Trung Quốc rộn ràng lễ hội văn hóa dân gian Laba chào đón năm mới
VOV.VN - Người dân trên khắp đất nước Trung Quốc ngày 13/1 tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống Laba, với nhiều hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi.
Theo truyền thống cứ đến ngày 8/12 âm lịch hàng năm, lễ hội Laba được tổ chức rộn ràng tại nhiều nơi trên khắp đất nước Trung Quốc. Laba được xem là sự khởi đầu cho các lễ hội mùa xuân cùng một chuỗi những sự kiện đón chào Tết âm lịch của người Trung Hoa.
Du khách thích thú mặc đồ cổ trang nếm món cháo Laba.
Tại Đồng Lương, phía Tây Nam thành phố Trùng Khánh, người dân địa phương nô nức tham dự sự kiện trưng bày đèn lồng hình rồng cũng như thưởng thức biểu diễn các màn múa rồng để ăn mừng lễ hội Laba. Đồng Lương vốn nổi tiếng với những chiếc đèn lồng hình rồng và nơi đây còn được mệnh danh là "thị trấn của những con rồng". Khi màn đêm buông xuống, những chiếc đèn lồng thắp sáng cả bầu trời đêm, làm tăng thêm không khí tưng bừng cho lễ hội truyền thống đặc sắc này.
Các em học sinh và người dân địa phương cùng tham gia màn múa rồng truyền thống đầy uyển chuyển, thu hút rất đông người xem cổ vũ, reo hò. Ấn tượng nhất vẫn là một nhóm thanh niên điều khiển một con rồng khổng lồ có màn trình diễn ngoạn mục trong lúc những tia lửa được bắn lên ngay trước mắt của 2 nghìn khán giả đang say sưa thưởng thức.
“Thật thật tuyệt vời, thật ngoạn mục và đẹp làm sao. Đây là lần đầu tiên tôi được xem màn trình diễn múa rồng lửa và tôi cảm nhận được sâu sắc tinh thần của 'thị trấn rồng' của chúng ta” - Một vị khách tham dự sự kiện cho biết.
Còn tại thành phố Hồi Hột (Hohhot), khu tự trị Nội Mông phía bắc Trung Quốc, lễ hội Laba lại rất khác.
Rất đông trẻ em tập trung tại bảo tàng Nội Mông, có cơ hội tìm hiểu về câu chuyện đằng sau Lễ hội nấu cháo Laba cầu may.
Cháo Laba tràn ngập lễ hội cùng tên. |
Cháo Laba là món ăn truyền thống trong ngày lễ hội, dù hiện nay với sự phát triển không ngừng đã khiến cho không ít vùng, đặc biệt là vùng phía nam Trung Quốc không còn giữ được phong tục này nữa. Tuy nhiên, ở một số thành phố hay vùng quê khác thì đây vẫn là món ăn không thể thiếu. Và dường như tinh thần của lễ hội nấu cháo cầu may này ở Hồi Hột vẫn được gìn giữ và lưu truyền tới ngày nay.
“Tôi muốn các em cảm nhận được bầu không khí văn hóa của lễ hội này. Bằng cách cung cấp các thông tin cho các em, các em có thể tự mình trải nghiệm những nét văn hóa và truyền thống. Điều này sẽ có ý nghĩa hơn là việc các em đơn giản chỉ được học ở trường” - Một người dân ở Hồi Hột cho biết.
Người ta tin rằng Cháo Laba có thể mang lại cho mọi người của cải và sự bội thu trong năm tới. Và nó cũng rất dinh dưỡng khi được nấu bằng gạo, đậu đỏ, quả hạch và hoa quả khô.
Có nơi loại cháo đặc biệt này sử dụng đến 30 loại nguyên liệu. Hương vị của cháo Laba thực sự hấp dẫn. Khi thưởng thức món ăn ấm nóng này trong những ngày đông, du khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn hương vị tuyệt vời của nó.
Thời điểm dịp lễ hội Laba diễn ra gần với ngày Tết cổ truyền nên ý nghĩa và tầm quan trọng của lễ hội cũng trở nên sâu sắc hơn. Nguồn gốc của ngày lễ hội này được cho là xuất phát từ Ấn Độ - cái nôi của Phật giáo trên khắp thế giới. Khi Phật giáo được truyền bá vào Trung Quốc thì lễ hội này cũng theo đó mà dần trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của họ.
Người ta quan niệm, đón lễ hội Laba còn là sự nhắc nhở cho việc chuẩn bị Tết truyền thống, khiến những đứa con xa nhà bắt đầu lên kế hoạch để được xum vầy, đoàn viên với gia đình những ngày đầu năm mới./. Trung Quốc bắt đầu lễ hội băng đăng lớn nhất thế giới
Lễ hội văn hóa Pháp đậm màu sắc Giáng sinh tráng lệ và cuồng nhiệt