Vì sao Nhạc sĩ lại mang nghệ danh Tô Vũ?

Ông được biết đến là một học giả uyên bác với những công trình nghiên cứu âm nhạc và một số sáng tác nổi tiếng như “Em đến thăm anh một chiều mưa”, “Tạ từ”, “Như hoa hướng dương”…

Năm nay đã gần 90 tuổi, song GS Nhạc sĩ Tô Vũ vẫn say mê nghiên cứu, tiếp tục cống hiến sức lực cho nền nghệ thuật Việt Nam, với mong muốn bảo tồn và truyền bá những giá trị văn hoá quý báu của cha ông cho những thế hệ tiếp theo. Những gì ông đã và đang làm thật đáng khâm phục, bởi điều đó không chỉ đòi hỏi tài năng, tâm huyết, mà còn là sự hy sinh, hết mình vì nghệ thuật.

Nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú, ông chính là em ruột của nhạc sĩ Hoàng Quý, người nhạc sĩ mà hầu hết chúng ta được biết đến với các tác phẩm “Cô láng giềng”, “Cảm tử quân”.

Cái tên Tô Vũ bắt nguồn từ đâu?

** Nhạc sĩ có thể cho biết, tên Tô Vũ bắt nguồn từ đâu?

Cái tên Tô Vũ có thể nói là một giai thoại, tôi có tự đặt cho tôi cái tên Tô Vũ đâu. Hồi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, anh tôi mất ngày 26/6/1946, đến ngày 19/11 thì tôi phải chạy sang Kiến An, lúc đó tôi vẫn ở Hải Phòng. Nếu anh tôi không mất vào ngày đó, có lẽ tôi sẽ không phải là Tô Vũ, mà sẽ là cái gì đó.

Tôi có 4 học bổng đi học ở Pháp, khi anh tôi mất, tôi phải về để lo cho các em. Tôi xin vào dạy hợp đồng ở trường Bình Chuẩn, thành phố Hải Phòng. Lúc đó, có mấy ông bạn ở Hà Nội là Văn Cao, Nguyễn Đình Thi xuống Hải Phòng, các ông ấy đều để râu. Nguyễn Đình Thi ghé tai tôi bảo “học tập Bác Hồ”. Văn Cao lại bảo “Phú ạ, cậu mà làm giống chúng tớ thì cậu sẽ giống Bác nhất đấy, ở chỗ là râu của cậu mọc rất nhanh”. Thế là tôi bắt chước 2 ông bạn thân và cùng mặc bộ quần áo nâu.

Hồi ấy mưa, chống cái gậy, tự  nhiên có một ông đem cho tôi cái nón ở Sơn Tây, nửa tháng sau râu tôi đã lên được 2 – 3 cm, mọi người nói rằng ăn vận như vậy trông tôi rất giống ông Tô Vũ chăn dê ở trong cái lọ độc bình.

Lúc đó, một người bạn nói rằng: “anh Phú phải lấy một cái tên khác, bí danh đi thôi”. Tôi hỏi: ”Bí danh là cái gì”?.

Tự nhiên lại nhớ một ông có tên là Minh, Minh là sáng, Vọng là vọng nhìn xa, nhìn ra ánh sáng thấy nó sáng. Tôi bảo “lấy tên là Hoàng Minh Vọng có được không?”. Người bạn đó tán thành và còn khen đẹp.

Như hoa hướng dương

Anh đến thăm em một chiều mưa

Tôi lấy tên Hoàng Minh Vọng được nửa tháng, ra đường, đi các nơi mọi người cứ “ơ ơ, ông Tô Vũ chăn dê vào đây hội nghị một bài”, thành ra tôi phải vào hát bài “Đồng vọng”, lúc đấy nổi tiếng lắm.

Lúc đó, đi đâu cũng bị gọi “Tô Vũ chăn dê vào đây, vào đây”, tôi tức lắm, bảo “tôi là Hoàng Minh Vọng”.

Đến năm 1947, tên Hoàng Minh Vọng mất biến, chẳng ai gọi tôi là Hoàng Minh Vọng mà gọi tôi là Tô Vũ. Năm 1948, tôi lên họp Đại hội văn hoá, văn nghệ toàn quốc thứ nhất, tôi là đại biểu duy nhất của chiến khu 3. Một ông rất nhanh nhảu, giới thiệu tôi là nhạc sĩ Tô Vũ, chiến khu 3 lên hát một bài.

Tôi lên hát bài “Đồng giao cống huyền”. Xuống sân khấu tôi rất hậm hực và khó chịu vì đã giới thiệu là Hoàng Minh Vọng mà vẫn bị gọi là Tô Vũ. Tôi đem chuyện này nói lại với người ngồi bên cạnh (sau này tôi mới biết đó là Thế Lữ). Thế Lữ trầm ngâm một lúc rồi bảo “đây là tên nhân dân đặt cho anh, cái tên này sẽ đứng vững hơn nhiều so Minh Vọng, Minh viếc lôi thôi lắm, thôi thì anh bỏ cái Hoàng Minh Vọng đi”.

Đấy, Tô Vũ là từ đó, chứ không phải tự tôi đặt đâu.

** Những bài hát trong giai đoạn đầu của nhạc sĩ như “Tạ Từ”, “Anh đến thăm em một chiều mưa” đã gắn với tên Tô Vũ?

- Chưa, hồi đó còn chưa có cả Hoàng Minh Vọng.

Những đóng góp cho tân nhạc Việt Nam

** Nhạc sĩ và anh trai là nhạc sĩ Hoàng Quý xây dựng nhóm Đồng Vọng. Một nhóm nhạc có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tân nhạc Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu. Nhạc sĩ có thể cho biết đôi chút về sự ra đời của nhóm nhạc Đồng Vọng?

- Ông cụ tôi rất tài hoa, ông hát rất hay, cả tiếng Tây. Khi mẹ tôi mất, tôi 13 tuổi, Hoàng Quý 16 tuổi, bố tôi làm ở xa, hàng tháng chi viện tiền về nuôi 4 anh em tôi. Mấy anh em tôi cùng say mê nhạc, thế là đi tìm học. Chúng tôi violon chính quy của một bà đầm, bà ấy là chủ cửa hàng bán nhạc phẩm. Một giờ học mất 4 đồng bạc Đông Dương, lúc bấy giờ 2 đồng được 1 tạ gạo, đắt như thế đấy.

4 anh em vẫn quyết định học, mỗi anh góp 1 đồng. Học xong 15 phút của mình, thì đứng lại học ké, kẽo kẹt được đến 6 tháng chúng tôi học xong cơ bản. Lúc ra kháng chiến may quá tôi gặp Tạ Phước và được chỉ bảo thêm. Còn ghita là tự học lấy.

Nhóm Đồng Vọng sinh ra từ phong trào hướng đạo sinh do anh Hoàng Quý, tôi, Canh Thân, Phạm Ngữ lập ra với ý nghĩa như là tiếng gọi tập hợp thanh niên lại với nhau. Mình vì mọi người, giúp đỡ mọi người, vì dụ Tổ Quốc, yêu dân tộc.

Từ phương châm này, nhóm Đồng Vọng đã góp phần cổ suý cho nền tân nhạc Việt Nam.

** Quay lại những chặng đường sáng tác của nhạc sĩ, có thể chia làm 2 thời kỳ: Thời kỳ đầu tân nhạc với những sáng tác như “Em đến thăm anh một chiều mưa”, “Tiếng chuông chiều thu”; Thời kỳ kháng chiến có các bài như “Cấy chiêm”, “Nhớ ơn Hồ Chí Minh”, “Như hoa hướng dương”, vậy tại sao lại có sự chuyển biến về bút pháp rõ rệt như vậy giữa 2 giai đoạn sáng tác của ông?

- Đó là yêu cầu cách mạng. Bắt đầu từ sự tri âm, tôi lấy cái chữ tình ở truyền thống dân tộc, chứ không theo kiểu của Tây. Tôi lấy chất liệu, làn điệu chèo cổ, theo tôi đây là kho tàng rất là tốt, bởi nó đầy đủ các bài, ứng vào các hoàn cảnh, vui, buồn, hỉ, nộ, ái, lạc.

Sau này, tôi vẫn viết cả những bài lãng mạn, nhưng mà lãng mạn cách mạng.  Thực ra tôi bị ảnh hưởng của ba điều, đi vào 3 phương châm hay là 3 tiêu chí: dân tộc, khoa học, đại chúng…

Nghiên cứu âm nhạc truyền thống

** Cả cuộc đời say mê nghiên cứu nhạc dân tộc, với các bản hoà tấu nhạc dân tộc, nhạc cho tuồng, chèo, cải lương, các công trình nghiên cứu như âm nhạc chèo cổ, cải tiến đàn bầu, phải chăng đó là mục đích ông đặt ra để đeo đuổi trong cả cuộc đời mình?

Năm 50, TW thành lập Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật mà trong nghệ thuật thì có 4 ngành văn, hoạ, nhạc, kịch… Phần nhạc giao cho Văn Cao làm trưởng ban. Văn Cao về tài năng thì tuyệt vời, nhưng về kiến thức nghệ thuật nhất là lý luận nghệ thuật không cao siêu. Văn Cao gặp tôi và nói “Tô Vũ ơi ở lại đây với mình, chúng ta sẽ làm nhiệm vụ nghiên cứu về âm nhạc. Ở đây tớ rất cần cậu”. Thế là tôi ở lại.

Vấn đề đặt ra là nghiên cứu cái gì? Chúng tôi quyết định đặt mục tiêu nghiên cứu cả nhạc và kịch, rất dân tộc lại vừa nông dân, đủ các thứ, kết nạp hết.  Mấy năm đầu chúng tôi chỉ nghiên cứu chèo cổ Việt Nam và ghi đến gần 200 làn điệu chèo. Từ cơ sở đó tôi đưa tôi đến chỗ ngôn ngữ âm nhạc truyền thống của Việt Nam như thế nào? khác Trung Quốc ở chỗ nào? Chúng tôi thấy xuất phát điểm của mình quá trúng. Đi vào âm nhạc chuyên nghiệp mà lại âm nhạc chuyên nghiệp dân gian.

** Nhạc sĩ còn trăn trở gì đối với nền âm nhạc Việt Nam?

- Theo tôi, nền âm nhạc Việt Nam truyền thống rất hay, nhưng vấn đề là phát triển thế nào? Tôi đã có bài nghiên cứu rồi. Có mấy kiểu phát triển: phát triển giọng điệu, phát triển thể loại mà đều có những mẫu để phát triển.  Đường đi đã có rồi, nhưng tìm mãi không ra, cứ loay hoay. Nhưng tôi không bao giờ bi quan về truyền thống. Tôi định làm như thế này, gần như tập hợp, Ví dụ, cây đàn đá, tôi đang tìm cách liên hệ, đàn đá có hậu duệ không? Tôi đã gần tìm ra rồi. Rồi đến cồng chiêng đồng, tiền thân của cồng chiêng? Phải chứng minh được…/.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên