Bạn bè quốc tế đánh giá cao “Festival Âm nhạc mới Á - Âu” tại Việt Nam
VOV.VN - Những chương trình hòa nhạc được dàn dựng công phu cùng sự chu đáo trong khâu tổ chức gây được ấn tượng với các nhạc sĩ và bạn bè quốc tế.
"Festival Âm nhạc mới Á - Âu" đã diễn ra từ ngày 8-12/10 tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh). Trong 5 ngày, Festival đã mang đến cho khán giả và bạn bè quốc tế 7 buổi hòa nhạc với nhiều thể loại, hình thức khác nhau như Giao hưởng, Thính phòng, Dân gian, Dân tộc, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng… cùng một buổi Hòa nhạc dân tộc và Hội thảo với chủ đề "Đào tạo nhạc sĩ sáng tác trong giai đoạn hiện nay".
Sự hội tụ của 200 nhạc sĩ đến từ 30 quốc gia
Mở đầu cho chuỗi chương trình "Festival Âm nhạc mới Á - Âu" là Lễ khai mạc, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 8/10. Những tác phẩm mới sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng như "Dialouge" cho đàn bầu của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, "Điểm hẹn" của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, “Nước mưa” của Marc Batter, “Bản khởi nhạc Hồ Chí Minh” của Rashid Kalimullin... trình diễn, qua sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji.
Tiếp đó, khán giả được thưởng thức những tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ Việt Nam. Cuộc ra quân rầm rộ của Vũ Nhật Tân, Nguyễn Ngọc Tú, Nguyễn Minh Nhật, Đặng Hồng Anh… tạo được sự thích thú cho các nhạc sĩ quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên, các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ trẻ được trình diễn tập trung và chuyên nghiệp. Phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chật kín người đến nghe giao hưởng – thể loại âm nhạc bác học tưởng chừng rất kén người nghe.
Trong những ngày tiếp theo, các chương trình Hòa nhạc đặc biệt của Viện Âm nhạc Nhật – Mỹ, Hòa nhạc thính phòng Việt Nam và Quốc tế, chương trình dành cho các tác phẩm Thính phòng và Hợp xướng, Nhạc trẻ Việt Nam và Quốc tế, Lễ bế mạc đều nhận được rất nhiều tràng vỗ tay hưởng ứng của khán giả.
Đặc biệt là buổi Hoà nhạc dân tộc Việt Nam tại hang Đầu Gỗ. Các nhạc sĩ quốc tế như Geir Johnson (Nauy), Morten Poulsen (Đan Mạch) hay Chad Cannon (Mỹ) đều dùng những từ như “tuyệt vời, ấn tượng” để nói về buổi biểu diễn trong hang Đầu Gỗ - nhà hát thiên nhiên độc nhất vô nhị trên toàn thế giới.
Nhà soạn nhạc Isao Matsushita, Chủ tịch Liên đoàn các nhà soạn nhạc Nhật Bản, Phó chủ tịch của Đại học Nghệ thuật Tokyo, cho biết: “Tôi thực sự cảm thấy ấn tượng với các tác phẩm được trình diễn trong Festival và các sáng tác của nhạc sĩ Việt Nam. Không chỉ đem đến những bản nhạc xuất sắc, thiên nhiên và con người Việt Nam cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó quên”.
“Festival Âm nhạc mới Á – Âu” thành công về chuyên môn và tổ chức
Xuyên suốt Festival, gần 100 tác phẩm được trình bày đã vẽ nên bức tranh sinh động, đầy màu sắc về âm thanh, về tình hữu nghị, đoàn kết và về tài năng của các nhạc sĩ đương đại Á – Âu.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014” cho biết: “Qua trao đổi với nhiều bạn bè quốc tế, họ đánh giá rất cao Festival được tổ chức ở Việt Nam, dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng họ cảm thấy yên tâm và hài lòng”.
Về chuyên môn, các thành viên Hội đồng nghệ thuật từ các nước Trung Quốc, Pháp, Nga… đều đánh giá, “Festival Âm nhạc mới Á – Âu” là một liên hoan âm nhạc có chất lượng cao với sự đa dạng về thể loại và sự phong phú về ngôn ngữ âm nhạc. Mỗi tác phẩm được lựa chọn vào chương trình đều mang dấu ấn và hơi thở của mỗi quốc gia, cùng với đó là sự hòa nhập giữa nền âm nhạc mới của châu Á và châu Âu.
“Không có quá nhiều sự cách biệt về mặt kỹ thuật sáng tác, tư duy sáng tác hay chủ đề của các tác phẩm. BTC Festival đã phải làm việc hết sức vất vả để có thể lựa chọn và sắp xếp từng chương trình cho hợp lý. Không chỉ nhạc sĩ, mà các nghệ sĩ biểu diễn đến từ nhiều quốc gia cũng rất hài lòng khi là những người đầu tiên được trình diễn những sản phẩm âm nhạc có chất lượng tốt khán giả” – NSƯT Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thành viên BTC Festival nói.
Về các tác phẩm của Việt Nam được trình diễn trong “Festival Âm nhạc mới Á – Âu”, nhạc sĩ Rashid Kalimullin, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Tatarstan, Tổng thư ký của Hội Nhạc sĩ Nga cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên và thán phục với các tác phẩm thể hiện tư duy cao về sáng tác khí nhạc. Đặc biệt là cách đưa ý tưởng, thông qua kỹ thuật của dàn nhạc đến với khán giả. Các nhạc sĩ trẻ được đào tạo chuyên nghiệp của Việt Nam có một tiềm năng để phát triển rất tốt”.
Góp phần vào thành công của Festival còn phải nói đến công tác tổ chức. Với một lượng lớn nhạc sĩ tham dự, cùng lịch trình dày đặc chỉ trong 5 ngày, BTC đã phải làm việc vài tháng trời để lên lịch tập luyện và sắp xếp việc ăn, ở, đi lại của các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong thời gian ở Việt Nam. Đặc biệt, công tác truyền thông cũng góp một phần không nhỏ vào việc kéo khán giả tới gần hơn với khí nhạc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết thêm: “Nếu có điều gì phải rút kinh nghiệm trong Festival thì đó chính là vấn đề cơ sở vật chất. Chúng ta không có nhiều phòng hòa nhạc, giao hưởng đạt được chất lượng chuẩn như Nhà hát Lớn hay Phòng hòa nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) để trình diễn. Nhưng nhìn chung, Festival đã để lại cho bạn bè quốc tế những ấn tượng tốt đẹp. Chia tay nhau ở đây, nhưng tôi hy vọng các nhạc sĩ sẽ mãi lưu giữ hình ảnh đất nước – con người và văn hóa của Việt Nam”./.