Tôi không phải là người dễ thỏa hiệp với thị hiếu!
Chấp nhận thất bại để thử nghiệm, cái tên Tùng Dương giờ đã có vị trí trong lòng công chúng - những người yêu dòng âm nhạc Việt Nam đương đại
- “Bộ đôi” Thanh Lam - Tùng Dương trong “Đêm giai nhân”
- Giải Âm nhạc Cống hiến 2010: Tùng Dương đoạt thắng lợi kép
Gần 10 năm đứng trên sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp, phương tiện đi lại mà Tùng Dương sử dụng vẫn là chiếc xe ô tô cũ của bố. Tiền kiếm được, thay vì đổi xe, sắm hàng hiệu như nhiều ca sỹ trẻ, anh lại tái đầu tư cho nghệ thuật.
Vào ngày 12 - 13/7 tới, Tùng Dương sẽ có mặt trong đêm nhạc của Nguyên Lê - nghệ sỹ guitar người Pháp gốc Việt nổi tiếng thế giới; và cuối năm nay, anh sẽ thực hiện một liveshow về chặng đường ca hát của mình.
Nghệ thuật bao giờ cũng ẩn chứa những thông điệp
PV: Những album của Tùng Dương đều có những cái tên mang tính chiêm nghiệm như “Chạy trốn”, “Những ô màu khối lập phương”, hay mới nhất là “Li ti”…
Ca sỹ Tùng Dương: Nghệ thuật bao giờ cũng thể hiện một khuynh hướng và ẩn chứa những thông điệp. Những tác phẩm để đời trong âm nhạc, hội họa, bên cạnh yếu tố mỹ học còn có tính triết học, chứ không đơn thuần là những bức tranh để treo cho đẹp, hay những ca khúc chỉ nghe giải trí trong những lúc mỏi mệt… Đằng sau mỗi tác phẩm còn ẩn chứa ý nghĩa của cuộc sống, có thể bạn chưa ngấm ngay được nhưng dần dần càng nghe càng thấy cái vẻ đẹp của nó. Cuộc sống còn là khám phá chứ không chỉ đơn thuần là hưởng thụ.
PV: Có sự gặp gỡ giữa Tùng Dương với Nguyên Lê - nghệ sỹ đương đại người Pháp gốc Việt vào ngày 12 - 13/7 này trong liveshow của Nguyên Lê tại Hà Nội, vì một điểm chung nào đó?
Ca sỹ Tùng Dương: Nguyên Lê là ngôi sao guitar nổi tiếng thế giới với nhiều album nhạc dân gian ba miền được phối theo phong cách jazz thuộc thể loại world music. Đó là một nghệ sỹ sống ở nước ngoài nhưng tâm hồn luôn hướng về nguồn cội. Tác phẩm của anh thường kết hợp giữa âm nhạc phương Tây và phương Đông theo phong cách jazz, lấy yếu tố dân gian làm gốc. Đó cũng là điều mà các album của tôi hướng tới. “Giăng tơ”, “Con cò”, hay “Li ti” đều là những bài hát rất Việt Nam. Trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ đến một ngày mình có cơ hội được đứng chung sân khấu với Nguyên Lê.
Để trở thành nghệ sỹ đương đại, phải chấp nhận hy sinh
PV: Chọn một con đường không mấy phẳng lặng, có bao giờ Tùng Dương cảm thấy mình đơn độc?
Ca sỹ Tùng Dương: Người nghệ sỹ để thành công thường phải có: 50% giọng hát trời cho, 45% do rèn luyện, 5% do may mắn, nếu bạn biết tận dụng nó thì sẽ làm nên chuyện. Nhưng tôi không đánh giá cao sự may mắn. Để tồn tại lâu với nghệ thuật thì là do bản thân mình. Có lúc phải theo môi trường, thị hiếu đám đông, phải cân bằng cái tôi nghệ sỹ với đám đông chứ không phải lúc nào cũng một mình một ngựa, một đường, chạy dài mà không có điểm dừng. Tôi cũng hát thành công các ca khúc pop, trữ tình, chứ không phải lúc nào cũng “lên đồng” hay “quái” như nhiều người nghĩ.
PV: Theo đuổi dòng âm nhạc đương đại, gần 10 năm qua, anh thấy được hay mất?
Ca sỹ Tùng Dương: Làm nghệ thuật thì được nhiều hơn mất. Được là cái rất vô hình. Đó là được đi nhiều để hiểu biết. Mỗi nơi tôi đi qua tôi lại có thêm cơ hội để hiểu thêm văn hóa của một vùng đất đó. Cái được nữa là tình cảm của khán giả mà đi đến đâu cũng được họ trân trọng yêu cầu hát những ca khúc đã trở thành bản hit của mình. Còn mất ư? Tôi còn quá trẻ, còn lạc quan, nên chưa thấy sự mất mát.
Nghệ thuật là sự đa chiều, cần xác định không phải dễ dàng đạt thành công mà đòi hỏi sự khổ luyện tìm tòi, thậm chí phải phủ nhận chính mình thì mới khá được. Một nghệ sỹ đương đại không dễ để được công nhận như nghệ sỹ hát nhạc pop. Phải chấp nhận thất bại để được sáng tạo.
PV: Anh có từng đắn đo, lẽ ra với chất giọng trời phú của mình, chọn một dòng nhạc dễ nghe hơn, thì anh đã trở nên “xông xênh” như nhiều ca sỹ khác?
Ca sỹ Tùng Dương: Tôi quan niệm, những cái thuộc về mình sẽ mãi mãi thuộc về mình và ngược lại..., vì vậy, tôi không thể làm khác với mình. Có người khuyên tôi hát nhạc dễ nghe một chút, “hàng chợ” một chút để kiếm được nhiều tiền. Nhưng nếu cứ nghe theo như vậy thì sẽ không có một Tùng Dương "vị nghệ thuật" như bây giờ, không được đồng nghiệp trân trọng như bây giờ. Cái tôi muốn vươn tới là sự đẳng cấp trong nghệ thuật.
Điều tôi thấy không hay lắm khi anh cứ phải sống trong một vỏ bọc. Nếu tài năng thực sự thì cứ đường đường chính chính sống, chứ không phải trở thành nô lệ của những món hàng hóa đắt tiền, hay đổi xe liên tục.
Người nghệ sỹ thông minh thì không quá vất vả để tìm ra phong cách
PV: Gần 10 năm dấn thân vào ca hát, nhiều ca khúc đã trở thành bản hit của Tùng Dương: Quê nhà, Ôi quê tôi, Mưa bay tháp cổ, Những ô màu khối lập phương...; và gần đây là Đồng hồ treo tường, Li ti... Vì 45% là sự rèn luyện hay 5% do may mắn như anh nói?
Ca sỹ Tùng Dương: Tôi là người khá nhạy bén trong nghề nghiệp. Việc chọn được bài hát phù hợp với phong cách, chất giọng của mình, đặc biệt phải có sự phán đoán tốt là rất quan trọng với người nghệ sỹ. Ví dụ bài “Con cò” của Lưu Hà An, khi tác phẩm mới chỉ nằm ở văn bản, tôi đã nghĩ đây là bài hát được “đo ni, đóng giày” cho mình. Ca khúc này sau đó đã trở thành bản hit của tôi và đoạt 3 giải của Bài hát Việt. Nhưng không biết cái “thân cò” nó có vận vào nghiệp mình không?! (cười). Hay bài “Đồng hồ treo tường” của Nguyễn Xinh Xô. Tôi đã nhìn ra được tầm vóc của tác phẩm, đã thấy nó có sức quyến rũ lớn khi chưa cần phải thu thanh hay làm demo.
Tôi là ca sỹ đầu tiên của Sao Mai điểm hẹn chọn ca khúc “Quê nhà” của Trần Tiến. Khi thấy tôi chọn ca khúc này, nhạc sỹ Trần Tiến có nói: Con sẽ thất bại, vì bài hát này không phù hợp với một cuộc thi như Sao Mai điểm hẹn. Và chị cũng đã biết ca khúc này có vị trí như thế nào...
PV: Vậy Tùng Dương thấy hiện nay tại các cuộc thi hát, nhiều ca sỹ trẻ đang thiếu điều gì?
Ca sỹ Tùng Dương: Cái mà các bạn trẻ rất thiếu hiện nay trong các cuộc thi là tư duy chọn bài. Điều này quyết định 50% thành công hay thất bại của ca sỹ. Dù hát hay đến mấy mà không chọn được bài phù hợp sẽ không hiệu quả, ngược lại những người chỉ hát bình thường nhưng chọn bài đúng thì sẽ thành công.
Tôi coi việc hát thể hiện thẩm mỹ, văn hóa của mỗi nghệ sỹ. Bạn hát như thế nào thì bạn thể hiện cho mọi người thấy bạn là người như vậy.
PV: Trở thành một nghệ sỹ đương đại, anh cho rằng mình đã thành công?
Ca sỹ Tùng Dương: Con đường tôi hướng tới là trở thành một nghệ sỹ đương đại chứ chưa dám nhận mình là một nghệ sỹ đương đại, vì đạt được điều này còn nhiều yếu tố. Không thể nhìn vào bề nổi để đánh giá người nghệ sỹ, mà tôi quan niệm, sự thành công chỉ thực sự có được khi người đó nằm xuống đã để lại cho đời được những tác phẩm gì. Những gì thuộc bề nổi thì sẽ nhanh qua, không phải là giá trị thực để tồn tại.
Có thể tôi sẽ mở rộng thể loại ca khúc, nhưng trước hết vẫn phải vị nghệ thuật. Tôi không phải là người dễ thỏa hiệp với thị hiếu.
Xin cảm ơn anh!./.