Vì sao châu Âu vẫn gặp khó khi tăng cường năng lực quốc phòng?

VOV.VN - Gần đây, châu Âu đã dành hàng tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, nhưng các công ty sản xuất của khu vực này không có nguồn cung cấp linh kiện, sự điều phối hoặc tốc độ để đáp ứng nhu cầu thời chiến.

Châu Âu dồn sức vào năng lực quốc phòng

Những nỗ lực của châu Âu nhằm cải tổ quân đội vốn thường xuyên trong tình trạng thiếu thiết bị quân sự đã cho thấy một ngành công nghiệp quốc phòng trong thời bình không đủ trang bị để cung cấp vũ khí nhằm đề phòng trước các mối đe dọa từ Nga.

Nói cách khác, ở châu Âu hiện không có đủ đạn dược, vũ khí và hệ thống công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của EU và những mối đe dọa trong tương lai. Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhu cầu quốc phòng của EU ngày càng tăng cao. Các nước EU đã cam kết chi hơn 230 tỷ euro để hiện đại hóa kho vũ khí.

Bên cạnh các mối đe dọa từ Nga, lý do khiến châu Âu tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng là sự thúc đẩy từ nhiều quốc gia châu Âu hùng mạnh muốn đảm bảo lục địa không phải phụ thuộc vào các nước có nền công nghiệp quốc phòng lớn như Mỹ để bảo vệ biên giới của mình. Những sự kiện gần đây như Tổng thống Nga Putin phát lệnh huy động một phần, mối đe dọa hạt nhân từ Nga và vụ rò rỉ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc đã làm gia tăng các mối đe dọa đối với EU.

Các công ty quốc phòng châu Âu đang cố gắng tăng cường sản xuất và nâng cao năng lực. Châu Âu cũng có nhiều hợp đồng với các nước như Mỹ và Hàn Quốc.

Micael Johansson, Giám đốc Điều hành của Công ty Quốc phòng Thụy Điển Saab, nơi sản xuất tên lửa chống tăng NLAW, cho biết: “Hiện nay công ty chúng tôi đang đầu tư hàng trăm triệu USD để đảm bảo đáp ứng nhu cầu quốc phòng của châu Âu”.

Tuy nhiên, việc giải quyết những thách thức an ninh tại châu Âu cần có sự gắn kết của 27 quốc gia thành viên EU. Một số chuyên gia cho rằng nếu không làm như vậy, cuộc xung đột sẽ trở nên căng thẳng hơn.

“Đang có xung đột ở châu Âu. Châu Âu cần phải đoàn kết chống lại Nga, nếu không sẽ không có hòa bình”, Riho Terras, một thành viên Nghị viện Châu Âu và là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, cho biết.

Lucie Beraud-Sudreau, Giám đốc Chương trình chi tiêu quốc phòng và vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cho biết, nhu cầu an ninh ngày càng cao của châu Âu là một phần của xu hướng toàn cầu khi ​​chi tiêu quân sự tăng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng 0,7% trong năm 2021. Theo đó, các nước đã chi tổng 2.113 tỷ USD cho quân đội của mình. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chi tiêu cho quốc phòng toàn cầu vượt 2.000 tỷ USD/năm và dường như sẽ tăng hơn nữa khi các nước châu Âu tăng cường năng lực quân sự sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. 

“Chi tiêu quốc phòng đã tăng đáng kể sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2. Châu Âu vẫn đang bổ sung và đổi mới kho vũ khí hiện có”, bà Lucie Beraud-Sudreau nói.

Tuy nhiên, những loại vũ khí phức tạp mất rất nhiều năm để sản xuất ở châu Âu và một số vũ khí tiên tiến cũng chỉ có ở nước ngoài.

“Vấn đề của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu là đã sản xuất vũ khí phức tạp với số lượng rất nhỏ trong một thời gian dài, phù hợp với tình hình thời bình. Nhưng môi trường an ninh đã thay đổi, châu Âu cần phải đầu tư hàng tỷ USD vào quốc phòng”, David Chour, Giám đốc Tài chính của nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Cộng hòa Séc cho biết.

Điểm yếu của châu Âu

Pháp từ lâu đã là một trong những nước châu Âu ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập một mạng lưới phòng thủ tự đứng vững, một khái niệm được gọi là “quyền tự chủ chiến lược”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa khái niệm này vào tình hình hiện tại, kêu gọi các nước láng giềng thiết lập một “nền kinh tế chiến tranh”.

“Pháp có một ngành công nghiệp quốc phòng rất phức tạp trên hầu hết các lĩnh vực. Chính phủ mới của Pháp cũng đã sử dụng việc bán thiết bị quân sự để đảm bảo mối quan hệ chính trị với các quốc gia khác”, Tom Waldwyn, nhà nghiên cứu quốc phòng từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.

EU và Cơ quan Quốc phòng châu Âu bắt đầu giảm thuế vào năm 2015 để khuyến khích các quốc gia thành viên mua hàng nội địa. Gần đây, EU đã phát động một quỹ trị giá 500 triệu euro để chi trả cho các hoạt động mua sắm chung nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, những nỗ lực này lại không đủ so với nhu cầu hoặc chi phí thực tế của việc mua sắm vũ khí lớn.

Một trong những điểm yếu an ninh lớn nhất của châu Âu là sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, một tổ chức tư vấn kinh tế có trụ sở tại Munich, báo cáo rằng gần một nửa sản xuất của Đức phụ thuộc vào các nguyên liệu đầu vào chính từ Trung Quốc.

Châu Âu chỉ chiếm 10% thị trường vi mạch toàn cầu, thứ cần thiết cho các hệ thống phòng thủ. EU đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số này, nhưng các quan chức quốc phòng cảnh báo rằng số tiền dành cho nỗ lực này hiện không đủ. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu thế hệ tiếp theo của các thiết bị quân sự đòi hỏi nhiều công nghệ hơn.

Chuyên gia Johansson cho biết, công ty của ông nhận vi mạch từ Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) TSMC - nhà sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới.

“Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Thật khó khăn khi chúng ta phụ thuộc vào các chất bán dẫn phức tạp”, ông Johansson nói.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là EU sẽ có thể hành động tập thể hoặc một cách nhanh chóng. Các quyết định mua sắm quốc phòng được đưa ra ở cấp quốc gia, tùy thuộc vào nhu cầu và ảnh hưởng của mỗi nước.

“Việc đưa ra quyết định mua thiết bị quân sự phụ thuộc vào từng quốc gia. Không có cách nào để buộc các nước phải hợp tác với nhau”, ông Johansson nói thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Châu Âu “loay hoay” bài toán năng lượng khi chưa thể áp giá trần khí đốt
Châu Âu “loay hoay” bài toán năng lượng khi chưa thể áp giá trần khí đốt

VOV.VN - Chưa thể thống nhất phương án áp giá trần khí đốt, khó khăn trong việc tìm kiếm những bản hợp đồng mua bán mới, hay những tranh cãi nhau về lợi ích công bằng – lãnh đạo các nước EU đang “loay hoay” với bài toán năng lượng “chưa lời giải” khi trừng phạt Nga.

Châu Âu “loay hoay” bài toán năng lượng khi chưa thể áp giá trần khí đốt

Châu Âu “loay hoay” bài toán năng lượng khi chưa thể áp giá trần khí đốt

VOV.VN - Chưa thể thống nhất phương án áp giá trần khí đốt, khó khăn trong việc tìm kiếm những bản hợp đồng mua bán mới, hay những tranh cãi nhau về lợi ích công bằng – lãnh đạo các nước EU đang “loay hoay” với bài toán năng lượng “chưa lời giải” khi trừng phạt Nga.

Pháp dự kiến tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục trong bối cảnh xung đột Ukraine
Pháp dự kiến tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục trong bối cảnh xung đột Ukraine

VOV.VN - Theo dự luật ngân sách năm 2023, ngân sách quốc phòng của Pháp dự kiến sẽ được nâng lên mức cao kỷ lục từ trước đến này với 43,9 tỷ euro để nâng cao năng lực chiến đấu và hiện đại hóa quân đội trước nguy cơ xung đột tại Ukraine có thể lan rộng.

Pháp dự kiến tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục trong bối cảnh xung đột Ukraine

Pháp dự kiến tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục trong bối cảnh xung đột Ukraine

VOV.VN - Theo dự luật ngân sách năm 2023, ngân sách quốc phòng của Pháp dự kiến sẽ được nâng lên mức cao kỷ lục từ trước đến này với 43,9 tỷ euro để nâng cao năng lực chiến đấu và hiện đại hóa quân đội trước nguy cơ xung đột tại Ukraine có thể lan rộng.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hoàn thành mục tiêu tấn công tên lửa tại Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hoàn thành mục tiêu tấn công tên lửa tại Ukraine

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/10 tuyên bố, mục tiêu của cuộc tấn công bằng tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao đã đạt được, tất cả các mục tiêu được chỉ định đều bị nhắm trúng.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hoàn thành mục tiêu tấn công tên lửa tại Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hoàn thành mục tiêu tấn công tên lửa tại Ukraine

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/10 tuyên bố, mục tiêu của cuộc tấn công bằng tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao đã đạt được, tất cả các mục tiêu được chỉ định đều bị nhắm trúng.