Vẫn tồn tại cơ chế xin-cho trong việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
VOV.VN - Đó là nhận xét của đa số đại biểu tham dự Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Nghị định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
“Nhiều bất cập trong quy trình xét tặng Giải thưởng HCM, Giải thưởng Nhà nước” đó là nhận xét của đa số đại biểu tham dự Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch mới tổ chức tại Hà Nội.
Theo các đại biểu, đang tồn tại cơ chế xin cho trong việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật. Đơn cử như một tác giả xứng đáng được giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng nếu họ chỉ xin tặng giải thưởng Nhà nước thì Hội đồng cũng chỉ xét ở giải thưởng Nhà nước mà không có sự linh hoạt. Dẫn đến nhiều khi tác phẩm giải thưởng Nhà nước chất lượng hơn tác phẩm giải thưởng Hồ Chí Minh.
Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước 2016 về Văn học, Nghệ thuật. |
Nhà văn Chu Lai, người đạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, đã từng tham gia Hội đồng xét tặng giải thưởng cho rằng, qui định nên mềm mại hơn nữa, nếu không giải sẽ luôn bị xanh mà không chín được: "Bao nhiêu cái ngon, cái ngọt, tinh tuý nhất đưa hết vào để lọt qua giải thưởng Nhà nước rồi nhưng một thời gian sau có giải thưởng Hồ Chí Minh, cao hơn giải thưởng Nhà nước, đòi hỏi tác phẩm phải cao hơn giải thưởng Nhà nước thì tìm đi, tìm lại, gạn đục khơi trong không thấy cái nào cao hơn cả và cuối cùng phải đưa ra một tác phẩm, một công trình không bằng giải thưởng Nhà nước nhưng vẫn được giải thưởng Hồ Chí Minh".
Lấy ví dụ những ồn ào trong việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vừa qua như trường hợp của cố nhạc sĩ Thuận Yến hay 2 cố nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn, nhiều đại biểu cho rằng: việc xét tặng sẽ là những chuyện buồn chưa có hồi kết bởi những quy định, thủ tục cứng nhắc gây phiền hà cho tác giả và lúng túng cho các nhà quản lý. Những tên tuổi có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn học, nghệ thuật nước nhà lại bị trượt giải bởi không đáp ứng được tiêu chí giải thưởng.
Phải sửa đổi quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT
Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, người được giải thưởng Nhà nước năm 2012, như thế là bất công với những tác giả sáng tác trong giai đoạn kháng chiến. Khi đó, không có những kỳ, cuộc liên hoan, cuộc thi như bây giờ để trao giải, dù đó là những tác phẩm có giá trị xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Bên cạnh đó, tiêu chí này cũng là nguyên nhân dẫn đến "mưa" giải thưởng và huy chương tại các cuộc liên hoan gần đây.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường: "Việc để có 90% như quy định cũ là chỉ có bảo nhau thôi, vận động nhau thôi, nhất là trong Hội đồng có người không có chuyên môn, thì chỉ có đi bảo họ mới đủ 90% thôi. Nghệ thuật không thể lấy số đông được. Người ta đề nghị 75% là đúng. Không phải là số ít thì tác phẩm không tốt".
23 ý kiến của các nhà quản lý, nghiên cứu, nghệ sĩ trình bày tại Hội thảo đều chỉ ra những bất cập trong quy trình xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật. Đây là tồn tại từ nhiều năm nay, cũng có tồn tại mới phát sinh trong quá trình xét tặng và là nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm, kiện tụng mỗi đợt xét tặng.
Các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tập hợp, bổ sung đưa vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật thời gian tới./.