Vị Đại tá và những lá thư tình

Có một người đàn ông gần 50 năm qua vẫn cần mẫn viết những lá thư tình cho người vợ thân yêu của mình.

Cho đến giờ, khi cả ông, bà đã vượt ngưỡng "thất thập cổ lai hy", ông vẫn duy trì được thói quen ấy. Ông là Đại tá pháo binh Đỗ Sâm, từng trải, giàu vốn sống nhưng không kém phần lãng mạn... 

Ông đại tá ham viết báo
Trong căn hộ tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, ở tuổi 76, với giọng nói ấm áp Đại tá Đỗ Sâm nhớ về thời trai trẻ của mình.

Gia đình ông vốn ở phố Hàng Trống, Hà Nội, tuổi thơ của ông là những ký ức về một thời gian khó của đất nước. Khi còn là cậu bé trường Bưởi, Đỗ Sâm đã tham gia đội thiếu niên cứu quốc, tự vệ khu phố hàng Gai. Cuối năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, rời mái trường trung học Chu Văn An, ông tình nguyện xin được trực tiếp ra tiền tuyến chiến đấu giải phóng quê hương. Năm 1951, ông được cử sang Trung Quốc tập huấn và được điều động về chiến trường Điện Biên Phủ. Từng tham gia các trận đánh lớn ở khắp chiến trường Tây Bắc, những năm tháng trong quân đội đã rèn luyện ông khí phách hiên ngang của người lính.

Về nghỉ hưu năm 1991, Đại tá Đỗ Sâm có dịp trở lại chiến trường xưa, gặp lại nhiều đồng chí đồng đội, ông thực sự xúc động trước những tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội. Từ năm 1993, ông bắt đầu sưu tầm, ghi chép lại những câu chuyện cảm động đó. Hàng trăm bài báo của ông được đăng tải trên các báo, nhiều bài được trao giải. Những nhân vật dưới ngòi bút của ông đã hiện lên sinh động: anh lái xe kéo pháo dân tộc Giẻ Triêng, ông Ba Tư Gừm, ở ngã ba biên giới, anh hùng Bùi Ngọc Đủ ở Gia Lai, chị pháo thủ Thanh An ở Lâm Đồng, chị giao liên Đặng Thị Lén ở Điện Bàn,... Đó là những nhân sĩ trí thức yêu nước các tướng lĩnh quân đội như luật sư Phan Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Tôn Thất Tùng, GS.TS Nguyễn Tài Thu... Tất cả những bài viết của ông đã được Nhà xuất bản QĐND và Công an nhân dân xuất bản thành 3 tập sách Người chiến sĩ ấy, Những lá thư thời chiến Thư thời chiến góp phần không nhỏ giới thiệu, khơi gợi cho bạn đọc những câu chuyện lí thú và bổ ích về truyền thống yêu nước, lòng quả cảm  của nhiều thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.  

 ...và gần nửa thế kỷ viết thư tình cho vợ
Nói về mối lương duyên với người vợ hiền thục của mình, ông kể: Tôi và nhà tôi gặp nhau thật tình cờ, ngày ấy tôi còn trẻ lắm. Năm 1957, tôi được điều động về làm giáo viên Trường sĩ quan Pháo binh tại Sơn Tây. Trong một dịp lên đường làm nhiệm vụ gấp, để kịp thời gian, tôi gửi xe đạp và đồ dùng cá nhân là một hòm tài liệu, sách tại một gia đình gần trường.

Nhữngbức thư tình

Ông chủ nhà Đào Thiện Thuỳ, khi ấy nguyên là Trưởng ty cảnh binh Sơn Tây, sau này tôi mới biết là người của Việt Minh cài vào hoạt động trong lòng địch. Vốn là một điệp báo viên nhiều kinh nghiệm nên thấy chiếc hòm của Đỗ Sâm gửi, ông Thuỳ đã quyết định "kiểm tra". Và thật bất ngờ, bên trong hòm là những cuốn sách Ruồi Trâu, Thép đã tôi thế đấy... và những tập giáo án bài giảng. Sau này nghe kể lại, khi "kiểm tra" chiếc hòm của anh lính trẻ xong, ông Thuỳ thầm nghĩ: Chủ nhân của chiếc hòm chắc không phải là người tầm thường và phải là người có học thức nên có ý định hết chiến tranh sẽ gả con gái cho người lính này…

Và mùa thu năm 1961, sau nhiều lần qua lại, được sự "bật đèn xanh" của ông Đào Thiện Thuỳ, Đỗ Sâm đã ngỏ lời yêu với Đào Thu, cô con gái rượu của ông Trưởng ty cảnh binh Sơn Tây. Nhưng khi ấy, do ông Thuỳ phải chấp hành việc đảm bảo công tác hoạt động bí mật, chờ chỉ thị của cấp trên nên hai người chưa được kết hôn. Mãi đến năm 1967, sau khi được tổ chức cho phép Đỗ Sâm và Đào Thu mới đính hôn và tổ chức hôn lễ. Cưới vợ được mấy ngày, Đỗ Sâm lại phải lên đường nhận nhiệm vụ hành quân gấp vào chiến trường miền Nam. Và đấy cũng chính là lý do ông đã viết rất nhiều bức thư tình cho vợ khi hai người chưa kịp có con... để thoả nỗi nhớ mong.

Ông Sâm kể, ban đêm hành quân triền miên, ban ngày nghỉ, vào mỗi buổi sáng, tôi ra bờ suối, lấy bút chì và ghi cho vợ mấy dòng tâm sự. Chính vì viết thư cho vợ nhiều, tôi bị không ít chỉ trích của anh em trong đơn vị. Nhưng khi ấy tôi tin rằng những lá thư ấy đã cho tôi thêm niềm lạc quan để đối mặt với quân thù. Và không kể ngày hay đêm, sau mỗi trận đấu, cứ rảnh rỗi ông lại viết thư, giấy viết lá những mảnh giấy một mặt, vỏ bao thuốc. Không thể đếm được tôi đã viết cho vợ bao nhiêu bức thư nhưng không dưới nghìn bức.

Sau chiến thắng 1975, gia tài Đỗ Sâm mang về cho vợ là chiếc ba lô đầy cứng lỉnh kỉnh nào là bi đông, ăng gô, tăng võng và chiếc túi nhỏ đựng những lá thư tình của vợ. Ông bộc bạch: "Những bức thư viết trên những tờ giấy pơluya mỏng tang từ Hà Nội chuyển vào đã theo tôi suốt các chặng đường hành quân, mang hơi thở và tình yêu chân thành, nồng ấm của người vợ nơi hậu phương, là nguồn động viên vô tận thôi thúc tôi ra trận...

Đào Thu cũng viết khá nhiều thư gửi vào động viên khích lệ tinh thần chiến đấu cho chồng. Thời gian đầu tôi luôn để những lá thư trong "gùi", mang đi khắp các chiến trường. Các chiến sĩ xem thư ai cũng cảm động vì những tình cảm chân thực của hậu phương với tiền tuyến. Trong suốt 8 năm, kể từ khi kết hôn đến năm 1975, hàng trăm bức thư tình của Đào Thu gửi ra tiền tuyến đã góp phần không nhỏ vào thành tích chiến đấu của ông ở chiến trường. Năm 2005 kỉ niệm 30 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, số thư trên đã được trích giới thiệu trong tập sách Những lá thư thời chiến Việt Nam.

Một trong những bài thơ Đào Thu gửi cho Đỗ Sâm hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Bài thơ có đoạn:

...Thương anh đi giữa Hè oi bức
Nắng dội Trường Sơn,
nắng cháy rực người
Mơ ước sao rừng lá xanh tươi
Che bóng mát cho người yêu dấu
Gác tình riêng anh đi chiến đấu
Ở phương xa, vợ trẻ mong chờ
Cho những mối tình,
Cho những ước mơ
Cho anh, cho em
và cho tất cả
Yên tâm đi, đừng buồn anh nhé
Em vững lòng như đá bên bờ
Nước sói nhiều,
đá vẫn vững trơ
Rất cao thượng đá đứng chờ bên suối...

Nghe chồng kể lại những kỷ niệm xưa, bà Đào Thu góp vui: Ngày ấy, tôi là một cô gái thuộc diện có nhan sắc ở Sơn Tây, cha tôi khi ấy đã hứa gả tôi cho ông Phan Kế Tuyến, là cháu của cụ Phan Kế Toại nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng do mê sách và mến mộ tài của anh lính trẻ và nhất là những câu chuyện anh kể sau mỗi trận đánh, tôi đã thầm yêu anh từ lúc nào không biết.

Ông cười nói: Thư của lính viết cho vợ nhớ nhung là lẽ đương nhiên nhưng toàn kể chuyện trận đánh với chiến công. Bởi vậy tôi cũng chia sẻ với vợ niềm vui, nỗi buồn để hiểu nhau hơn, để cùng nhau vượt qua mọi gian khó, hoàn thành nhiệm vụ.

Sau gần nửa thế kỉ gặp gỡ rồi kết duyên, giờ ông bà Đỗ Sâm - Đào Thu đã ở tuổi “xưa nay hiếm” và đang sống hạnh phúc với nhau và con cháu. "Chúng tôi tôn trọng, yêu thương và chăm sóc nhau lúc tuổi già. Bây giờ, có những lúc phải xa nhau để chăm sóc con cháu, có những lúc tôi hoặc vợ phải ra nước ngoài, nhưng chúng tôi vẫn duy trì thói quen viết thư để động viên nhau trong cuộc sống. Giờ đây, xem những lá thư thời chiến, nhắc lại những kỷ niệm kháng chiến, tôi luôn tự hào và biết ơn người vợ hiền thảo, đảm đang của mình, người đã đem đến một phần lớn sự nghiệp và hạnh phúc cho tôi và con cháu..."- vị Đại tá bộc bạch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên