Yêu cầu lập phương án bảo quản cụ thể với từng bảo vật quốc gia
Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đề nghị không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích, bảo quản bảo vật quốc gia.
"Việc bảo quản đối với từng bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; việc thực hiện phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của các tổ chức khoa học, chuyên gia vè bảo quản căn cứ theo từng loại hình, chất liệu, tình trạng của bảo vật quốc gia."
Đây là nội dung đáng chú ý tại Văn bản số 1909/BVHTTDL-DSVH của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia.
Ấn có núm hình rồng cuốn, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn. Hiện vật có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn, đã được công nhận là bảo vật quốc gia. (Ảnh minh họa: Vietnam+) |
Theo đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có bảo vật quốc gia, quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc đang trực tiếp quản lý bảo vật quốc gia ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật, kho bảo quản, khu vực trưng bày của bảo tàng và khu vực thuộc di tích - nơi lưu giữ (đặt) bảo vật quốc gia để bảo đảm bảo vật được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia sau khi trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trong đó, đặc biệt lưu ý biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác) để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Yêu cầu đặt ra đối với việc bảo vệ các bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích (như chuông, bia đá, tượng,…) là phải thường xuyên thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành (giữa các cơ quan văn hóa, công an và chính quyền sở tại) trong việc bảo vệ, phân định rõ tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm chính, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích.
Thực tế, sự việc bảo vật quốc gia “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” (tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí) bị hư hại thời gian gần đây là hồi chuông cảnh báo đối với việc bảo quản, tu sửa tác phẩm nghệ thuật nói riêng và các bảo vật quốc gia nói chung.
Bức tranh "Vườn Xuân Bắc Trung Nam" trước khi bị can thiệp (Nguồn: Quỹ Di sản) |
Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho ông Lưu Minh Phụng - một thợ sơn mài ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện việc bảo quản phòng ngừa vệ sinh tác phẩm. Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa của danh họa Nguyễn Gia Trí, ông Lưu Minh Phụng đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh, gây ra hư hại.
Theo báo cáo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, xét ở góc độ hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm đã bị hư hại khoảng 30%. Cụ thể, do bị tác động vào bề mặt làm mất đi lớp sơn bề mặt của tác phẩm nên sự uyển chuyển, tinh tế liên kết giữa các mảng sơn, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng - đặc trưng của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí đã không còn.
Ở góc độ hư hại về vật chất, các mảng vỏ trứng bị mài mòn, bị trơ ra, trắng bệch, trắng vôi, mảng dát vàng bị mài mòn; nét và các mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, trơ, mất đi sự tinh tế uyển nhã đan xen giữa mảng và nét. Góc độ hư hại về vật chất bề mặt tác phẩm khoảng 15%./.