An ninh lương thực hâm nóng Diễn đàn Davos

VOV.VN - Vấn đề khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đã “hâm nóng” Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) ngay sau khi khai mạc. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này?

Nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng lương thực

Trong hai ngày họp đầu tiên tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2022, một loạt các phiên thảo luận đã dành riêng cho chủ đề an ninh lương thực toàn cầu, trong đó chiều ngày 23/5 có phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu” với diễn giả chính là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Trong ngày 24/5, tại các phiên thảo luận khác về kinh tế thế giới, như phiên thảo luận mang tên “Hấp thụ cú sốc giá nguyên liệu” hay “Hỗ trợ tài chính cho sự bền bỉ của các nền kinh tế và xã hội”, rất nhiều diễn giả là các chính trị gia, các quan chức lớn của các tổ chức quốc tế, như Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Tổ chức Thương mại thế giới, bà Ngozi Okonjo-Iweala… đều đã đề cập rất nhiều đến nguy cơ thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực lớn.

Nguyên nhân lớn đầu tiên được chỉ ra cho đến thời điểm này đó là cuộc chiến tại Ukraine. Hầu hết các chính trị gia, các quan chức lãnh đạo của thiết chế tài chính-thương mại lớn, các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã làm đứt gãy nguồn cung một loạt các sản phẩm nông nghiệp quan trọng như lúa mì, dầu hướng dương, hạt giống… do cả Nga và Ukraine đều được coi là các “vựa lúa” trên thế giới, chiếm đến 40% tổng sản lượng lúa mỳ toàn cầu.

Ngoài ra, Ukraine còn là một cường quốc xuất khẩu hạt giống và việc hiện nay Ukraine đang bị phong toả hoàn toàn đường biển, không thể xuất khẩu lúa mỳ, hạt giống qua cảng Odessa ở biển Đen được cho là yếu tố quan trọng khiến nguồn cung lương thực trên thế giới bị tác động, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á không chỉ thiếu lúa mỳ mà còn có nguy cơ thiếu cả hạt giống để gieo trồng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine chỉ là một nguyên nhân. Như nhận định của ông Davis Beasley, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc thì tình hình hiện nay có thể gọi là một “cơn bão hoàn hảo”, tức là sự tích tụ cùng lúc của rất nhiều yếu tố bất lợi. Đầu tiên là bất ổn địa chính trị, tiếp đến là sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã xuất hiện từ trong đại dịch Covid-19. Ngoài ra, xu hướng tăng giá nhiên liệu cũng như các nguyên liệu đầu vào đã xuất hiện từ năm 2021 lại bị cuộc chiến tại Ukraine làm trầm trọng hơn. Tất cả những điều đó tạo ra nguy cơ khủng hoảng lương thực như hiện nay.

Tác động từ xung đột tại Ukraine

Mấu chốt của vấn đề thế giới thiếu nguồn cung lúa mỳ, hạt giống, dầu hướng dương… từ Ukraine là do quốc gia này không thể xuất khẩu các sản phẩm này qua đường biển. Theo chính quyền Ukraine, hiện nước này có khoảng 20 triệu tấn lúa mỳ và 30 triệu tấn hạt giống bị mắc kẹt trong nước vì không thể xuất khẩu qua cảng Odessa ở phía Nam.

Ngoài ra, do xung đột ngày càng lan rộng và trở nên khốc liệt tại khu vực Donbass và các tỉnh miền Đông-Nam của Ukraine, nơi vốn là vùng đồng bằng vựa lúa của Ukraine nên rất nhiều trang trại, cánh đồng bị phá huỷ, bị biến thành chiến trường, nông dân Ukraine không thể tiến hành thu hoạch.

Việc vận chuyển bằng đường bộ sang phía các nước châu Âu láng giềng của Ukraine như Ba Lan, Romania… cũng không phải là giải pháp đơn giản bởi hệ thống đường ray xe lửa của Ukraine không tương thích với Ba Lan nên nếu vận chuyển bằng xe lửa thì đến biên giới Ukraine-Ba Lan lại phải bốc dỡ và chuyển sang các toa tàu khác. Điều này khiến việc vận chuyển mất thêm rất nhiều thời gian và chi phí.

Tương tự, vận chuyển đường bộ cũng không khả thi vì năng lực hạn chế, chưa kể việc vận chuyển bằng đường bộ ngắn nhất là qua Belarus rồi sang Litva để xuất khẩu từ các cảng biển Baltic cũng khó có thể thực thi do Belarus cũng đang trong trạng thái thù địch với Ukraine.

Do đó, giải pháp thiết thực nhất vẫn là Ukraine cũng như các đối tác của nước này, đặc biệt các nước phương Tây, phải đàm phán với Nga để chấm dứt việc phong toả cảng Odessa ở Biển Đen, qua đó giúp Ukraine nối lại việc xuất khẩu bằng đường biển, vốn có năng lực vận chuyển cao nhất và chi phí thấp nhất.

Trong bài phát biểu tại Davos chiều 24/5, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen mặc dù chỉ trích Nga rất mạnh nhưng cũng đã phải thừa nhận sự cần thiết phải tìm giải pháp với phía Nga. Nhưng như chính quyền Nga từng lên tiếng hồi đầu tuần này, phương Tây không thể đổ lỗi cho một mình Nga gây ra nguy cơ khủng hoảng lương thực như hiện nay bởi phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt vô cùng nặng nề lên Nga nên điều này khiến các giá cả nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ngoài ra, Nga cũng cho rằng nếu muốn Nga nhượng bộ thì phương Tây cũng phải chấp nhận đánh đổi, tức phải gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Đây thực chất là cuộc mặc cả ngoại giao giữa các bên.

Cũng có một số tiếng nói cứng rắn từ một số nước, bao gồm Ukraine, Ba Lan, các nước Baltic… yêu cầu thiết lập một hành lang an toàn cho tàu thuyền các nước cập cảng Odessa vận chuyển hàng xuất khẩu của Ukraine. Các tàu thuyền thương mại này sẽ được hộ tống bởi hải quân các nước có thiện chí nhằm bảo vệ trước các tàu chiến Nga. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không khả thi bởi khi đó nguy cơ diễn ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa phương Tây với Nga là rất lớn và sẽ càng khiến cuộc chiến Ukraine leo thang, có nguy cơ biến thành cuộc chiến toàn diện. Ngay cả một nước rất cứng rắn với Nga là Anh cũng đã bác bỏ khả năng này. Do đó, việc khai thông “điểm nghẽn” tại Ukraine không hề đơn giản và sẽ mất nhiều thời gian.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có khả thi?

Vai trò của Liên Hợp Quốc đã bị suy giảm rất nhiều trong vài thập kỷ qua và cuộc chiến tại Ukraine này càng thể hiện rõ điều đó. Mặc dù vẫn là thiết chế lớn nhất và quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế hiện nay nhưng Liên Hợp Quốc đã không làm tốt được vai trò của mình là duy trì an ninh, đảm bảo hoà bình.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, các cường quốc, từ các nước phương Tây cho đến Nga, đều đã phần nào xé bỏ quyền lực của Liên Hợp Quốc và hành động theo ý muốn của mình. Do đó, quyền lực của Liên Hợp Quốc vào thời điểm này là điều cần được nhìn nhận một cách tương đối. Có rất nhiều Nghị quyết Liên Hợp Quốc không được thực thi và cũng sẽ không phải là điều ngạc nhiên nếu nghị quyết mới về việc giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu bị các bên xem nhẹ. Tất nhiên, việc Đại hội đồng Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra nghị quyết về vấn đề này cho thấy thế giới thực sự đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn. Có khoảng 800 triệu người trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi khủng hoảng lương thực sắp tới và số người chết vì nạn đói tại châu Phi, Trung Đông… có thể sẽ còn cao hơn con số nạn nhân cuộc chiến tại Ukraine. Do đó, các quốc gia, các tổ chức quốc tế thực sự cần phải chung tay để xoá bỏ nguy cơ này.

Đây là một nỗ lực đòi hỏi các giải pháp tổng thể nhưng nếu phương Tây vẫn cho rằng cuộc chiến tại Ukraine và việc Nga phong toả cảng biển Odessa ở biển Đen là nguyên nhân chính thì các nước này sẽ phải có động thái với Nga. Điều này có lẽ rất khó chấp nhận đối với Ukraine và các nước phương Tây vào thời điểm này nhưng cuộc chiến tại Ukraine là một sự kiện làm đảo lộn trật tự an ninh cũng như các mối quan hệ quốc tế và sớm muộn thì các nước phương Tây cũng phải tìm cách đối mặt với thực tế mới đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nắng nóng sớm bất thường tại Pháp kéo theo nỗi lo về an ninh lương thực
Nắng nóng sớm bất thường tại Pháp kéo theo nỗi lo về an ninh lương thực

VOV.VN - Nước Pháp đang trải qua giai đoạn thời tiết bất thường với các đợt nắng nóng sớm, kéo dài và diễn ra trên diện rộng từ hơn một tháng qua. Đợt nắng nóng được dự báo sẽ làm giảm ít nhất 10% sản lượng thu hoạch ngũ cốc trong vụ mùa tới đây tại nước này.

Nắng nóng sớm bất thường tại Pháp kéo theo nỗi lo về an ninh lương thực

Nắng nóng sớm bất thường tại Pháp kéo theo nỗi lo về an ninh lương thực

VOV.VN - Nước Pháp đang trải qua giai đoạn thời tiết bất thường với các đợt nắng nóng sớm, kéo dài và diễn ra trên diện rộng từ hơn một tháng qua. Đợt nắng nóng được dự báo sẽ làm giảm ít nhất 10% sản lượng thu hoạch ngũ cốc trong vụ mùa tới đây tại nước này.

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì vì lo ngại an ninh lương thực
Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì vì lo ngại an ninh lương thực

VOV.VN - Chính phủ Ấn Độ vừa quyết định cấm xuất khẩu lúa mì do những lo ngại về vấn đề an ninh lương thực trong nước, trong bối cảnh giá mặt hàng này liên tục leo thang thời gian qua.

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì vì lo ngại an ninh lương thực

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì vì lo ngại an ninh lương thực

VOV.VN - Chính phủ Ấn Độ vừa quyết định cấm xuất khẩu lúa mì do những lo ngại về vấn đề an ninh lương thực trong nước, trong bối cảnh giá mặt hàng này liên tục leo thang thời gian qua.

LHQ cảnh báo nạn đói ở Mariupol và tác động đối với an ninh lương thực thế giới
LHQ cảnh báo nạn đói ở Mariupol và tác động đối với an ninh lương thực thế giới

VOV.VN - Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc David Beasley ngày 15/4 cảnh báo, người dân đang thiếu thốn lương thực ở thành phố Mariupol (Ukraine) và cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ còn tồi tệ do dự báo chiến sự ác liệt hơn trong những tuần tới.

LHQ cảnh báo nạn đói ở Mariupol và tác động đối với an ninh lương thực thế giới

LHQ cảnh báo nạn đói ở Mariupol và tác động đối với an ninh lương thực thế giới

VOV.VN - Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc David Beasley ngày 15/4 cảnh báo, người dân đang thiếu thốn lương thực ở thành phố Mariupol (Ukraine) và cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ còn tồi tệ do dự báo chiến sự ác liệt hơn trong những tuần tới.