Trình UNESCO Lễ hội Gióng là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại
Huyền thoại Thánh Gióng (một trong 4 vị thánh “Tứ bất tử” của Việt Nam) đã được tái hiện qua lễ hội dân gian nhiều màu sắc và cứ đến ngày 9/4 âm lịch hàng năm, hội đền Gióng đã trở thành điểm đến của hàng vạn du khách thập phương
“Sau Ca Trù, dân ca Quan họ Bắc Ninh…, với bản sắc văn hóa độc đáo, Việt Nam sẽ có thêm nhiều di sản mới”. Đó là nhận định của đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bên lề buổi trình diễn lễ hội Đền Gióng diễn ra sáng 19/4 tại Hà Nội. Đây là cuộc trình diễn để UNESCO xét duyệt, xem xét hồ sơ di sản lễ hội đền Gióng của Việt Nam.
Theo bà Katherin Muler Marin, trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, lễ hội đền Gióng đã thể hiện được những nét văn hóa đặc sắc, tinh tế, đậm tinh thần dân tộc. Đây cũng là những yếu tố thuận lợi để hồ sơ lễ hội Đền Gióng sớm được UNESCO xét duyệt.
Dù lễ hội đền Gióng chưa chính thức khai mạc, nhưng từ ngày 19/4, không khí lễ hội đã diễn ra tưng bừng ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Cụ Vương Thừa Vụ, 80 tuổi, một người dân làng Phù Đổng cho biết: “Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi chứng kiến không khí lễ hội. Không khí sôi nổi lắm, hùng vĩ lắm. Chúng tôi sống ở đất Phù Đổng mà cảm thấy rất tự hào. Mong là lễ hội này sẽ được lưu truyền từ đời này đến đời sau”.
Lễ hội đền Gióng trong buổi trình diễn sáng 19/4 tái hiện lại một trang sử hào hùng của dân tộc. Truyện kể rằng: “Nhận lệnh vua truyền, cậu bé Gióng ở làng Phù Đổng đã xin đức Vua đúc một con một ngựa sắt, một cây kiếm sắt, một chiếc roi sắt, một chiếc nón sắt để đi dẹp giặc… Dẹp xong giặc Ân, Thánh Gióng về trời, để lại nhân gian nhiều điều huyền thoại”. Trải qua bao thế kỷ, huyền thoại Thánh Gióng (một trong 4 vị thánh “Tứ bất tử” của Việt Nam) đã được tái hiện qua lễ hội dân gian nhiều màu sắc và cứ đến ngày 9/4 âm lịch hàng năm, hội đền Gióng đã trở thành điểm đến của hàng vạn du khách thập phương trong và ngoài nước.
Tiến sỹ Geoffay, một du khách người Mỹ có mặt trong lễ trình diễn hội Gióng nhận định: “Lễ hội Gióng thật tuyệt. Nó gợi lại truyền thống đấu tranh của các bạn. Mọi người tham gia lễ hội rất đông vui. Lễ hội thấm đậm hơi thở của lịch sử, của ký ức, và đem lại những cảm xúc thật khác lạ”.
Cho đến nay, hồ sơ đề cử Lễ hội Gióng là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại đã toàn tất và đã được đệ trình lên UNESCO xem xét. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN về những gíá trị di sản của lễ hội và khả năng UNESCO xem xét hồ sơ lễ hội đền Gióng trở thành di sản phi vật thể của nhân loại, bà Katherin Muler Marin, trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Phải nói là việc tham dự lễ hội hôm nay chúng tôi được chứng kiến trên thực tế và trên băng video cho thấy ý nghĩa của hội Đền Gióng rất thú vị và độc đáo. Qua đây đã giới thiệu một cái nhìn khá tổng quát về lễ hội Gióng. Nó cho thấy tính gắn kết cộng đồng, sự tham gia của tất cả cộng đồng vào không gian lễ hội. Đó là điều rất quan trọng. Nhưng để đạt được hiệu quả hơn, các bạn còn nhiều công việc cần phải làm. Đó là xây dựng hồ sơ rõ ràng hơn, quảng bá nhiều hơn cho hình ảnh lễ hội, chứng minh những giá trị văn hóa, lịch sử, dân tộc của lễ hội để hồ sơ đệ trình UNESCO mang tính khả thi”.
Liên quan đến việc xét duyệt hồ sơ di sản của lễ hội Đền Gióng, ngày 20/4, hội thảo quốc tế về lễ hội đền Gióng cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội./.