UNESCO xét duyệt hàng năm mỗi nước được một hồ sơ di sản

Việt Nam với 5 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận được xem là quốc gia có ít hồ sơ và được ưu tiên xét duyệt.

Đoàn Đại biểu Việt Nam đã tham gia tích cực Đại hội đồng lần thứ 4 của Công ước bảo tồn di sản phi vật thể của UNESCO vừa diễn ra tại Paris (Pháp) trong 4 ngày qua, với sự tham dự của 142 quốc gia thành viên.

Phó Giáo sư Dương Văn Quảng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.
Đánh giá về Đại hội đồng lần thứ 4 của Công ước 2003 về bảo tồn di sản phi vật thể của UNESCO, Phó Giáo sư Dương Văn Quảng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết, Đại hội đồng diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt khi UNESCO đang phải đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn, ngân sách dành cho việc thực thi công ước này, thậm chí là dành cho cả năm 2012 không còn nữa.

Do vậy, tìm nguồn ngân sách cho việc tiếp tục thực hiện công ước là một nội dung quan trọng của cuộc họp lần này. Bên cạnh đó, 3 nội dung lớn khác là : thảo luận việc sửa đổi văn bản hướng dẫn thực hiện công ước; bầu Ủy ban liên chính phủ của công ước (gồm 24 thành viên đại diện cho các khu vực khác nhau); và thông qua một nghị quyết về chương trình kỉ niệm 10 năm công ước vào năm 2013.

Về một số kết quả cụ thể của đại hội đồng lần này, Đại sứ Dương Văn Quảng cho biết, Đại hội đồng đã nhất trí duy trì song song hai cơ quan tư vấn và cơ quan giúp việc cho Ủy ban liên chính phủ chứ không sát nhập vào một. Đại hội đồng cũng nhất trí đặt một mức trần cho số lượng hồ sơ cho mỗi nước đệ trình xét duyệt từng năm, trong đó xét theo 3 tiêu chí: nước thành viên nào chưa có hồ sơ nào được xét thì ưu tiên hàng đầu (hiện mới có hơn 70 nước thành viên, tức là khoảng 1 nửa đã có hồ sơ được công nhận), trong đó các hồ sơ di sản cần bảo tồn khẩn cấp cũng được đưa lên hàng đầu. Tiêu chí thứ hai là một hồ sơ gồm nhiều nước cùng đứng tên đệ trình, tức là từ 3 quốc gia trở lên, thì được ưu tiên. Cuối cùng, nước nào có ít hồ sơ được công nhận nhất sẽ được ưu tiên trong quá trình đệ trình hồ sơ hàng năm. Nhưng Đại hội đồng cũng nhấn mạnh cố gắng xét duyệt hàng năm cho mỗi nước được một hồ sơ mỗi năm.

Với 5 Di sản văn hóa phi vật thể từng được UNESCO công nhận gồm có Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Dân ca Quan họ và Hát xoan, Việt Nam là một trong những nước thành viên tích cực của Công ước 2003.

Tham dự Đại hội đồng lần này, bên cạnh đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ VH,TT&DL, và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đoàn Việt Nam còn có đoàn đại biểu của tỉnh Phú Thọ, do ông Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ dẫn đầu, nhằm tích cực giới thiệu thông tin về hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng của Việt Nam đã được đệ trình từ năm ngoái. Theo dự kiến, cuối năm nay hồ sơ này sẽ được xem xét./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên