“Trên nẻo đường này” của nhà báo - nhà văn Phan Quang
VOV.VN - Cũng như những cuốn sách khác của nhà báo Phan Quang, đọc cuốn hồi ký của ông, biết thêm nhiều điều mới.
Nhà báo – nhà văn Phan Quang vừa hoàn thành tập hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” (Nhà xuất bản Văn học 2019). Đọc cuốn hồi ký của ông, không thể không dùng cụm từ “nhà báo – nhà văn Phan Quang” thay vì chi viết “nhà báo” hoặc “nhà văn Phan Quang”. Bởi vì ở tập sách hơn 300 trang này, chất Văn và chất Báo của ông hoà làm một. Từ những trang văn lẫn những trang báo. Văn là khi ông hồi tưởng lại quãng đường đời đã trải qua. Báo là khi ông trích đăng những bài báo, những trang hồi ký có từ thủa xa xưa.
Hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” |
Ông bắt đầu bằng những ký ức về ngôi nhà của mình, về ngôi làng nhỏ ven sông Nhùng – làng Thượng Xá nay thuộc xã Hải Thượng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Đó là ký ức của một cậu bé là con trai duy nhất (và là Út) trong một gia đình họ Phan (một trong 3 dòng họ lớn nhất làng) nhưng hiếm muộn. Thật khó mà hình dung ông - một nhà báo lớn – một học giả - một chính khách đẹp trai…trong vai một cậu bé sinh năm Mậu Thìn (1928) được chiều chuộng “béo tròn núc ních, nặng có khác chi cái thúng ló (bịch thóc)” được người chị cõng đi học… lớn lên, trở thành nhà báo trẻ Phan Quang Diêu (bút danh Hoàng Tùng) xung phong cùng bộ đội trong một trận đánh giao thông (ngày 27/5/1950) trên quốc lộ 1 ở Quảng Trị.
Chàng trai Phan Quang Diêu ấy đã vượt qua được thử thách ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, sống trong lòng dân, sống với bộ đội, trở thành bạn tri kỷ suốt đời của nhà thơ lớn Chế Lan Viên, chứng kiến tác giả “Điêu tàn” được kết nạp Đảng trên quê mẹ Quảng Trị. Những trang hồi ức lần lượt xuất hiện trong tập hồi ký giúp cho người đọc hôm nay hình dung được bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến đấu ở vùng Bình - Trị - Thiên khói lửa, từ cảnh người dân dời làng lên núi để chạy giặc và xây dựng cuộc sống lâu dài, đến chuyện tuyển quân, tuyển người đi dân công, đóng thuế nghĩa vụ kháng chiến…Và những đơn vị Vệ quốc đoàn với những người lính mộc mạc, chân chất, bị thương vẫn dũng cảm xung phong, không chịu lui về tuyến sau.
Đọc xong phần hồi ký Phan Quang viết về quê hương, về ngôi làng và ngôi nhà nơi Đức vua Hàm Nghi đã từng trú ngụ trên đường rời ngai vàng ở Huế, hạ chiếu Cần vương kêu gọi chống Pháp, cũng như những mảnh đất, những người dân thân thương trong kháng chiến 9 năm, càng thấy xót xa thương cảm hơn khi đến hôm nay nghĩ rằng có ai ngờ sau đó, vùng đất ấy, những con người ấy hầu như chưa được hưởng trọn vẹn một ngày hoà bình sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (tháng 7/1954) . Mà phải tiếp tục cuộc chiến đấu 21 năm ròng rã nữa. Và càng thông cảm hơn nỗi đau, nỗi buồn với nhà báo trẻ Phan Quang Diêu, khi đó vì mải công tác mà không kịp ghé thăm quê nhà, nơi có người cha và hai chị đang chờ. Để đến hai mươi năm sau, Quảng Trị giải phóng, trở về, người cha thân yêu đã không còn.
Ông ngậm ngùi kể: Từ buổi sáng rời làng quê đi công tác “thóat ly” cho đến ngày hoà bình lập lại (1954), tôi chỉ nhìn thấy làng quê có hai bận….Lần thứ hai “Tôi về vào lúc nửa đêm…nhà tối om, không đèn không lửa. Cha tôi không muốn để con ngồi lâu, chỉ cần ghé thăm nhà một lát, thế là được! Đến bây giờ, tôi còn nhớ bàn tay cha sờ đầu tôi trong bóng tối và tiếng cha tôi dặn, giọng rất nghiêm: “Con yên tâm đi làm việc nước, từ nay chớ ghé nhà làm chi!”. Lát sau, đích thân người dẫn tôi ra khỏi làng, tới đầu con đường dẫn lên vùng chiến khu”…
“Quê hương Quảng Trị và gia đình “ là hai nội dung trở đi trở lại nhiều lần trong những trang viết của Phan Quang, mà những phần nhớ lại trong tập hồi ký này chỉ là phần nhỏ. Ông bộc bạch: Những đêm ngủ ngon, tôi thường mơ thấy quê nhà. Ở tuổi ngoài 70 trở ra, mỗi lần có dịp và điều kiện sức khoẻ cho phép, Phan Quang đều cố gắng trở về, thắp nén hương thơm trên bàn thờ tổ tiên, chiêm ngẫm về cuộc chiến đấu của bà con làng xóm, của dân tộc nơi “cỏ lau Thành Cổ”. Hôm tặng kẻ hậu sinh cuốn sách này, ông còn bảo: “bữa nào ta lại về Quảng Trị”.
Trong tập hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi”, nhà báo Phan Quang sắp xếp ký ức và bài vở theo năm tháng. Đoạn hồi ức nhớ về quãng thời gian ông ở Sầm Sơn -Thanh Hoá (tháng 7/1954) phản ánh việc đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta bị giặc Pháp bắt, trở về và việc tù binh Pháp được ta phóng thích nằm trong bộn bề các hồi ức. Tuy nhiên, tôi lại muốn nêu ra ở đây như là sự khởi đầu cho một hoạt động đối ngoại trong đời làm báo của ông. Bên cạnh những dòng hồi tưởng Sầm Sơn ngày ấy và tấm lòng của bà con Sầm Sơn nói riêng, người dân tỉnh Thanh nói chung đối với “kháng chiến”, Phan Quang trích những dòng ghi vội trong nhật ký công tác của mình, đảm bảo tính chính xác của các sự kiện. Đó là cách ứng xử với báo chí nước ngoài, quan sát và rút ra những kinh nghiệm nghề nghiệp. Như cách mà phóng viên tờ Thời báo New York (Mỹ), theo sát đối tượng được phỏng vấn, và chỉ dành câu hỏi mình quan tâm nhất khi người được phỏng vấn không còn chịu áp lực của hoàn cảnh:
Ông thuật lại: đợi cho đến lúc người bệnh binh đặt chân lên tấm gỗ dùng làm cầu dẫn xuống xuồng máy, nhà báo Mỹ mới níu anh tù binh Pháp lại, dí máy ghi âm vào miệng: “Cho tôi được hỏi bạn một câu cuối cùng và cũng là câu đầu tiên khi bạn trở thành một người tự do: Ở đây người ta đối xử với bạn như thế nào?”. “Tốt! Rất tốt! Cực kỳ tốt!”, anh tù binh Pháp trả lời – “Ấy là bạn nghĩ vậy thôi chứ?”- “Sao lại nghĩ nhỉ? Sự thật là thế. Sự thật đúng như thế. Tôi không thể dùng từ nào khác hơn”. Ngạc nhiên, chàng phóng viên Mỹ nhún vai như thất vọng. Và một điều bất ngờ nữa đến với cánh nhà báo phương Tây quen săn tin giật gân: Khi chiếc ca nô Pháp bắt đầu nổ máy,” đột nhiên, tất cả tù binh Pháp có mặt trên xuống máy cùng hướng về phía đồng bào ta đang đứng xúm xít trên bờ, và đồng thanh hô lớn: “Vive le President Hồ Chí Minh! Vive l’amitie entre les peuples!” (Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Tình hữu nghị giữa nhân dân các nước muôn năm!). Tất cả cánh phóng viên nước ngoài trố mắt nhìn nhau
Hoà bình lập lại trên miền Bắc nước ta. Từ tháng 10/1954, chàng trai trẻ Phan Quang Diêu làm việc tại báo Nhân Dân và bút danh “ Phan Quang” định hình tên tuổi của ông trong làng văn, làng báo. Tham gia viết về cải cách ruộng đất, hợp tác hoá nông nghiệp ở miền Bắc, các điển hình nông thôn mới, đời sống mới, tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong các chuyến công tác của Hồ Chủ tịch và các đồng chí khác. Đi tuyến lửa viết về cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ v.v.Rồi theo bước chân thần tốc của bộ đội ta trên đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…Viết về vùng mới giải phóng, viết về đời sống kinh tế- văn hoá-xã hội ở miền Nam đất nước…Những bài báo, bài văn của Phan Quang đã được đăng trên các báo ra hàng ngày, các chuyên san, các tạp chí chuyên ngành như là những kinh nghiệm quý trong quản lý xã hội và phát triển kinh tế. Và được ông lần lượt in trong các tuyển tập. Trong cuốn hồi ký của mình, ông cũng tuyển chọn, trích đăng một số mà chỉ nhìn vào tên gọi cũng có thể thấy được nội dung, như “Đôi bờ ngăn cách”, “Tháng 9 năm ấy Bác Hồ đi xa”, “Phố Khâm Thiên và “ Điện Biên Phủ trên không”, “Xuất quân sáng mùng một Tết”, “Tháng Ba kỳ diệu”. “Lá cờ trước Ngọ Môn”, “Về với sông Hàn”, “Lần đầu tôi gặp Sài Gòn”, “Nổi dậy ở Phú Tân Sơn”…
Nhưng Phan Quang không đơn thuần chỉ là tập hợp những đoạn hồi ức đã được công bố vào tập hồi ký. Mà ông chủ động kể chuyện, dẫn chuyện và làm chủ những sự kiện mà ông đưa vào tập hồi ký. Xin kể đưới đây một chuyện liên quan đến kẻ hậu sinh đang đọc cuốn hồi ký này. Ở trang 286 trong phần “Nổi dậy ở Phú Tân Sơn” ông kể đã đi lại ở Sài Gòn mới giải phóng nhờ vào một tấm bản đồ to gần bằng nửa chiếc chiếu , sản phẩm quảng cáo của hãng xăng dầu Shell, lấy trong văn phòng Phủ thủ tướng Sài Gòn. Và ông viết thêm: tấm bản đồ mà nhà báo Thanh Vũ từng chụp ảnh, viết bài đăng trên báo “Tiếng nói Việt Nam “ gần đây.
Cũng như những cuốn sách khác của nhà báo Phan Quang, đọc cuốn hồi ký của ông, biết thêm nhiều điều mới. Ông kể: Đêm hôm 30/4/1975 ấy, tôi mở radio tìm sóng các đài phát thanh nước ngoài...bỗng bắt được một chương trình bằng tiếng Pháp, không rõ của đài Pháp Radio France hay đài Châu Á Radio Asie đặt trụ sở tại Hongkong đang dẫn lại toàn văn tin đối ngoại ngắn gọn do Đài phát thanh nước ta phát đi phát lại suốt buổi chiều và cả đêm hôm ấy... Đài Tiếng nói Việt Nam mà các đài nước ngoài mới hôm qua đây thôi, cứ mỗi lần không thể không dùng lại các thông tin do nó phát, đều cố tình gọi theo lối kẻ cả là “Đài Hà Nội” hay “Đài Bắc Việt” thì hôm nay trang trọng dẫn toàn văn bản tin nóng, chắc vừa được họ ghi âm lại: “Đây là Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Thành phố Sài Gòn, thành phố mang tên Hồ Chí Minh quang vinh, đã hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi xin nhắc lại: Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Thành phố Sài Gòn đã giải phóng hoàn toàn!”.
Vẫn theo hồi ký, đúng một phần tư thế kỷ sau, chào đón thiên niên kỷ mới, Phan Quang nhận được từ một người bạn cố tri ở Pa-ri một cái đĩa CD-Rom vừa phát hành tại Pháp - một tư liệu tổng hợp do nhật báo Le Monde cùng Viện nghe nhìn Quốc gia Pháp phối hợp thực hiện, nhan đề: “ Thế kỷ XX, ngày lại ngày” cho biết : bản tin ngắn gọn do Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Hà Nội trưa ngày 30/4/1975 được báo Le Monde và Viện Nghe nhìn Quốc gia Pháp coi như sự kiện quan trọng hàng đầu trong năm ấy.
Nhận xét về nhà văn – nhà báo Phan Quang, nhà thơ Chế Lan Viên khi đề tựa tuyển tập “Người và đất “ của Phan Quang (do Chế Lan viên tuyển chọn) đã viết: “...Nghề làm thơ. Ai chẳng yêu hoa. Bài văn nào nói về hoa, tôi đều tìm đọc. Lại cũng chính một bài báo của anh Phan Quang khiến tôi chú ý. Anh không cưỡi ngựa xem hoa mà xuống ngựa, không phải chỉ để xem lục béo hồng gầy, ong mai bướm tối thế nào mà còn để tìm hiểu, ghi chép gốc gác, lai lịch các loài hoa, lượng đổi thành chất thế nào nhỉ, ở đây lượng thông tin, sự hiểu biết đã làm tăng chất xúc cảm...”, là nói về mấy bài “Hoa Đà Lạt”. Nhân thể nhà thơ bình tán thêm: “Cho tôi tỏ lòng biết ơn cái nghề bạc bẽo mà chúng tôi rất trung thành, cái nghề hèn mọn mà lại cao cả đó. Xưa làm thơ, tôi hít hương trên ngọn cây, giờ làm báo, tôi phải nếm cả rễ cây dưới đất...”.
Gần cuối tập hồi ký, Phan Quang dành hẳn một chương với tiêu đề “FORGET ME NOT” với những tít phụ “Dải đất ôn hoà ở phương Nam nhiệt đới”, “Những đồi thông và những rặng thông”, “Kể ra cũng lắm đoạn trường”, “Hoa Đà Lạt” và phần phụ lục viết ở Đà Lạt năm 1975 nhan đề “Xin đừng quên nhau”, để nói về cảnh sắc – con người và hoa Đà Lạt. Đây là một chương rất hay về thành phố Ngàn hoa mà ai cũng nên tìm đọc.
Như một lời tự bạch ở cuối sách, nhà văn – nhà báo Phan Quang viết:
“Forget me not. Xin đừng quên em. Xin đừng quên anh. Xin đừng quên nhau...”, trong một bài về Hoa Đà Lạt tôi đã viết vậy./.