Vở xiếc “Làng tôi” Tây thích, ta chê và câu chuyện hội nhập văn hóa
VOV.VN - Sau nhiều năm lưu diễn và được tán thưởng nơi xứ người, cuối năm 2012 vở xiếc “Làng tôi” quay về Việt Nam với số buổi ra rạp đếm trên đầu ngón tay...
“Xiếc Làng tôi đã chạm đến trái tim khán giả”, “Làng tôi đậm chất văn hoá Việt”, “Làng tôi - một vẻ đẹp Việt”, “Làng tôi- khúc hoan ca của làng quê Việt”, “Kịch xiếc Việt - tiềm năng thức giấc”… đây chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều bài viết mà giới truyền thông cũng như các nhà chuyên môn, quản lý nói về vở xiếc “Làng tôi” của Liên đoàn xiếc Việt Nam.
“Làng tôi” được xây dựng dựa trên những nét văn hóa và lịch sử tiêu biểu của người Việt Nam, thông qua nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật xiếc thăng bằng, xiếc uốn dẻo, đu quay - xà cột, đi trên cọc cao, xiếc đứng tay trồng đầu, xiếc hình tượng, xiếc tung hứng… và qua những câu hò, điệu lý mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.
Ảnh: thethaovanhoa.vn |
Khi bắt tay dàn dựng xiếc “Làng tôi”, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã phải chấp nhận bỏ đi một số tiết mục xiếc truyền thống để diễn viên tham gia chương trình. Nhưng số phận “Làng tôi” đã long đong trên sân khấu xiếc Việt ngay từ đầu, với 6 buổi trình làng năm 2005 rồi “cất kho”. May thay năm 2009 “Làng tôi” có cơ hội chu du sang trời Tây, hòng tạo chút “tiếng lành đồn xa về nước, gây tò mò cho khán giả nhà”.
Bài toán hội nhập đã thực sự có giá bởi trong nhiều năm mang chuông đi đánh xứ người, “Làng tôi” đã được khán giả quốc tế đón nhận hào hứng, nhờ đó thương hiệu xiếc Việt Nam đã được quảng bá rộng rãi trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu “Làng tôi” trở thành “món ăn” hấp dẫn đối với khán giả quốc tế, thì ở trong nước lại không được mấy người đón nhận.
Bởi theo như ông Phạm Xuân Quang, Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam thì gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả trong nước không dừng ở “Làng tôi”: "Trước đây “Làng tôi” hợp tác với nước ngoài nên đặc thù biểu diễn xiếc đương đại, có sự kết hợp của cả múa, âm thanh, ánh sáng... Người làm trong nghề sẽ thấy rất hay vì mang hồn Việt, chất Việt. Mô hình này học tập từ châu Âu. Trước đây chỉ có xiếc truyền thống, nay có cả xiếc đương đại nên thưởng thức nghệ thuật này cũng rất mới".
Nếu đây chỉ là câu chuyện thử nghiệm xây dựng các chương trình xiếc mới, chấp nhận hi sinh khán giả trong nước để đầu tư cho việc phục vụ khán giả quốc tế thì có lẽ không có gì để bàn. Nhưng việc xiếc “Làng tôi” lay lắt trên sân khấu Việt đã kéo theo sự xuống dốc của cả một tập thể nghệ sĩ “bỏ xiếc truyền thống” đi theo xiếc đương đại.
Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Văn Hùng, Phó Trưởng đoàn 1, Liên Đoàn xiếc Việt Nam cho rằng, đó là sự mâu thuẫn giữa “Làng tôi” và các chương trình nghệ thuật xiếc truyền thống: "Chuyên môn xiếc trong “Làng tôi” còn hạn chế, họ diễn các sắc tài về kịch nhiều hơn. Họ cũng là những nghệ sĩ bình thường trong Liên đoàn được chuyển qua tập nhóm xiếc “Làng tôi” thông qua tập thử và tuyển chọn. Các diễn viên tập luyện đã bấy lâu nay, thực ra nhóm xiếc “Làng tôi” mà quay lại truyền thống thì muôn vàn khó khăn, tuổi của các diễn viên cũng khá nhiều".
Trưởng nhóm xiếc “Làng tôi”, nghệ sĩ Nguyễn Quang Thọ chia sẻ: "Các buổi biểu diễn trong 2 năm qua toàn phục vụ chiêu đãi, hoặc diễn trong ngày giỗ Tổ nghề, thỉnh thoảng nhận biểu diễn ở ngoài, sau lại "gác kiếm" để đấy. Ngày nào các diễn viên cũng tập luyện nhưng không được biểu diễn".
Câu chuyện trở nên cao trào khi đồng loạt 13 nghệ sĩ của nhóm xiếc “Làng tôi” xin nghỉ việc vì nhiều lý do, trong đó có lý do “không sống được với vở diễn”. Liệu đây có là cái giá quá đắt khi nhiều nghệ sĩ xiếc tài năng phải nói lời chia tay lúc tuổi nghề, tuổi đời còn có thể cống hiến. Có quá lãng phí khi nhà nước đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ đào tạo 13 nghệ sĩ này để rồi phải bỏ nghề.
Ông Phạm Xuân Quang, Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam nói: "Họ đều ở độ tuổi ngoài 30. Có người bảo tuổi đã lớn, không biết làm được bao nhiêu nữa, mà cơ chế như thế này nên xin nghỉ đi tìm việc trước, có người nói là cuộc sống khó khăn, lương không đủ ăn".
Câu chuyện xiếc “Làng tôi” đang đặt ra với Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng như các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cần phải có những giải pháp hài hòa đối tượng phục vụ. Làm sao để khán giả quốc tế cũng như trong nước đều cảm thấy hứng thú với bộ môn nghệ thuật này, chứ không chỉ quá nghiêng về một đối tượng để rồi như xiếc “Làng tôi”, biểu diễn ở nước ngoài được tung hô, đánh giá cao bao nhiêu thì lại càng khó thích nghi với môi trường biểu diễn trong nước và “hết duyên” ngay trên sân khấu nước nhà./.