Tưng bừng lễ giỗ Tổ nghề hát Xẩm

(VOV) - Sau phần nghi lễ thắp hương tưởng nhớ vong linh của ông tổ nghề Xẩm là một phút mặc niệm dành cho cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Hôm nay, 22 tháng Hai âm lịch (tức 2/4 Dương lịch) là Ngày giỗ tổ nghề hát Xẩm. Tại Hà Nội, nhiều đơn vị như Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và Trung tâm bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc tổ chức chương trình kỉ niệm nhằm tỏ lòng biết ơn đến những bậc tiền nhân có công khai sáng loại hình âm nhạc dân tộc này.

Tại Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, sau phần nghi lễ thắp hương tưởng nhớ vong linh của ông tổ nghề Xẩm là một phút mặc niệm dành cho cố nghệ nhân Hà Thị Cầu vừa qua đời.

Các học viên của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thể hiện các làn điệu Xẩm tại buổi lễ 

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, hát Xẩm đã trở thành một loại hình dân ca của miền Bắc Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc bộ. Theo Nghệ sĩ ưu tú Văn Ty, hát Xẩm gắn với không gian văn hóa là bến tàu, bến xe, chợ…nên bắt rễ nhanh trong đời sống thường ngày với nhiều làn điệu khác nhau.

“Ông Tổ Xẩm - theo truyền thuyết là ông Trần Long Đĩnh - thời Trần. Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật được truyền bá rộng rãi trong dân gian, đi vào đời sống nhân dân, đi vào hang cùng ngõ hẻm, đi vào tâm tư tình cảm của từng người.  Theo không gian, theo khu vực, có những điệu rất sang trọng như dạng Ba Bậc; để dạy con như Xẩm thập ân; có nhưng điệu hát vui phải gõ nhiều như Xẩm chợ; ngâm vịnh như Xẩm anh Khóa; hài hước như “Sướng khổ vì chồng”…Thể loại của Xẩm rất phong phú” – NSƯT Văn Ty cho biết.

Sau phần nghi lễ, học viên của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và các câu lạc bộ Xẩm của Hà Nội đã thể hiện những bài hát Xẩm quen thuộc như “Xẩm thập ân”, “Vợ chồng nhà Xẩm”, “Lửng lơ con cá vàng”…

Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam không chỉ là cái nôi đào tạo những người trẻ học hát Xẩm mà còn là địa chỉ quen thuộc của các nghệ nhân tham gia chiếu Xẩm chợ Đồng Xuân, ra đời từ năm 2006, nhằm đưa nghệ thuật hát Xẩm đến với đời sống.

Nghệ sĩ nhân dân Phạm Minh Khang, Giám đốc trung tâm cho biết: “Tối thứ 7 nào, phố đi bộ Đồng Xuân cũng có hàng nghìn khách đến nghe. Tất cả sinh viên của chúng tôi đều phải ra ngoài biểu diễn, thực hành hát Xẩm và chúng tôi cho điểm chuyên ngành luôn. Bên cạnh đó, các trường đại học mời chúng tôi đến biểu diễn và yêu cầu giáo sư đến diễn giải, nói chuyện. Chúng tôi còn biểu diễn ở những hội người mù, khuyết tật, những lễ hội, đình, đền…quanh Hà Nội, thậm chí ở các tỉnh như Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên