Vui xuân tại Bảo tàng Dân tộc học

Hơn 20 người Triêng (dân tộc Gié-Triêng) từ tỉnh Kon Tum đã ra góp vui bằng âm nhạc cồng chiêng kết hợp với vũ điệu tập thể, đồng thời giới thiệu một số loại nhạc cụ khác và một số điệu dân ca của cộng đồng mình

Hôm nay (19/2), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Vui xuân Canh Dần” nhằm tạo điều kiện cho đông đảo du khách, đặc biệt là công chúng ở Thủ đô Hà Nội đi chơi đầu xuân mới trong không gian văn hoá dân gian gồm nhiều sắc màu, âm thanh và hương vị cổ truyền, của những tộc người, những vùng miền khác nhau, để khám phá, thưởng thức, trải nghiệm...

Chương trình diễn ra trong 3 ngày: từ 19 đến 21/2/2010 (tức mồng 6 đến hết mồng 8 tháng Giêng âm lịch; thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật; khai mạc 9:00 mồng 6 Tết).

Các nghệ nhân người Gié-Triêng thổi đinh - tút

Hơn 20 người Triêng (dân tộc Gié-Triêng) từ tỉnh Kon Tum đã ra góp vui bằng âm nhạc cồng chiêng kết hợp với vũ điệu tập thể, đồng thời giới thiệu một số loại nhạc cụ khác và một số điệu dân ca của cộng đồng mình.

Gõ Loỏng của ngươời Thái 

Từ huyện Tương Dương trên miền núi tỉnh Nghệ An, gần 20 người Thái đã đem tới đây nhịp chày khua đuống cùng những điệu cồng trong lễ mừng lúa mới và ngày hội đầu năm. Tại đây, du khách cũng có thể tham gia múa sạp và thưởng thức làn điệu dân ca người Thái. 

Ở khu vực phía trước khuôn viên nhà người Kinh, thuỷ đình là nơi phường rối Hồng Phong (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) biểu diễn rối nước 4 ca mỗi ngày, thể hiện nhiều tích trò hấp dẫn và mang đậm sắc thái đồng quê. Trẻ em được tự mình thử điều khiển những con rối trong sân khấu rối nước thu nhỏ đặt ngay trên sân gạch của ngôi nhà người Kinh.

Bảo tàng cũng mời 2 nhà thư pháp có uy tín đến để đáp ứng nhu cầu “xin chữ” đầu năm của người dân thủ đô.

Đến Bảo tàng trong những ngày này, những người thích tranh Đông Hồ không chỉ được xem nghệ nhân đến từ làng Đông Hồ (Bắc Ninh) trình diễn mà còn được tự tay in tranh để đem về trang trí nhà mình.

Pháo đất

Các trò chơi cũng phong phú và sinh động, cho cả trẻ em và người lớn. Người Kinh có pháo đất, đánh đu, kéo co, đi cà kheo. Người Tày có ném còn. Người Thái có các trò tỏ mạ mằng, ô ăn quan và những hình thức kiểu như chơi cờ còn ít được biết đến: mạc hạp, mả mú xứa, pa mạ na ố, mả hạp, tỏ hốn tá lòn.

Hoạt động hướng dẫn làm đồ chơi cũng được tổ chức, xoay quanh chủ đề hổ như: tô vẽ hổ đất, mặt nạ hổ, nặn hổ bằng bột.

Chương trình Vui xuân Canh Dần ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn đem đến cho công chúng những hương vị đặc sắc của ẩm thực Tày vùng Lạng Sơn, với những món cổ truyền đáng thưởng thức, như: lợn quay lá mác mật, thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường hun khói trên gác bếp, xôi màu, các loại bánh: cóc mò, pẻng khô, khẩu sli… và rượu men lá.

Ngay từ mồng 4 Tết, những người Tày xứ Lạng đã bắt đầu giới thiệu ẩm thực của mình cho du khách tới Bảo tàng.

Ngoài ra, tối nay, Bảo tàng tổ chức đốt cây pháo bông mừng năm mới và biểu diễn rối nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên