“Tôi làm không phải để lại dấu ấn”

Phóng viên VOV phỏng vấn nhạc sĩ Dương Thụ - Tổng đạo diễn chương trình âm nhạc: “Điều còn mãi”.

Đến hẹn lại lên, hôm nay (2/9), chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi 2011” ra mắt công chúng trên cả nước. Tiếp nối những dấu ấn trong 2 lần trước, “Điều còn mãi” được đánh giá là chương trình âm nhạc, nghệ thuật đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam. Điều đặc biệt là, chương trình diễn ra duy nhất 1 một lần trong năm đúng ngày quốc khánh 2/9 tại Nhà hát lớn Hà Nội vào lúc 14h.

** Thưa nhạc sĩ, được biết trong 2 chương trình “Điều còn mãi” trước, ông đều làm Tổng đạo diễn. Phải chăng “Điều còn mãi 2011” là tâm huyết của ông và cũng là sự tiếp nối cho những chương trình trước đây?

- Thứ nhất, chương trình này là chương trình định kì, cũng không giống như các chương trình biểu diễn khác mà mỗi năm làm thay đổi. Nó có mục đích của nó, cách làm riêng. Năm nào cũng thế, chỉ có 1 chủ đề. Nó có một thông điệp âm nhạc mà thôi. Thông điệp âm nhạc: “Điều còn mãi” là đúng bởi vì trong tất cả các lĩnh vực, cái ghi lại tâm hồn của con người một cách mạnh nhất là âm nhạc. Những bài hát là đỉnh cao của nghệ thuật viết trong thời kì này, nếu 20-30 năm sau, hát người ta sẽ vẫn nhớ lại thời kì này. Âm nhạc là lịch sử tâm hồn của một dân tộc.

Tôi muốn nói một điều, có nhiều cái có thể mất đi nhưng có một điều chúng ta không thể đánh mất, nó còn mãi. Đó là Tổ quốc, là bản sắc của người Việt, là tính nhân văn của người Việt. Đó là điều còn mãi. Tất cả được thể hiện ở mức độ cao về cả khí nhạc và thanh nhạc. Và mục đích này là xuyên suốt và năm nào cũng thế, đúng ngày ấy- ngày 2/9, đúng giờ ấy- tức 2h chiều và cũng tại nơi ấy là Nhà hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình này.

** Vậy thông điệp của “Điều còn mãi” năm nay hướng tới là gì, thưa nhạc sĩ?

Chúng tôi muốn làm một chương trình âm nhạc hoàn toàn của Việt Nam. Chúng ta biết âm nhạc cổ điển của dân tộc xây dựng trên cơ sở tác giả tức là người làm ra nó và công chúng là người nghe nó. Ngày xưa là nhạc dân gian thôi nhưng bây giờ là lĩnh vực âm nhạc bác học, tức là lĩnh vực âm nhạc nghiêm túc rất quan trọng, vì nó liên quan đến sự phát triển văn hóa của cả dân tộc này. Vậy thì mình phải có một cái cao hơn để cho lớp tinh hoa, họ giữ những cái này. Đó chính là mục đích xuyên suốt của “Điều còn mãi”: để cho các nghệ sĩ có trình độ cao nhất có chỗ biểu diễn đúng nhất được biểu diễn một cách có nghệ thuật nhất.

** “Điều còn mãi” đã khẳng định giá trị nghệ thuật trong lòng công chúng qua 2 lần tổ chức. Vậy với chương trình lần này ông có dự định để lại dấu ấn cho riêng mình?

- Tôi làm không phải là để lại dấu ấn. Bởi tác phẩm tự nói chứ không phải do những người làm nó thành đỉnh cao. Thực chất là chúng tôi cố gắng chọn những tác phẩm tốt nhất. Chương trình này cuối cùng là của các nghệ sĩ, của các tác giả, của Dàn nhạc giao hưởng. Họ đã làm vang lên và các bạn được nghe thấy là bởi họ. Có dấu ấn hay không là bởi họ, bởi tác phẩm, bởi những nghệ sĩ Nguyên Thảo, Hồng Nhung, Mỹ Linh, hay Đăng Dương, Trọng Tấn, hay bởi Trần Thị Mơ hay bởi Xuân Huy, Bùi Công Duy. Những người ấy - có dấu ấn hay không là do họ tạo ra. Tôi chỉ là một nhạc sĩ, một người sản xuất chương trình âm nhạc. Và giấc mơ của tôi là muốn cho chúng tôi - những người biểu diễn, những tác giả có một chỗ để bộc lộ ra những điều mà mình tha thiết nhất về mặt âm nhạc. Về chất lượng nghệ thuật, về những điều trong tác phẩm, khi khán giả ra về, ra khỏi chương trình vẫn còn cảm giác và người ta được sống lại. Cái đó rất quan trọng!

** Cảm ơn nhạc sĩ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên