Trần Đăng Khoa: “Trường Sa – Nơi ta đến” là cuốn sách ảnh đặc biệt
VOV.VN - Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đặc biệt thích thú với cuốn sách ảnh “Trường Sa-Nơi ta đến” một ấn phẩm của NXB Kim Đồng vừa ra mắt công chúng.
Cuốn sách ảnh “Trường Sa-Nơi ta đến” một ấn phẩm của NXB Kim Đồng. |
Tôi gọi “cuốn sách đặc biệt” cũng vì tính “đặc biệt” của nó. Chỉ riêng Trường Sa cũng đã đủ đặc biệt rồi. Đây là một quần đảo, một vùng lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng, xinh đẹp nhưng cũng là vùng sóng gió nhất của Tổ Quốc.
Vậy Trường Sa là gì? Trường Sa ở đâu? Trong bất kỳ người Việt Nam nào cũng có một Trường Sa, và cả một Hoàng Sa nữa trong trái tim. Nhưng Trường Sa cụ thể thế nào thì đối với các em, hay các quý vị bạn đọc chưa từng đặt chân lên đảo thì chắc khó hình dung lắm.
Có lần hầu chuyện độc giả và các khán giả truyền hình, tôi cũng đã từng diễn đạt nôm na theo kiểu một anh nông dân nhà quê, rằng nếu nhìn trên bản đồ thế giới, đất nước ta có dáng hình của một bà mẹ gày gò, đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử.
Bà mẹ đáng thương ấy vẫn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra Biển Đông. Cái phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa, Hoàng Sa đấy.
Trường Sa, nói theo chữ của các cụ ta xưa thì nó là một dải cát dài. Nhưng có hòn đảo còn chưa có cả cát nữa. Nó mới đang là một vỉa san hô ngầm chìm sâu dưới nước, như một cái bào thai.
Các chiến sĩ của chúng ta đã dựng chòi bạt, sau này có điều kiện dựng nhà giữa sóng gió để canh giữ, bảo vệ.
Quần đảo Trường Sa cũng là đề tài lớn cho các sáng tạo văn học, nghệ thuật. Đã có rất nhiều những bài thơ, bài hát, bức tranh, tiểu thuyết, truyện ngắn, phim tài liệu, phim truyện truyền hình. Rồi bút ký, phóng sự, ký sự nữa. Còn nhiếp ảnh thì nhiều đến… miên man.
Chưa kể những phóng viên kỳ cựu của quân đội và quốc gia, chỉ riêng ở Bộ Tư lệnh Hải quân cũng đã có rất nhiều phóng viên nổi tiếng, mà tên tuổi của họ đã được bạn đọc cả nước biết đến và yêu quý như Đình Kính, Nguyễn Quang Vinh, Sĩ Thoại, Văn Phung, Nguyễn Quốc Huy, Lê Hoài Nam, Lê Đức Do, Nguyễn Đình Thái và còn nhiều, rất nhiều. Đấy là chỉ tính riêng những người cùng thế hệ với tôi.
Còn bao nhiêu nhà báo ở các thế hệ sau nữa. Họ trực tiếp bám trụ ở Cục Chính trị, Phòng Tuyên huấn, nhà Văn hoá, báo Hải quân. Họ còn trực tiếp làm lính biển, lính đảo, lính công binh, lính nhà giàn. Họ vừa trực tiếp giữ đảo, giữ biển, vừa kể chuyện biển đảo. Kể về biển đảo cũng là kể về mình. Là chuyện của chính mình.
Vì thế, viết về Trường Sa rất khó. Chụp ảnh về Trường Sa còn khó hơn nữa. Khó vì đã có quá nhiều người chụp Trường Sa. Mọi góc cạnh, hình ảnh và vẻ đẹp của Trường Sa đều đã được khai thác hết. Vậy thì còn gì để mà chụp nữa đây?
Chụp Trường Sa rất khó. Khó bởi biển chỗ nào cũng giống chỗ nào. Chỉ một màu xanh thăm thẳm, vô tận. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã phải kêu lên: “Biển sinh ra đảo để biển không còn lặp lại mình”. Biển nhờ có đảo mà không bị lặp lại. Nhưng đảo thì lặp lại đấy, nếu chỉ đứng trên mặt cát. Đảo giống nhau lắm.
Dưới mái chùa Trường Sa.
Cũng một màu cát trắng. Những căn nhà lính y hệt nhau. Rồi những cây bàng vuông. Những người lính đảo mang áo yếm… Chất liệu chỉ có thế. Dù “biến tấu” thế nào thì cùng lắm cũng chỉ chụp được chừng mươi bức là đã…hết trò!
Bởi thế, khi nhận được lời mời đến xem triển lãm ảnh Trường Sa của nữ nhà báo Nguyễn Mỹ Trà, phóng viên VOV, tôi chỉ nghĩ đó là những "sản phẩm"... của một cô nàng cá tính.
Nguyễn Mỹ Trà là một nhà báo giỏi. Chị có nhiều bài báo hay. Không ít bài tranh luận khá sắc sảo nhờ giỏi nắm bắt các vấn đề có tính thời sự, báo chí. Nhưng ngôn từ trong báo chí và đặc trưng ngôn ngữ trong nhiếp ảnh lại là chuyện khác.
Phóng viên VOV thường nói rất giỏi. Nhiều người viết cũng giỏi. Cũng không ít người chụp ảnh rất tài. 103 bức ảnh trong bộ ảnh tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà Đài Tiếng nói Việt Nam đóng thành một tập tặng Gia đình Đại tướng thì chẳng có nhiếp ảnh gia nào có thể chụp đẹp hơn. Nhưng Trường Sa thì khác đấy. Nó không phải là sân chơi của các cô nàng, nhất là Nguyễn Mỹ Trà, một cô phóng viên xinh đẹp.
Tôi mang hoa đến mừng cuộc triển lãm tại Nhà triển lãm Hà Nội 45 Tràng Tiền khi buổi khai mạc cũng đã tàn. Những người lính biển, lính Trường Sa còn nhanh hơn tôi. Từ Bộ Tư lệnh Hải Quân, và xa hơn nữa, từ đảo nổi đảo chìm trong quần đảo Trường Sa, họ gửi hoa đến. Hoa xếp tràn ra cả hè phố Tràng Tiền.
Tôi thực sự choáng ngợp trước những bức ảnh của Nguyễn Mỹ Trà. Nhiều bức phóng khổ lớn. Và phải ở khuôn khổ ấy, Trường Sa và những người lính biển, lính đảo mới hiện lên hết vẻ đẹp và sự kỳ vĩ của một vùng sóng gió Biển Đông.
Đẹp. Phong phú và đa dạng. Đấy là cảm giác đầu tiên của tôi. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi người chụp nó lại là Nguyễn Mỹ Trà. Bởi nhìn góc chụp, tôi biết tác giả rất dũng cảm, cũng phải rất giỏi leo trèo. Phải đứng vững trên cái thế rất chênh vênh, mạo hiểm mà chỉ cần sơ sảy trượt chân thì đến cả xác cũng khó mà tìm thấy chứ đừng nói đến việc tìm được một vẻ đẹp của nghệ thuật.
Tôi đã từng nhiều năm lăn lộn với Trường Sa. Những con người, những cảnh vật ở đây, tôi đều đã thuộc. Vậy mà có nơi, tôi như mới nhìn thấy lần đầu. Nhiều bức ảnh của Nguyễn Mỹ Trà đã vượt qua được sự phản ánh thông thường của một bức ảnh phóng sự mang tính báo chí để đạt đến độ nghệ thuật.
Chị cũng may mắn “chớp” được cả những khoảnh khắc vô cùng đặc biệt của thiên nhiên, như sắc cầu vồng hiện lên chỉ trong chớp mắt. Và đặc biệt là cây cầu kỳ ảo ấy lại nối từ con tầu đến với một hòn đảo chìm. Ông Giời đã bắc cây cầu ấy cho đất liền đến với đảo đấy.
Và rồi còn nhiều, rất nhiều những vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa chân thực của cảnh sắc Trường Sa, con người Trường Sa đã bừng lên trước ống kính đầy cảm xúc của Nguyễn Mỹ Trà.
Rất cám ơn Bộ Tư lệnh Hải quân đã tạo điều kiện để Nguyễn Mỹ Trà có được một cuốn sách đẹp, giúp bạn đọc cả nước, bạn bè Quốc tế, đặc biệt là các em nhỏ hiểu thêm về Trường Sa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (phải) cùng Chủ nhiệm chính trị Hải quân Việt Nam, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững xem sách ảnh "Trường Sa - Nơi ta đến".
Cám ơn Nhà xuất bản Kim Đồng đã bỏ ra cả một khoản tiền không thể gọi là nhỏ để in bộ sách ảnh này.
Chúng ta đã có những cột mốc chủ quyền cắm trên quần đảo Trường Sa. Đấy là những cột mốc được cha ông và nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ Hải quân xây dựng bằng sắt thép, xi măng. Nhưng dù có vững chắc đến thế nào thì rồi sắt thép xi măng cũng có thể sẽ bị bào mòn trong nước mặn, gió mặn.
Nhưng chúng ta còn có những cột mốc chủ quyền khác vững bền hơn nhiều mà không có sóng gió nào có thể bào mòn được. Đó là sự hy sinh của bao nhiêu thế hệ những người lính biển, lính đảo.
Rồi còn những bài hát, bài thơ, những tiểu thuyết, những bức ảnh nghệ thuật. Đó cũng chính là những cột mốc chủ quyền đặc biệt mà các nghệ sĩ đã cắm cho Trường Sa, Hoàng Sa. Và với những nghệ sĩ thực sự sự có tài thì những cột mốc đó sẽ vững bền đến muôn thủa.
Tập sách ảnh quý này, cũng có thể xem như một cột mốc chủ quyền lãnh thổ mà nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mỹ Trà và Nhà xuất bản Kim Đồng đã cắm cho quần đảo Trường Sa thiêng liêng của chúng ta.
Và nói như một người lính Trường Sa, ở ngay trong một tờ báo tường treo trong phòng chỉ huy Đại đội:
Sóng bào mãi cũng không mòn
Ngàn năm sau vẫn cứ còn Trường Sa…