Bế mạc Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019

VOV.VN - Với hơn 100 tiết mục được dàn dựng công phu, Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh 2019 đã để lại nhiều ấn tượng khó quên cho khán giả.

Sau hơn 6 ngày tranh tài của 10 đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc với hơn 100 tiết mục đặc sắc, Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh 2019 đã chính thức khép lại vào tối 25/7 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị. 

Lễ Bế mạc Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019 diễn ra vào tối 25/7. 

Các chương trình được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng và bám sát chủ đề, đã làm sống lại những khoảnh khắc lịch sử đầy hào hùng của cách mạng Việt Nam trên cung đường huyền thoại đường 9 Khe Sanh. Đó là những đóa hoa đẹp nhất dâng tặng những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các anh chị em nghệ sĩ trong những ngày tháng 7 lịch sử này.

Đến dự Lễ Bế mạc, về phía trung ương có: ông Nguyễn Ngọc Thiện, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo – Trưởng ban Tổ chức Liên hoan; Về phía tỉnh Quảng Trị có: ông Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Trị; ông Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Trị; ông Hoàng Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Trị, Thành viên Ban Chỉ đạo Liên hoan.

Các đại biểu tham dự Lễ Bế mạc Liên hoan. 

Mở đầu Lễ Bế mạc là chương trình nghệ thuật “Vòng tay hữu nghị Campuchia - Lào - Việt Nam” gồm một số tiết mục đặc sắc của các đơn vị nghệ thuật Việt Nam và 02 đơn vị khách mời: Đoàn Nghệ thuật Quốc gia Lào và Đoàn Nghệ thuật Campuchia. Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam mở màn với tiết mục hòa tấu “Trên đường ra trận” (sáng tác: NSƯT Trường An -  NSƯT Anh Tuấn). 

Các nghệ sĩ đến từ đất nước Campuchia đóng góp hai tiết mục: ca khúc “Loving in the night” (biểu diễn: So Sa-vo-eum) là một ca khúc nổi tiếng, được rất nhiều người Campuchia yêu thích và tiết mục múa “Mustached Barbet” (Vũ điệu chiom Paol xinh đẹp) ca ngợi cuộc sống, thiên nhiên con người Campuchia. Các nghệ sĩ đến từ nước bạn Lào biểu diễn giao lưu tiết mục múa “Vũ điệu Kalor” -  một điệu múa đặc sắc của Lào và bài hát “Viêng Chăn mac hua chay – Viên Chăn là trái tim tôi”  (sáng tác: Sutan) do ca sĩ Khamta Anuson thể hiện.

Các nghệ sĩ đến từ nước bạn Lào biểu diễn giao lưu tiết mục múa “Vũ
điệu Kalor” - một điệu múa đặc sắc của Lào và bài hát “Viêng Chăn mac hua chay –Viên Chăn là trái tim tôi” (sáng tác: Sutan) do ca sĩ Khamta Anuson thể hiện.

Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội với tiết mục song ca “Những bông hoa hoả tuyến” (sáng tác: Đức Trịnh, biểu diễn: Cẩm Tú - Lan Anh). Ca khúc: “Việt Nam - Lào - Campuchia” (sáng tác: Ngài Chan Chea) ca ngợi tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó mãi mãi bền chặt giữa ba nước do tốp ca nam nữ Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Kon Tum cùng toàn thể diễn viên Lào và Campuchia biểu diễn trong tiếng vỗ tay không ngớt của các đại biểu, nghệ sĩ và khán giả đã khép lại chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa.

Ca khúc: “Việt Nam - Lào - Campuchia” (sáng tác: Ngài Chan Chea) ca ngợi tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó mãi mãi bền chặt giữa các ba nước do tốp ca nam nữ Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Kon Tum cùng toàn thể diễn viên Lào và Campuchia biểu diễn. 

Liên hoan lần này đa dạng và phong phú về loại hình nghệ thuật, bao gồm: hát, múa, đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, múa độc lập, hòa tấu nhạc cụ. Các tiết mục trong chương trình đã bám sát với chỉ đạo về nội dung tư tưởng: chủ đề đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương đất nước, tình hữu nghị các dân tộc, các quốc gia láng giềng anh em.

Với sự sắp xếp khoa học, sáng tạo trong điều hành của Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các đoàn có thời gian chuẩn bị sân khấu, luyện tập trước nên chất lượng của các chương trình đều đạt kết quả, tiếp thêm động lực cho nghệ sĩ thể hiện hết tài năng của mình.

Chương trình “Chuyện chưa kể” của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. 

Thay mặt Hội đồng Nghệ thuật, NSƯT Quốc Hưng đã có những nhận định về chất lượng của Liên hoan năm nay: “Nhiều chương trình có chất lượng cao, các đơn vị mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo cả nghệ thuật biểu diễn lẫn hình thức thể hiện để vươn lên là những điểm sáng của Liên hoan, phải kể đến:"Chuyện chưa kể" của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam về đề tài đấu tranh cách mạng, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH. Là một câu chuyện có thật về các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát đã từng tham gia chiến đấu và biểu diễn trên cung đường 9 Khe Sanh. Chương trình được chuẩn bị kỹ về khâu kịch bản văn học, là sự xuyên suốt của ngôn ngữ âm nhạc, múa, ca, tổng hòa của một chương trình nghệ thuật hoành tráng, chất lượng từ thiết kế mỹ thuật đến âm thanh, ánh sáng....

NSƯT Quốc Hưng – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật phát biểu tổng kết nghệ thuật. 

Ở liên hoan lần này các đoàn đã thực sự quan tâm đầu tư cho dàn nhạc, phối khí, đây là việc đáng khen ngợi và khuyến khích. Đã xuất hiện những dàn nhạc hỗn hợp, kết hợp điện tử với nhạc cụ dân tộc, dây, kèn, có trình độ chuyên môn cao, được dàn dựng mới lạ, điều đó đã mang đến thành công của nhiều chương trình: “Bản hùng ca giữ nước” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, “Chuyện chưa kể” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, “Những người con của đá” của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, “Tiếng hát từ cột mốc Ba Biên” của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Kon Tum..

Ngoài những nhạc sĩ dày dạn kinh nghiệm sáng tác như Huỳnh Tú, Xuân Thủy, Lê Anh, Quốc Đạt, Đức Trịnh…còn có sự xuất hiện của các nhạc sĩ trẻ, tài năng như Hồ Trọng Tuấn, Dương Cầm, Hoàng Anh, Đức Nghĩa, Ngô Sĩ Tùng….đã đóng góp cho Liên hoan những tác phẩm độc đáo, hiện đại mà rất dân tộc.

Xuất hiện nhiều giọng ca đẹp được trang bị, đào tạo cơ bản, được công chúng mến mộ, biết cách chọn bài, xử lý tốt, hát truyền cảm...”.  

Hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao vai trò của các biên đạo, diễn viên múa. Trình độ của các đoàn không chênh lệch nhiều, kỹ thuật và cảm xúc của diễn viên có nhiều tiến bộ và thành công đáng kể. Đặc biệt có những tiết mục múa trở thành điểm nhấn của chương trình, các tập thể diễn viên múa đồng đều hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn. Bên cạnh những biên đạo thành danh vẫn giữ được giá trị nghệ thuật, phong độ sáng tác còn xuất hiện các biên đạo trẻ ở cả trung ương lẫn địa phương có tư duy sáng tạo đã làm nên những tác phẩm múa với ý tưởng mới, gắn liền với văn hóa dân tộc.

Các đạo diễn đã tìm được những ý tứ, điểm nhấn cho chương trình, gây hiệu quả đặc biệt, chinh phục cả người xem và Hội đồng Nghệ thuật.

Bên cạnh những ưu điểm, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cũng chỉ ra một số hạn chế của Liên hoan đó là: nhiều đoàn vẫn sử dụng cách dàn dựng thống nhất: mở đầu bằng hát, múa đơn ca; có chương trình chưa chuẩn bị tốt về khâu chọn tác phẩm, trang phục; nhiều sáng tác còn thiếu „đất“ cho ca sĩ thể hiện tài năng của mình; một số đơn vị còn lạm dụng âm thanh quá to, phun khói nhiều che khuất nghệ sĩ biểu diễn; ít tác phẩm khí nhạc độc lập trong liên hoan lần này.

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã khẳng định kết quả và ý nghĩa của Liên hoan:  “Sau một tuần sáng tạo nghệ thuật hào hứng, sôi nổi, với niềm tự hào, ý thức gìn giữ, phát huy những di sản tinh thần quý báu mà lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của cha ông ta hun đúc trong lời ca, điệu nhạc. "Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019” - đề tài đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại Quảng Trị đã thành công tốt đẹp.

NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phát biểu tại buổi bế mạc. 

Thông qua hơn 100 tác phẩm Ca, Múa, Nhạc với đa dạng phương pháp thể hiện, các chương trình, tiết mục của Liên hoan đã góp phần giúp lớp khán giả trẻ sinh ra và trưởng thành trong thời bình xây đắp thêm niềm tự hào về quá khứ để cùng chung sức chung lòng, cống hiến nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Liên hoan thật sự là môi trường sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp để khích lệ các các nghệ sỹ ca múa nhạc toàn quốc tiếp tục đầu tư tâm huyết, sáng tác và biểu diễn các tác phẩm mới về đề tài đấu tranh cách mạng, ca ngợi công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong quá khứ và hiện tại với phong cách phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật của khán giả thời đại toàn cầu hoá”.

NSND Phạm Ngọc Khôi trao Huy chương Vàng cho các tiết mục. 

Ban Tổ chức đã trao huy chương Vàng, huy chương Bạc cho các tiết mục và chương trình xuất sắc, trong đó có: 03 huy chương Vàng dành cho các chương trình: “Chuyện chưa kể” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, “Bản hùng ca giữ nước” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, “Những người con của đá” của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang; 02 huy chương Bạc dành cho 02 chương trình “Vang mãi bản hùng ca đường 9” của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị, “Tiếng hát từ cột mốc Ba Biên” của Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Kon Tum và trao giải Chương trình xuất sắc về thể loại Opera cho vở nhạc kịch “Lá đỏ” của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ông
Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND Tỉnh Quảng Trị trao Huy chương Vàng cho các đơn vị. 

Hội đồng Nghệ thuật trao các giải thưởng dành cho thành phần sáng tạo:  Chỉ huy dàn nhạc xuất sắc: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với vở nhạc kịch “Lá đỏ” (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc: Thượng tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh) với chương trình “Bản hùng ca giữ nước” (Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội); Đạo diễn xuất sắc: Trường Bắc (Lã Văn Bắc) với chương trình “Chuyện chưa kể” (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam); Nhạc sĩ xuất sắc: NSƯT Hoàng Anh với chương trình “Vang mãi bản hùng ca đường 9” (Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị); Họa sĩ xuất sắc nhất: NSƯT Hoàng Hà Tùng vở nhạc kịch “Lá đỏ” (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam); Biên đạo múa xuất sắc: Phương Linh, NSƯT Quỳnh Dương, Huy Thông với chương trình “Chuyện chưa kể” (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam)

“Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh - 2019” đã khép lại với những dư âm tốt đẹp trong lòng khán giả Quảng Trị và nghệ sĩ, diễn viên 03 nước Campuchia - Lào - Việt Nam, thắt chặt quan hệ và tình đoàn kết giữa 3 nước. Liên hoan đã trở thành một thương hiệu riêng để nhắc nhớ mỗi khi tháng 7 về, nghệ sĩ cả nước lại hướng về vùng đất lửa Quảng Trị với tấm lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Giải phóng Hướng Hóa
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Giải phóng Hướng Hóa

VOV.VN - Cách đây 50 năm, tiếng pháo mở màn cho chiến dịch lịch sử Đường 9 - Khe Sanh của quân ta rền vang...

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Giải phóng Hướng Hóa

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Giải phóng Hướng Hóa

VOV.VN - Cách đây 50 năm, tiếng pháo mở màn cho chiến dịch lịch sử Đường 9 - Khe Sanh của quân ta rền vang...

Khai mạc Liên hoan tiếng hát Đường 9 Xanh 2019
Khai mạc Liên hoan tiếng hát Đường 9 Xanh 2019

VOV.VN -Lễ Khai mạc Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019 đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Trị tối 20/7.

Khai mạc Liên hoan tiếng hát Đường 9 Xanh 2019

Khai mạc Liên hoan tiếng hát Đường 9 Xanh 2019

VOV.VN -Lễ Khai mạc Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019 đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Trị tối 20/7.

Hơn 10 đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan Tiếng hát “Đường 9 Xanh 2019“
Hơn 10 đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan Tiếng hát “Đường 9 Xanh 2019“

VOV.VN - Liên hoan Tiếng hát "Đường 9 Xanh" và chương trình nghệ thuật "Cung đường huyền thoại" sẽ diễn ra từ 20 - 26/7 tại tỉnh Quảng Trị. 

Hơn 10 đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan Tiếng hát “Đường 9 Xanh 2019“

Hơn 10 đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan Tiếng hát “Đường 9 Xanh 2019“

VOV.VN - Liên hoan Tiếng hát "Đường 9 Xanh" và chương trình nghệ thuật "Cung đường huyền thoại" sẽ diễn ra từ 20 - 26/7 tại tỉnh Quảng Trị.