Sự xuất hiện của những nghệ sĩ của thế hệ Z như tlinh, Mỹ Anh, Wren Evans… khiến công chúng không khỏi trầm trồ bởi sự đầu tư âm nhạc chất lượng về cả mặt hình ảnh và âm thanh. Họ có tư duy làm nhạc mới lạ, độc đáo, mang đậm những dấu ấn cá nhân qua từng tác phẩm. Cái tôi của những ca sĩ trẻ được bộc lộ trực tiếp, thẳng thắn, đầy tự tin nhưng cũng rất nghệ thuật. 

Là thế hệ đầu tiên được tiếp xúc với Internet từ khi còn nhỏ, Gen Z hào hứng học hỏi kỹ năng và tìm hiểu những góc nhìn mới đa chiều và toàn cầu. Khi nói đến ca sĩ Gen Z, công chúng thường liên tưởng đến hình ảnh đầy cá tính, sáng tạo và đặc biệt nhạy cảm với xu hướng quốc tế, đi kèm khả năng “multitask" - có thể tự hát, sáng tác, làm nhạc, thậm chí là đạo diễn MV. Đây được xem như cách để các nghệ sĩ trẻ định vị thương hiệu cá nhân, cũng như phần nào phản ánh bức chân dung của thế hệ Z: Đa tài - Đa màu.

Tuy nhiên, điều này đã thực sự đủ để Ca sĩ Z bật cú hit trong lòng công chúng, khi mà rất nhiều khán giả đặt dấu hỏi lớn với khả năng ca hát của nghệ sĩ trẻ hiện nay?

Trên thị trường âm nhạc Việt hiện nay, không khó để tìm kiếm những bản hit của các ca sĩ Thế hệ Z. Mỗi một màu nhạc khác nhau, định hình cho một phong cách nghệ thuật khác nhau của mỗi nghệ sĩ. Sự đa dạng này tạo nên một “hệ sinh thái” âm nhạc độc đáo. Những giai điệu trẻ trung, mang phong cách âm nhạc mới, có phần Âu hóa đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí đầu trong các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước và thậm chí là cả thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng, thứ đọng lại trong tâm trí họ chỉ là giai điệu bắt tai, thông điệp mới lạ mà thiếu đi sự khả năng thanh nhạc ổn định hay màu giọng đẹp. 

Nhiều giọng ca trẻ được đánh giá chỉ dừng lại ở mức ổn, dễ nghe, dễ nhớ nhưng chưa thực sự đúng kỹ thuật. Nhiều bài hát có bản thu viral trên khắp các trang mạng xã hội, nhưng khi ca sĩ hát live lại để lộ nhiều khuyết điểm thanh nhạc như nasal, không rõ lời, chói, hụt hơi… Cách hát "nuốt chữ" trong giai điệu và ca từ cũng vì thế vô tình trở thành đặc điểm nhận dạng đối với nhiều ca sĩ Thế hệ Z. Người hâm mộ cho rằng đó là cách để ca sĩ phiêu theo bài hát, tạo điểm nhấn riêng cho bài nhạc của mình. 

Xét trên khía cạnh nghệ thuật đại chúng, mỗi ca sĩ có một tệp khán giả riêng. Nhiều nghệ sĩ được đào tạo sử dụng các loại giọng, âm sắc sao cho thể hiện được phong cách bản thân và phù hợp với với thị yếu của nhóm công chúng định hình. 

Là một người có kinh nghiệm sản xuất âm nhạc và xuất phát từ môi trường đào tạo chuyên nghiệp, producer Trần Quốc Đạt (datfitzx) cho rằng kỹ thuật ca hát là yếu tố bắt buộc trong một bài hát. Tuy nhiên, anh vẫn tôn trọng và ủng hộ những nghệ sĩ lựa chọn hát theo cảm xúc và không quá đầu tư vào kỹ thuật.

Chất giọng là do trời phú, không thể đào tạo và cảm xúc trong âm nhạc là chuyện riêng của mỗi người nghệ sĩ. Nhưng hát làm sao để truyền tải trọn vẹn những tâm tư, tình cảm đến người nghe lại là cả một hành trình dài.  Trong cùng một bài hát, các cách nâng cao độ, luyến láy hay cách nhả chữ cũng tạo ra cung bậc cảm xúc riêng mà người ca sĩ truyền tải tới khán giả tại thời điểm đó. 

Nhiều ca sĩ trẻ chưa được đào tạo bài bàn nhưng có tố chất. Tuy nhiên, khi lựa chọn theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp, thay vì phụ thuộc vào việc hát theo bản năng, việc rèn kỹ thuật thanh nhạc cho phép người nghệ sĩ có kiến thức và kỹ năng một cách bài bản. Khi đã xây dựng cho bản thân nền tảng chuyên môn vững chắc, các ca sĩ mới có thể khai phá và phát huy tối đa những tiềm năng trong mình. 

Từ những kỹ thuật cơ bản như lấy hơi và giữ hơi, luyến ngắt… đến những kỹ thuật đòi hỏi tư duy xử lý bài hát như belcanto (rung - láy), improvisation (phiêu tự do), đều đòi hỏi người nghệ sĩ phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ. Theo chàng ca sĩ tự do Thái Dương (vocal của band nhạc Lý Bực), rèn luyện thanh là bài học hữu hình, thực tế nhất và áp dụng vào chính cuộc đời của người ca sĩ.

Mỗi người nghệ sĩ đều là một bản thể riêng biệt và mong muốn đưa con người thật của mình vào trong từng giai điệu. Mang hơi thở của thời đại mới, những ca sĩ Z khát khao mang đến cho khán giả những khía cạnh chân thực của bản thân trong âm nhạc và cả đời sống thường nhật. Đó có thể là những nốt ngân dài của một câu chuyện tình yêu dang dở ở tuổi đôi mươi. Hay nhịp tempo vivacissimo sôi động như trái tim đập rộn rã trong lồng ngực căng tràn sức trẻ.  

Chính những khoảnh khắc tỏ lòng đầy thẳng thắn ấy lại là “điểm chạm” giúp ca sĩ trẻ đến gần hơn với công chúng. Khác với những đàn anh, đàn chị đi trước, nhiều ca sĩ hiện nay cởi mở hơn với những câu chuyện mang tính cá nhân hóa như tổn thương tâm lý, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, bản ngã… Mang đến những thông điệp chữa lành, nghệ sĩ Thế hệ Z mạnh dạn chạm vào “vùng cấm” và gọi tên những cảm xúc khó nói thành lời trong lòng khán giả. Như nữ ca sĩ sinh năm 2003 - Huyền Tâm Môn chia sẻ.

Thế nhưng, giữa vô vàn những mảng màu khác nhau của “hệ sinh thái” âm nhạc phong phú và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, việc làm sao để định hình giá trị bản thân trong mắt công chúng luôn là thử thách khó khăn cho các ca sĩ trẻ. 

Không ít những nghệ sĩ Gen Z phải xoay sở trong việc tìm cách phơi bày cá tính âm nhạc nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng tiêu chuẩn văn hóa, đạo đức của cộng đồng. Hay như câu chuyện nhạc mới - nhạc cũ đặt họ vào áp lực vô hình phải luôn làm mới hình ảnh bản thân theo sự thay đổi chóng mắt của các trào lưu, xu hướng mới. 

Mặc dù vậy, sức trẻ nhiệt huyết không ngại học điều mới cùng đam mê âm nhạc luôn là khởi nguồn thổi bùng khát khao cống hiến của những ca sĩ Thế hệ Z. Cùng với đó, một tinh thần cầu thị, biết lắng nghe và dám đối mặt với phản ứng dư luận cũng là điểm cộng sáng trên hành trình chinh phục ước mơ của những chàng trai, cô gái đa tài ấy. Giống như lời bộc bạch của Huyền Tâm Môn: “Khán giả mỗi người một cảm nhận và mình đều đón nhận mọi góp ý một cách thoải mái như cách mình làm ra bài nhạc đó, mình chỉ nghĩ đơn giản một điều thôi: khán giả họ lắng nghe nhạc mình thì mình sẽ có trách nhiệm lắng nghe họ!” 

Tlinh, Mỹ Anh hay Wren Evans... là những cái tên nổi bật trong các ca sĩ Thế hệ Z

Ngoài ra, sự thành công của các ca sĩ “đa nhiệm” khiến nhiều người lầm tưởng đó là đích đến bắt buộc phải có nếu muốn thành công tại thị trường VPop hiện nay. Tuy nhiên, người đa nhiệm không có nghĩa là phải giỏi tất cả. Đa nhiệm là từ trong nhiều cái làm được, nhận thức và phát triển điểm mạnh của riêng mình chứ không phải chỉ để chứng minh làm được nhiều thứ. 

Có như vậy, các ca sĩ trẻ mới có thể tìm ra được đích đến của bản thân và mang đến cho khán giả những sản phẩm âm nhạc được đầu tư chỉnh chu với những giá trị nghệ thuật trân quý nhất.  

Thiết kế: Huệ Hương | Nội dung: Huệ Hương, Thu Phương


Thứ Sáu, 08:57, 31/03/2023