Vì sao bức tượng Phật “lạ” có trong chùa Bà Đá?

VOV.VN - Tượng Phật kiểu truyền thống phải đi đặt mẫu chứ không sẵn có nên sẽ không kịp với thời gian bày đàn làm lễ cầu an đầu năm...

Trong bối cảnh ngày càng nhiều đồ thờ tự lạ được mang vào các nơi thờ tự Việt, những di tích đã được xếp hạng, thông tin về việc một pho tượng lạ của “Đài Loan” được đưa vào chùa Bà Đá (số 3, phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm) ngay giữa trung tâm Hà Nội như giọt nước tràn ly khiến những người làm văn hóa và yêu văn hóa truyền thống mạnh mẽ lên tiếng.

Khi phóng viên VOV online  đến thì pho tượng đang ở vị trí cao chưa đầy 1 mét và được đặt ở sảnh tiền đường chứ không phải gian chính giữa tam bảo. 

Pho tượng mới có màu sắc sáng sủa hiện đại quá nổi bật trước những pho tượng cổ trầm mặc có giá trị cao về thẩm mỹ, triết học. “Một pho tượng mới tinh. Nhìn thì biết ngay là ngoại nhập. Một ban thờ cũng mới tinh. Hòm công đức đặt phía trước. Cảm giác sính ngoại. Tôi thấy tâm lý sính ngoại đã len vào cả chốn tâm linh chùa chiền” - Họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ.

Khi chúng tôi đến thì pho tượng đang ở vị trí cao chưa đầy 1 mét và được đặt ở sảnh tiền đường chứ không phải gian chính giữa tam bảo. Tiền đường là nơi phục vụ sinh hoạt cho mọi người còn chính điện là nơi thờ phật. Đại đức Thích Chiếu Tuệ cho biết đây là tượng Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai. Tượng được sản xuất tại TP HCM, không phải do Phật tử cúng mà do đích thân thày Thích Chiêu Tuệ đi thỉnh về từ TP HCM.

Chính điện với những pho tượng tuyệt đẹp về cả mỹ thuật lẫn triết học.

Tượng này không  phải là tượng thờ vĩnh viễn ở chùa Bà Đá mà chỉ phục vụ cho làm lễ cầu an đầu năm. Tượng chỉ bày trong thời gian từ mùng 8 đến 14 tháng Giêng theo Âm lịch. Hết thời hạn này sẽ cất đi.

“Tượng này không hô thần nhập tượng theo các pho tượng tâm linh của người miền Bắc. Bởi vì hô thần nhập tượng tức là vĩnh viễn thờ ở đó. Đây chỉ là pho tượng biểu tượng theo kinh Dược sư” – Đại đức Thích Chiếu Tuệ cho biết.

“Lễ cầu an là nghi lễ tâm linh của người Việt bao đời nay đều đến chùa làm lễ cầu nguyện. Chúng tôi làm lễ theo tinh thần của Phật giáo không mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, hình nhân thế mạng. Chúng tôi chỉ đơn thuần tụng kinh Dược sư để cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu, cầu cho mọi người được bình an cát tường. Một ý nghĩa tốt đẹp cho đầu năm. Năm nào cũng làm lễ này và các chùa đều làm” – Đại đức giải thích.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV online về hình dáng các pho tượng Dược sư truyền thống của Việt Nam, Đại đức cho biết ngày xưa thì tượng nhỏ bằng gỗ gồm 7 pho. Hiện tại, nhiều chùa vẫn còn những bộ tượng này. Tuy nhiên chùa Bà Đá lại không có nên thày đã thỉnh một pho tượng thay vì 7 pho về để trưng bày làm lễ vì chùa chật không bày hết được.

Khi được hỏi tại sao không dùng mẫu tượng truyền thống mà lại thay bằng mẫu mới ngoại lai, Đại đức cho biết ông vốn là Trụ trì Chùa Vạn Phúc ở Sóc Sơn, Hà Nội. Vì ông còn là Ủy viên Hội đồng Trị sự Gíao hội Phật giáo Việt Nam nên năm nay ông được phân công trực ở chùa Bà Đá trong 1 tháng. Tượng kiểu truyền thống phải đi đặt mẫu chứ không có ngay nên sẽ không kịp với thời gian bày đàn, tượng mới có sẵn nên thỉnh ngay được vì tượng này có nhiều ở trong miền Nam.

Đại đức thừa nhận, chùa Bà Đá là di tích cấp thành phố nên pho tượng này để thờ là không phù hợp cả về thẩm mỹ và tâm linh và cũng không đúng với luật di sản. Nhưng đây chỉ là để bày đàn mang tính biểu tượng trong vài ngày và sau đó ông sẽ cất đi.

Ông cũng cho biết trong sáng nay (11/2), các cán bộ văn hóa quận Hoàn Kiếm đã đến làm việc, giải thích rõ vấn đề và ông cho biết sẽ rút kinh nghiệm.

Trước đó, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: "Kể cả đưa tạm vào cũng không đúng vì hiện vật đưa vào đó phải có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền…Tinh thần của Sở thì cương quyết theo luật. Cứ chiểu theo đúng luật ra làm, nếu đưa vào sai thì phải đưa ra khỏi di tích”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên