Tư thế hổ trong võ cổ truyền

Hình tượng của hổ với những động tác, tư thế và sức mạnh phi thường của loài chúa sơn lâm được thể hiện qua nhiều bài quyền về hổ.

Theo quan niệm của người Á Đông hổ là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh. Hổ được tôn thờ và là hình tượng phổ biến đầy ấn tượng trong đời sống dân gian của người Việt. Trong võ cổ truyền của dân tộc, hổ là một trong số linh vật có vị trí chủ đạo. Hình tượng của hổ với những động tác, tư thế và sức mạnh phi thường của loài chúa sơn lâm được thể hiện qua nhiều bài quyền về hổ. Xuân Canh Dần, đến với sức mạnh đầy quyền uy của chúa tể rừng xanh qua một số bài quyền về hổ, trong võ cổ truyền Việt Nam, mỗi người như có thêm sức mạnh và cảm nhận mới về sự tinh túy, sáng tạo và tinh thần thượng võ của cha ông.

Bài quyền “Lão hổ thượng sơn” là một trong 10 bài võ được liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đưa vào chương trình huấn luyện bắt buộc và biểu diễn trong hệ thống thi đấu quốc gia. Lấy chúa sơn lâm làm hình tượng, bài quyền là sự thể hiện sức mạnh và thần thái uy nghi của loài hổ. Các động tác dứt khoát, xoay chuyển biến hóa, dũng mãnh mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong rừng đời sống hoang dã rừng xanh. Mang tính  chiến đấu cao, đặc biệt là cận chiến,  “Lão hổ thượng sơn”  luyện gân cốt dẻo dai, linh hoạt, kỹ năng tự vệ và chiến đấu. Bài quyền đã được phổ cập trong cả nước và là bài biểu diễn, bài thi trong các giải đấu võ cổ truyền toàn quốc.  

Kế thừa những tinh túy của võ cổ truyền Việt nam được tích lũy qua cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu, mỗi môn phái lại có những bài tập sáng tạo riêng. “Tam bộ hổ” là bài quyền thể hiện  oai lực  của con hổ 3 chân đang săn mồi. Không chỉ di chuyển bước chân, luyện tấn pháp, người tập phải luyện bộ tay (luyện hổ trảo) để phản xạ nhanh  đảo gạt, tránh né và bắt đòn đối phương.  

Để nắm bắt và thể  hiện được cái thần của các bài quyền về hổ phải khổ luyện. Người tập phải mất ít nhất vài năm. Ngoài có cái tâm, người tập phải có thể lực nhất định, có trình độ võ thuật căn bản thể hiện sức mạnh của loài hổ. Người tập phải qua các bài tập hỗ trợ luỵên công phu, tấn pháp (bài tập có vòng, sử dụng mây tre, hít đất…) luyện tập phân thế chiến đấu về hổ quyền, để có thể lực, kỹ thuật tốt.  

Cùng với những linh vật khác như : Long, Xà, Hạc, Báo…, hình tượng của hổ với sức mạnh của lãnh chúa rừng xanh đã đi vào võ cổ truyền Việt Nam như một nét đẹp của văn hóa Việt; Sức mạnh của sự can trường, bản năng tự vệ và chiến đấu cao. Trên tất cả vẫn là tinh thần thượng võ của một dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên