Bữa tiệc âm nhạc mãn nhãn, đầy cảm xúc của Tùng Dương sau 20 năm ca hát
VOV.VN - Với những màn trình diễn thăng hoa cùng sự đầu tư công phu về mặt sân khấu, live concert 20 năm ca hát của Tùng Dương đã đưa khán giả bước vào một thế giới âm nhạc lung linh, đầy sắc màu và ngập tràn cảm xúc.
Tối 25/11, live concert kỷ niệm chặng đường 20 năm ca hát của ca sĩ Tùng Dương đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Với số bài hát kỷ lục lên tới 30 ca khúc, được chia thành 4 chương với 4 màu sắc riêng biệt, khán giả đã có cơ hội xuyên suốt con đường nghệ thuật của Divo làng nhạc Việt. Đặc biệt sự góp giọng của các ca sĩ khách mời: Diva Thanh Lam, Diva Hà Trần, ca sĩ Uyên Linh, ca sĩ Đào Tố Loan và rapper Hà Lê đã mang tới những tiết mục bùng nổ, thoả mãn cảm xúc của 4.000 khán giả.
Trong chương mở đầu show diễn, Tùng Dương đã vẽ nên những ký ức thuở ban đầu, khi anh bắt đầu con đường ca hát chuyên nghiệp. Bản mashup "Trời và đất - Mang thai" (Lưu Hà An - Sa Huỳnh) được anh lựa chọn để mở màn. Sở hữu phong cách đậm chất ma quái, dị biệt và giọng hát đầy nội lực, nam ca sĩ khiến khán giả phải “nổi da gà” ngay từ những tiếng hát đầu tiên. Nếu như “Trời và đất” mang đến một Tùng Dương đầy ma mị thì “Mang thai” lại mang tới một Tùng Dương đầy nhẹ nhàng, sâu lắng. Thế nhưng, đó mới chỉ là sự mở đầu cho tài biến hoá đa sắc của chàng ca sĩ Hà Nội.
Với “Em ơi Hà Nội phố” (Phú Quang), Tùng Dương da diết, hoài niệm đầy yêu thương về một Hà Nội êm đềm, đầy ắp những kỷ niệm, từ mùi mùi hoa sữa, con đường vắng cho đến cây bàng mồ côi mùa đông, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tiếng chuông ngân. Ở đó, còn có lời tri ân sâu sắc mà Tùng Dương gửi gắm đến cố nhạc sĩ Trần Hoàn qua ca khúc “Em nghĩ gì khi mùa xuân đến”, là lời bộc bạch thau nỗi lòng của một người con xa xứ qua “Đường xa tuyết trắng” của tác giả Lê Anh Dũng.
Nhìn lại chính mình của 20 năm về trước, Divo làng nhạc Việt không khỏi thảng thốt: “20 năm không phải là một chặng đường quá dài. Nhưng đối với người nghệ sĩ thì đó là một khoảng thời gian mà bản thân họ phải tự thai nghén cho mình những va vấp với cuộc đời. Nhìn lại mình của 20 năm về trước, Tùng Dương thấy thoảng thốt lắm. Thế nhưng 20 năm sau, đứng trước quý vị giờ đây đã là một Tùng Dương vững chãi và trưởng thành hơn. Tùng Dương luôn mong bằng tất cả tình yêu thương, tiếng hát của mình sẽ chạm tới trái tim quý vị khán giả”, nam ca sĩ bày tỏ với khán giả.
Kết hợp cùng giọng ca giàu cảm xúc Uyên Linh, Tùng Dương như tìm lại khoảnh khắc lãng mạn, nhẹ nhàng, đắm say qua màn song ca “Chỉ là giấc mơ” (Kim Ngọc). Uyên Linh từng chia sẻ, Tùng Dương là người “quá khủng”, khủng cả về giọng hát lẫn show diễn. Anh cũng là người truyền cảm hứng cho cô bởi tính cách không ngừng sáng tạo và làm khó mình. Sở hữu một giọng ca nội lực, Quán quân Vietnam Idol mùa 3 thể hiện rõ sự tự tin khi đứng chung sân khấu với Divo nhạc Việt.
Bước sang chương hai, khán giả đã có dịp nhìn lại một Tùng Dương với những dấu ấn rực rỡ tại Sao Mai điểm hẹn - cuộc thi như bệ phóng giúp cái tên Tùng Dương được nhiều người biết đến ở tuổi đôi mươi. Gần 10 năm mới có dịp đứng chung sân khấu, Tùng Dương và nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã cùng nhau vẽ nên bức tranh thôn quê thân thuộc với “Ôi quê tôi” (Lê Minh Sơn). Không dừng lại ở đó, Tùng Dương tiếp tục gợi sự nhớ thương làng quê, luỹ tre, bờ đê tới khán giả qua sáng tác “Quê nhà” của nhạc sĩ Trần Tiến, rồi lại đem đến xúc động bồi hồi khi hát về “Mẹ tôi” (Trần Tiến). Bằng chất giọng nội lực, nồng nàn, những câu hát của Tùng Dương đã len lỏi vào trái tim người nghe.
Quả thực, nam ca sĩ đã thành công khi đưa khán giả của mình đi tìm lại tình yêu, mảnh ký ức về với quê hương, lũy tre, bến nước, nơi có bóng mẹ liêu xiêu, nơi có tuổi thơ đẹp như những giấc mơ. Hát lại những ca khúc này trong liveshow, giọng của Tùng Dương vẫn nội lực, tinh quái và ma mị như thời Sao Mai điểm hẹn nhưng không còn quằn quại mà đã tĩnh tại, trưởng thành và làm chủ cảm xúc và sân khấu ở đẳng cấp khác.
Gác lại những xúc động, bồi hồi, sự xuất hiện của Á quân Ca sĩ mặt nạ trong show diễn tiếp tục mang đến một sắc màu mới lạ trên sân khấu. “Mưa bay tháp cổ” (Trần Tiến) và “Bão hoà” (Sa Huỳnh) chính là minh chứng thiết thực nhất. Đó là sự kết tinh nghệ thuật tuyệt vời và thăng hoa từ hai nghệ sĩ. Có lẽ đúng với cái tên “Bão hoà”, nguồn mạch âm nhạc từ bên trong đã đem đến cho họ một tiết mục song ca hoà quyện, như cách mà Tùng Dương vui đùa với Hà Trần: “Em bão hoà chính em để kết tinh anh”.
Nếu như Diva Hà Trần là một tri kỉ đồng cảm, gợi mở và luôn khuyến khích Tùng Dương trong việc sáng tạo nghệ thuật thì Diva Thanh Lam lại là một người có sự ảnh hưởng với Tùng Dương ở giai đoạn đầu, khi anh bắt đầu đi hát. Tình bạn đẹp trong âm nhạc ấy một lần nữa được bùng nổ trên sân khấu với “Đá trông chồng” (Lê Minh Sơn) và "Giăng tơ" (Lưu Hà An). Hai giọng hát hoang dại không biên giới đã làm bùng cháy sân khấu với những tiếng hò reo không ngớt và những tràng vỗ tay ròn rã không thôi.
Ở chương thứ ba, Tùng Dương khiến nhiều khán giả bất ngờ khi cover một số bản hit của các ca sĩ trẻ như: Ai chung tình được mãi, Nàng thơ, Ngày chưa giông bão…Với Tùng Dương, anh luôn coi đây là cuộc dạo chơi để thấy mình trẻ hơn, thu hút nhiều khán giả hơn. Nam ca sĩ từng nghĩ rằng mình chỉ cần nghệ thuật thôi, không cần đại chúng trước khi nhận ra thế nào là “nghệ thuật vị nhân sinh” và mỗi nghệ sĩ đều cần cân bằng cả hai. Vì vậy, anh giờ không ngại thử nghiệm hát nhạc xưa hay nhạc trẻ. Anh còn đưa vào phần này một số ca khúc ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh, thể hiện sự trưởng thành nhờ trải nghiệm trong cuộc sống riêng của mình như: “Nếu là nữ biết đâu anh là em” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Cỏ và mưa” (Giáng Son).
Kết lại chương thứ tư chủ đề Giao thoa và đương đại, Tùng Dương đã mang tới một bản opera kinh điển "The phantom of the opera" cùng ca sĩ Đào Tố Loan, rồi cùng rapper Hà Lê hát “Con người” (Bùi Caroon) - bài hát mang đậm triết lý nhân sinh. Nam ca sĩ cũng lần đầu mang lên sân khấu ca khúc “Gieo mầm” do mình tự sáng tác.
Với Tùng Dương, “Gieo mầm” như một bản tổng kết cho 20 năm sự nghiệp của bản thân. Ca khúc được anh phô diễn nội lực với thể loại rock sở trường đồng thời giúp anh truyền tải thông điệp tích cực về cuộc sống, về những hạt mầm tích cực. Và với bản mashup "Con cò - Chiếc khăn Piêu - Oa oa" khép lại liveshow, Tùng Dương dường như muốn ám chỉ về sự tái sinh trong âm nhạc của mình sau 20 năm ca hát. Đó sẽ vẫn là Tùng Dương nhiều màu sắc nhưng đại chúng hơn.
Có thể thấy trong liveshow, Tùng Dương đã thể hiện đẳng cấp của mình ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đó là tài biên tập nội dung nhằm truyền tải ý niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai trong âm nhạc, là sự lồng ghép những triết lý nhân sinh, thông điệp tích cực về cuộc đời và con người. Anh cũng thể hiện khả năng chinh phục tất cả các dòng nhạc, từ nhạc trữ tình đến dân gian đương đại đến khả năng hát nhạc kịch đỉnh cao.
Quả thực, “Tùng Dương - live concert” đã khắc họa Tùng Dương một cách đa sắc. Đó cũng là bước tiến dài của anh so với thời mới bước chân vào nghề, từ một chàng trai ôm khư khư quan điểm chỉ hát nhạc diva, bộ tứ sông Hồng hay những ca khúc thể hiện cá tính nay đã biết cân bằng giữa nghệ thuật và thị trường.
Được biết, đây là liveshow lớn nhất trong chuỗi các chương trình mà Tùng Dương đã thực hiện. Bởi vậy không chỉ để khán giả cảm thán vì tiếng hát nội lực, Tùng Dương còn mang đến một khấu tuyệt đẹp làm mãn nhãn người xem. Đó là sự kết hợp của công nghệ ánh sáng 3D mapping, những màn đu dây, nhào lộn, múa đương đại được sắp đặt khéo léo,… Tất cả các mảnh ghép ấy đã góp phần tạo nên một không gian mộng mị, siêu thực với nhiều hiệu ứng ảo, đẹp và gây ấn tượng mạnh về thị giác. Đặc biệt, nam ca sĩ còn biến sân khấu thành show diễn thời trang của chính mình với 7 bộ trang phục cầu kỳ và lộng lẫy.
“Tùng Dương - live concert” như một lần nữa ghi dấu ấn thăng hoa của Tùng Dương trên sân khấu, thêm một lần nữa để Tùng Dương khẳng định mình trên con đường âm nhạc đầy riêng biệt và thêm một lần để Tùng Dương gửi lời tri ân tới những khán giả yêu mến mình./.