Bài hát “Dáng đứng Bến Tre” và hình ảnh Nữ tướng Nguyễn Thị Định
VOV.VN - Hình ảnh chị Ba Định và “đội quân tóc dài” đã làm cho bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chiếm được cảm tình của khán thính giả.
Năm 1980, trong chuyến công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được nghệ sĩ Trần Thanh Bình (con trai nhạc sĩ Trần Kiết Tường) lái xe đưa về thăm tỉnh Bến Tre. Cùng đi có các nhạc sĩ Phan Nhân, Lưu Cầu và Nguyễn Văn Tý. Chỉ có tôi và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là chưa về Bến Tre, còn 3 anh đã về nhiều lần. Ngồi trên xe cứ nghe Thanh Bình kể về quê hương “Đồng khởi”, kể về nữ tướng Nguyễn Thị Định, kể về các loại dừa Bến Tre… đã làm cho chúng tôi muốn đến ngay, mặc dù xe cứ “ọc ạch” giữa đường mấy lần.
Sau chuyến đi có nhiều kỷ niệm ấy (kể cả Thanh Bình) ai cũng có tác phẩm mới theo chủ đề mà mình chọn. Về Hà Nội chưa đầy một tuần, tôi đã nhận được bản nhạc (kèm theo băng tiếng) “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý do nghệ sĩ Hoàng Mãnh đưa ra. Sau 2 ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” và “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” đậm chất dân ca Xứ Nghệ, thì ca khúc “Dáng đứng Bến Tre” cũng đậm chất dân ca Nam Bộ: “Ôi những con người làm nên Đồng khởi/Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê/ Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre…”. Ngồi nghe bài hát này tôi vừa khâm phục tài sáng tác của tác giả, vừa nhớ đến đất và người Bến Tre.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định. (Ảnh tư liệu) |
Có lẽ ở Việt Nam, chẳng có xứ sở nào lại có địa lý độc đáo như Bến Tre nằm gọn trên ba cù lao lớn là An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh. Trong chín cửa sông Cửu Long thì Bến Tre đã có tới bốn của là cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Và ngày 17/1/1960, trang sử sáng ngời trên đất Mỏ Cày của Bến Tre. Trang sử ấy đã tạo nên một từ mới cho từ điển cách mạng Việt Nam. Đó là “Đồng khởi”.
Bây giờ nói đến Bến Tre, ngoài cái từ mà tổ tiên định danh cho cái xứ sở quê Dừa này, người ta còn gọi đây là “Quê hương Đồng khởi” mà Nguyễn Văn Tý đã viết câu “tóc dài bay trong gió” để chỉ “Đội quân tóc dài” rất dũng cảm của Bến Tre. Nơi “Địa linh nhân kiệt” này đã có bao tên tuổi làm rạng rỡ cho đất nước như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Trương Vĩnh Ký, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Thị Định…
Những năm sau hiệp định Geneva (7/1954), Bến Tre là một trọng điểm bình định ác liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm. Bà Nguyễn Thị Định (sinh năm 1920) là một trong số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ Bến Tre cùng với những đồng chí khác ra sức chèo chống, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn…
Đầu năm 1960, bà là thành viên của “Bộ tham mưu đồng khởi”, người chỉ đạo trực tiếp cuộc “khởi nghĩa điểm” của nhân dân 3 xã: Đình Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày) giành thắng lợi mở đầu cho cao trào đồng khởi trong toàn miền về sau.
Năm 1964, trong Đại hội mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam lần thứ I, bà được bầu làm Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận. Năm 1965, Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam bầu bà làm Chủ tịch. Cũng trong năm này, bà Nguyễn Thị Định được bổ nhiệm giữ chức Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam và được phong quân hàm cấp Thiếu tướng. Hồi ấy Bác Hồ đã nói: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Bà khẳng định được tài năng của mình trong vai trò nữ tướng. Bà đã chỉ huy các đơn vị văn công, tuyên huấn, du kích các cơ quan, đoàn thể tham gia đánh địch, đẩy trận càn Junction City – trận càn lớn nhất của Mỹ ngụy vào tháng 2/1967. Những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt ấy, rừng miền Đông vẫn thấy nữ tướng không mặc quân phục, không đeo quân hàm khi ra trận nhưng tài chỉ huy, lòng trách nhiệm, sự dũng cảm, sự thấu đáo của bà đã góp phần xoay chuyển tình hình từ bị động chuyển sang phòng ngự và chủ động tấn công. Mùa xuân năm 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về thành phố, giải phóng Sài Gòn, giải phóng Miền Nam, nhân dân thành phố và cả nước vẫn nhận ra trong đoàn quân tóc dài có nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1982, bà được bầu làm Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế; năm 1986 giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ngày 26/8/1992, nữ tướng Nguyễn Thị Định đi về cõi vĩnh hằng. Nhân dân Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre đã lập đền thờ bà - người con của quê hương. Để tưởng nhớ bà, nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) – đã cung kính rước bát hương bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền Hai Bà Trưng với niềm tự hào, ngưỡng mộ nữ tướng của thời đại Hồ Chí Minh.
Hình ảnh chị Ba Định và “đội quân tóc dài” của Bến Tre đã làm cho ca khúc “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chiếm được cảm tình của thính giả Đài TNVN. Đúng như ý tưởng ban đầu trong chuyến về thăm Bến Tre năm ấy của người nhạc sĩ tài hoa đã tâm sự. Toàn bài phảng phất giai điệu “Ru con” dân ca Nam Bộ rất thiết tha tình cảm, phần lời cũng đầy chất thơ, rất dễ thuộc dễ nhớ./.