sự sinh sôi, nẩy nở: “Giá trị và nền tảng chung của kéo co chính là về sự phồn thực - cầu mong mùa màng, sức khỏe, cầu mong cho cộng đồng được bền vững và tốt đẹp. Tập tục kéo co ở Gia Lâm là có 3 làng - 3 đội cùng tham gia. Đội nào thắng thì người dân làng ấy mới mừng, mới hy vong năm tới làm ăn tấn tới”.
Theo lệ làng Ngọc Trì, người tham gia kéo co phải là trai đinh của làng, con cái những gia đình nề nếp, gia giáo. Mỗi đội có từ 11 đến 17 người tùy từng năm, người chỉ huy mỗi đội gọi là Tổng cờ do dân mạn bầu lên.
Ngày hội, trước sân đền, các mạn xếp thành 3 hàng dọc, Tổng cờ đứng đầu đại diện vào đền đặt lễ. Sau khi lễ Thánh và nghe phổ biến thể lệ, 3 đội kéo co của 3 mạn: mạn Đường, mạn Chợ và mạn Đìa, chạy một vòng quanh con đường Quan Xá – “con đường thiêng của làng” rồi tập trung ở bãi đất kéo co. Cột kéo co được chôn chắc đưới đất, lỗ luồn dây ngang đầu gối người lớn, dây song được luồn qua lỗ cột, đặt dưới đất. Người kéo co ngồi chân co chân duỗi, một tay duỗi thẳng, một tay co trước ngực, dây được kẹp chặt dưới nách của tay co. Trò chơi chỉ bắt đầu vào cuộc sau hiệu lệnh “í a, kéo”.
“Theo truyền thuyết của các cụ, ngày 3/3 là ngày Hội làng thì mới tổ chức kéo co ngồi. Ngày Hội đông vui lắm, chật kín người tới xem. Trước đó, các đội phải tập luyện, ngồi và kéo đúng tư thế để đảm bảo sức bật, sức lực. Phần thưởng trao chủ yếu là để động viên mọi người thôi” - ông Lê Thế Yến nói.
Không giống những trò chơi khác, các đội tham gia có thắng có thua, thì ở kéo co ngồi đền Trấn Vũ, lâu nay đội thắng luôn là mạn Đường. Bởi người dân Ngọc Trì quan niệm, mạn Đường ở đầu làng – cái đầu của “con rắn thiêng”, do đó, mạn Đường thắng là năm đó có phúc.
Với những giá trị độc đáo đó, trò kéo co ngồi của người dân làng Ngọc Trì được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là một nhận tố đặc biệt trong Hồ sơ đa quốc gia trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2015.
Một mùa xuân nữa lại về, đến làng Ngọc Trì những ngày này, đâu đâu cũng thấy người ta í ớ rủ nhau đi tập kéo co. Tiếng hò reo, tiếng cổ vũ vang dậy cả một vùng bờ bãi sông Hồng…/.