Vẻ đẹp tình yêu trong chiếc khăn Piêu của phụ nữ Thái đen
VOV.VN - Khăn Piêu được ví như một tín vật trong tình yêu và là một phần của trang phục làm nên vẻ đẹp riêng có của người phụ nữ Thái đen.
Với đồng bào Thái đen Tây Bắc, khăn Piêu có ý nghĩa về mặt tâm linh, được ví như một tín vật trong tình yêu, một phần của trang phục làm nên vẻ đẹp riêng có của người phụ nữ. Chiếc khăn Piêu cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá người phụ nữ Thái. Vì thế là phụ nữ Thái đen trước kia ai cũng phải biết thêu, làm khăn Piêu.
Chị em phụ nữ Thái đen tỉ mẩn trong từng đường thêu, mũi chỉ. |
Với người con gái Thái đen Tây Bắc, khăn Piêu là một phần trong bộ trang phục, góp phần tô điểm thêm nét đẹp của họ. Trong đời sống, khăn Piêu được coi như món quà, một tín vật hay là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của người con gái Thái. Trong đời sống tâm linh, khăn Piêu đựơc dùng để đặt trong các lễ như; Lễ tạ ơn, Lễ cúng ma nhà họ ngoại, sử dụng trong lễ Xên phăn bẻ (chém cổ dê), lễ Xên bản, xên mường (cúng bản cúng mường)…
Đặc biệt khi nhà có tang, khăn Piêu được dùng làm lễ vật trong tang lễ. Bà Hoàng Thị Mai, 71 tuổi, nghệ nhân ưu tú dân tộc Thái ở Bản Bó, Phường Chiềng An, thành phố Sơn La cho biết thêm: “Khăn Piêu phải nói là rất có ý nghĩa với người Thái. Những người con gái trước khi về nhà chồng ít nhất phải thêu được 30 chiếc khăn Piêu để kỷ niệm cho bố mẹ, họ hàng bên nhà chồng. Chiếc khăn Piêu ko chỉ làm đẹp cho người phụ nữ mà còn có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Khi có người khuất, vợ chồng một chiếc khăn Piêu phải chia đôi, chồng một nửa vợ một nửa để đắp lên mặt lúc khuất, còn người ở lại phải giữ một nửa để sau này hai vợ chồng cùng khuất đi rồi thì nửa khăn piêu đó lại đắp lên mặt để khi lên thiên đàng còn tìm thấy nhau”.
Khăn Piêu có ý nghĩa là vậy nên đối với người con gái Thái đen xưa, ngay từ lúc còn bé họ đã được bà, mẹ hướng dẫn cách thêu, cách làm khăn Piêu. Từng đường kim mũi chỉ, từng màu sắc hoa văn đều được chỉ dạy kỹ càng. Hoa văn được thêu trên chiếc khăn Piêu không những thể hiện sự khéo léo của các cô gái Thái, mà chỉ cần nhìn vào đó có thể đánh giá được người thiếu nữ có đảm đang, chăm chỉ hay không.
Khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái đen. |
Hoàn thiện một chiếc khăn Piêu phải trải nhiều công đoạn hết sức tỉ mỉ. Từ việc chọn vải làm khăn, phải là vải trắng tự dệt có sợi nhỏ, mịn. Sau khi chọn được miếng vải ưng ý mới đến các công đoạn nhuộm vải công phu từ chàm để thu được sải vải màu đen. Chỉ dùng để thêu khăn Piêu cũng được nhuộm kỳ công, màu sắc của chỉ cũng được lấy từ màu sắc của các loại cây cỏ, hoa lá có từ thiên nhiên.
Khăn Piêu của người Thái không phải trang trí ở toàn bộ diện tích của khăn mà chỉ tập trung trang trí ở hai đầu. Nét đặc biệt của nghệ thuật thêu khăn Piêu là thêu ở mặt trái nhưng hoa văn lại hiện ra ở mặt phải. Vì thế, để thêu được một chiếc khăn Piêu đẹp theo lối truyền thống, đòi hỏi người phụ nữ Thái phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật đếm sợi vải, với nhiều loại hình khối hoa văn khác nhau như: hình quả trám, chữ dô, hình cây, hoa…
Khăn Piêu với những họa tiết đẹp mắt. |
Thêu xong, dùng vải đỏ làm nẹp viền theo mép khăn và đính cút Piêu (Các cút Piêu được làm từ vải đỏ được cuộn tròn, bên trong lõi là sợi vải). Người cuộn phải rất khéo léo sao cho cút Piêu này giống hình ngọn cây dương sỉ. Bình thường phụ nữ Thái thường đội Piêu có cút chùm ba, nhưng khi tặng Piêu cho người bậc trên, người mình yêu quý thì tặng loại piêu có cút chùm năm trở lên.
Chị Lù Thị Chum ở Bản Híp, xã Chiềng Ngần, Thành phố Sơn La cho biết: “Cút Piêu phải lấy vải đỏ rộng 1cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Cút Piêu sau khi được làm xong được ghép lại khéo léo vào đầu Piêu. Ngày xưa thì mẹ truyền dạy thêu Piêu cho mình biết rồi, bây giờ thì muốn truyền dạy cho con cháu sau này biết thêu khăn Piêu để bản sắc dân tộc mình không bị lãng quên”.
Bà Quàng Thị Vin, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Sơn La cho rằng: “Cuộc thi thêu khăn Piêu là cơ hội để chị em được hội tụ, được giao lưu học hỏi kinh nghiệm, cách sáng tạo lẫn nhau. Và đặc biệt, trong những dịp tổ chức thi khăn Piêu như thế này cũng là dịp để truyền dạy cho con cháu sau này giữ gìn được nét độc đáo của dân tộc Thái vùng Tây Bắc từ ông cha ta xưa để lại”./.