Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh: Người phóng sinh thơ

VOV.VN - Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh từng là biên tập viên mảng văn hóa và văn học nghệ thuật ở Đài TNVN. Với nhà thơ, báo là nghề, thơ là nghiệp.

Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh sinh năm 1952 tại Nam Định. Ngoài 20 tuổi, Đạo Tĩnh đoạt giải nhất cuộc thi trên báo Văn nghệ năm 1974-1975. Những tưởng, cô gái trẻ sẽ tiếp tục nổi lên như một hiện tượng của văn chương kháng chiến chống Mỹ.

nha tho nguyen thi dao tinh: nguoi phong sinh tho hinh 1

Đạo Tĩnh có đủ cơ hội và năng lực để thực hiện. Nhưng không. Đạo Tĩnh từ tốn lùi về sau, miệt mài với học hành, công việc, tình yêu, khát vọng, không đứng ngoài cả sự dở dang, những hân hoan và những giọt nước mắt. Ngoài 50 tuổi, năm 2006, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh mới in tập thơ “Bùa lá”. Cũng năm đó, bà in tập thứ hai “Miền hoa dại”. Cái duyên với văn xuôi như một hoài niệm. Có thể bà vẫn viết, nhưng không công bố. Bà cũng ít khi gửi thơ đăng báo, ngại những cuộc trò chuyện phỏng vấn có tính khai thác đời tư, càng ít nói về mình, nếu có, thì đó là những chuyện thường ngày, chuyện cơm nước chợ búa, chuyện về quê, chuyện thể dục đi bộ của những người về hưu.

Ai đó từng tuyên bố nghề thơ là vất vả cực nhọc, là ngụp lặn với chữ, cày cuốc với chữ. Nguyễn Thị Đạo Tĩnh làm thơ thật nhẹ nhàng. Bà chỉ viết khi chữ đã đủ, tình đã ngấm, ý đã lên men. Thơ ùa ra như một nhu cầu cần giải phóng, để bớt đi bộn bề, bớt đi niềm đau:

“Tháng bảy

 ngày rằm

 nơi Cửa Phật

những chiếc lồng tre

nhốt đầy sẻ đồng

Người đi lễ Chùa

mở lòng

tích đức

ba nghìn đồng một con

ba nghìn đồng

cho một lần làm phúc

bầy sẻ đồng

tíu tít

bay đi

dưới gốc đại

từ bi

không chạy được

những chiếc lồng

lim dim ngủ mê

Tôi đưa tay lên ngực

nơi con tim bị lưu đày

            ô hay

                sao không ai

                       phóng sinh!

                               (Phóng sinh)

Một bài thơ ý nghĩa phải là bài thơ có thông điệp. Ở đây, bao tâm trạng dồn lại ở phần cuối. Tâm trạng của riêng tác giả - nỗi đau nơi con tim bị lưu đày. Và tâm trạng của người đọc, như một sự gợi mở từ người viết. Ta phóng sinh cho những con chim, trong khi chính ta lại u mê. Nếu không thể giải thoát cho chính mình, sao có thể giải thoát cho ai. Hình thức và nội dung, cái bên ngoài và cái bên trong sao đầy mâu thuẫn?!... Rất nhiều suy ngẫm từ câu thơ này. Tiếng nói cá nhân và tiếng nói công dân của nhà thơ cũng chạm đến biết bao tồn tại trong xã hội mà vì vô tình, vô cảm, ta đã lướt qua.

nha tho nguyen thi dao tinh: nguoi phong sinh tho hinh 2
Nhà thơ Đạo Tĩnh (người thứ ba, bên trái) trong một lần đi dã ngoại.

Làm thơ để phóng sinh con tim bị lưu đày - Đó phải chăng cũng là một phần thuộc về ẩn ức của người làm thơ, trong đó có Nguyễn Thị Đạo Tĩnh. Bà vốn kín tiếng, nhưng những ai sống cùng thời và thân thiết với bà đều biết ít nhiều về mối tình sâu nặng mà bà đã dành hết thời tuổi trẻ để hướng về, chờ đợi, cả tin, rồi thất vọng“đi hết một vòng đời/trò chơi vẫn chưa xong”. Và có lẽ, chính cái trò chơi trốn tìm dang dở ấy đã đưa bà đến với thơ, dùng thơ để phóng sinh trái tim, nặn cho nỗi đau thoát hết ra để tái tạo sinh lực, rồi lại nhận về nỗi đau, lại ngụp lặn trong mê man cơn sốt:

Chao ơi nếu được về chốn cũ

em sẽ lại đi tìm

 sẽ lại yêu anh

nghẹn ngào đắng chát…

                (Cho một màu hoa)

Đâu chỉ là thơ. Đó còn là tiếng nấc nghẹn trong nhói đau lồng ngực, là nước mắt nhòa vào dòng chữ run rẩy chát đắng nhưng vẫn chưa thôi niềm hy vọng. Dại khờ quá chăng? Nông nổi quá chăng? Người phụ nữ ấy đã mất quá nhiều thời gian để trải nghiệm, để thấm thía những cả tin. Người phụ nữ ấy đã có bao nhiêu đêm“nửa giường nửa chiếu nửa chăn/hoang vu nửa phần trái đất”, từng cặm cụi “vá lại đời mình/ vá lại bóng đêm đã hai mươi năm/ rách từng mảnh trống”, từng không dám ngả lưng vì sợ đè vào, sợ làm đau chiếc bóng vốn cô đơn của mình. Hẳn bà quá thấm thía niềm đau, đau đến tê dại, đau đến mức nhận ra tình thế hiểm nguy của mình, rằng nếu cố dấn thêm bước nữa sẽ sa vào vực thẳm.

Nguyễn Thị Đạo Tĩnh viết về đàn ông: “Anh/ vầng trăng mọc từ đáy nước/em ngụp lặn suốt đời/không tròn một vòng ôm”. Vầng trăng mọc từ đáy nước chỉ là bóng hình hư ảo, làm sao tìm được vớt được, chưa thấy đâu có khi bị chết đuối chết lạnh rồi. Biết là thế để không phải khổ sở vì ham muốn sở hữu mà hãy tập cho mình sức chịu đựng, bình thản mỉm cười bước qua dối gian. Không ít lần, niềm khát khao hạnh phúc cứ bùng lên, khiến người phụ nữ trong thơ bà chấp nhận cả những cảm giác“cứ vờ như vẫn có anh”, “vờ đang bên anh rảo bước” để nhìn đời, để thu nhận từ đời sống những sắc màu đẹp đẽ của nó.

“Hoa cúc sẽ chẳng vàng nếu không có mùa thu – nhưng cũng vì mùa thu mà tàn lụi

Anh đến cho em quá nhiều nông nổi – khi anh đi tất cả vẫn tràn đầy

Em - người đàn bà được sinh ra từ những đám mây”

                                                                      (Không đề)

Người đàn bà được sinh ra từ những đám mây sẽ chẳng thuộc về nơi nào cố định, có thể lơ lửng ở tầng thấp, có thể ở trên cao, rồi ngày nào đó tan thành nước. Biết thế và chấp nhận sống đúng với con người mình, như những đóa quỳ vàng lặng lẽ “vắt kiệt mình trong cơn khát đam mê”, rực cháy một miền biên ải “gió và mưa chẳng thể nào tắt được/ cái màu tươi nguyên sơ”.

Dù lặng lẽ sống lặng lẽ viết, nhưng Nguyễn Thị Đạo Tĩnh có nhiều bạn đọc bạn thơ đồng cảm. Điều này cực quý, bởi nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, thơ đang gặp phải sự thờ ơ, lãnh đạm của bạn đọc trên phạm vi toàn cầu, “nhưng với thơ của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, dường như ta lại không thể thờ ơ được, bởi thơ bà là hiện thân của một nỗi đau”. Đó là nỗi đau đã được lắng lọc, thanh khiết, khiến người đọc rung cảm nhưng không bi lụy, không khiếp nhược mà trở nên thanh thản hơn, như thể rũ được bụi nhân sinh để nhẹ lòng bước tiếp, nhẹ lòng mỉm cười đi bên buồn vui.

“Trên cánh đồng tình yêu của anh

Người ta đã hái lượm và mang đi

Những gì có thể

Chỉ còn lại

Bời bời gốc rạ

Bời bời bão gió

Bời bời cỏ hoang…

Con chim xanh vẫn cặm cụi mót từng hạt nhỏ…”

                                             (Trên cánh đồng cỏ hoang)

Nguyễn Thị Đạo Tĩnh là thế. Dù bời bời bão gió, bà vẫn là con chim xanh trên cánh đồng cỏ hoang, cặm cụi nhặt từng hạt nhỏ, và hát lên khúc ca về tình yêu sự sống, góp phần tái sinh nhân gian này. /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…”

VOV.VN - Cụ bà Trần Thị Sen - thân mẫu của hai nhà thơ Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa đã thanh thản về miền mây trắng, hưởng thọ 102 tuổi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…”

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…”

VOV.VN - Cụ bà Trần Thị Sen - thân mẫu của hai nhà thơ Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa đã thanh thản về miền mây trắng, hưởng thọ 102 tuổi.

“Ngồi gỡ tơ trời” cùng nhà thơ 9X ở đất võ Bình Định
“Ngồi gỡ tơ trời” cùng nhà thơ 9X ở đất võ Bình Định

VOV.VN -Tác phẩm thơ “Ngồi gỡ tơ trời” của Trương Công Tưởng được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng "Giải thưởng thơ” năm 2019 giải B. 

“Ngồi gỡ tơ trời” cùng nhà thơ 9X ở đất võ Bình Định

“Ngồi gỡ tơ trời” cùng nhà thơ 9X ở đất võ Bình Định

VOV.VN -Tác phẩm thơ “Ngồi gỡ tơ trời” của Trương Công Tưởng được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng "Giải thưởng thơ” năm 2019 giải B. 

Nhà thơ Trần Nhương: “Cái tình đồng đội nó lạ kỳ...”
Nhà thơ Trần Nhương: “Cái tình đồng đội nó lạ kỳ...”

VOV.VN -“Tình cảm đồng chí rất thiêng liêng. Đó là một cái gì sâu thẳm, được cấy vào trong tâm hồn người lính, không dễ gì phai mờ”. 

Nhà thơ Trần Nhương: “Cái tình đồng đội nó lạ kỳ...”

Nhà thơ Trần Nhương: “Cái tình đồng đội nó lạ kỳ...”

VOV.VN -“Tình cảm đồng chí rất thiêng liêng. Đó là một cái gì sâu thẳm, được cấy vào trong tâm hồn người lính, không dễ gì phai mờ”.