Cần Thơ: Khắc họa nét đẹp quê hương qua "lớp học dân ca 0 đồng"
VOV.VN - Học hát các bài dân ca Việt Nam sẽ giúp các em học sinh thêm yêu mến và tự hào về đất nước; đồng thời cũng sẽ dần “nằm lòng” những làn điệu vốn là sản phẩm tinh thần quý giá của cha ông để lại. Qua đó, các em thêm trân trọng, giữ gìn, tiếp thu và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống này.
Từ bao đời nay dân ca luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên khắp Việt Nam. Tuy nhiên, món ăn tinh thần này dường như bị giới trẻ “ít để ý” trong thời đại 4.0. Nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước, trân trọng giá trị nghệ thuật dân tộc, Trung tâm hỗ trợ Học sinh Sinh viên TP. Cần Thơ phối hợp với trường Phổ thông Thái Bình Dương ra mắt mô hình lớp học dân ca 0 đồng. Lớp học kéo dài trong dịp hè 2024, không giới hạn số lượng và độ tuổi người theo học.
Từng ánh mắt háo hức, tiếng vỗ tay nhịp nhàng hòa theo giai điệu “Lý cây bông” đã khiến không gian ngày ra mắt lớp học thêm sôi động. Để hun đúc cho các em có tâm hồn yêu dân tộc thì những mô hình giáo dục nghệ thuật dân tộc đóng vai trò hết sức quan trọng. Những cái hay, cái đẹp, nét đặc sắc của dân tộc từ đời này qua đời khác đã theo các làn điệu dân ca tác động đến nhiều thế hệ và giờ có mặt trong đời sống tinh thần của các em học sinh Cần Thơ.
Thầy Trương Tài Linh, hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh quận Ninh Kiều - người đồng hành cùng “Lớp học dân ca 0 đồng” ở vai trò giảng viên phụ trách giảng dạy về lịch sử âm nhạc dân ca Việt Nam, hướng dẫn tìm hiểu cơ bản về các điệu lý, hò, vè và thực hành trên một số nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu,… chia sẻ: "Tôi thấy các bạn hưởng ứng rất nhiệt tình, ngay từ lúc đầu các bạn đã rất tò mò và háo hức tham gia chương trình này. Nhiều bạn còn đến hỏi thăm nhạc cụ này nhạc cụ kia tên gọi là gì; mấy bài lý khi nghe thì các bạn cũng nói biết giai điệu. Thực sự hiện trong thời đại 4.0, công nghệ hóa và các em được tiếp thu âm nhạc nước ngoài du nhập vào Việt Nam qua đường truyền mạng và để làm được những lớp dạy dân ca như thế này cũng rất khó cho người quảng bá tuyên truyền âm nhạc truyền thống".
Đúng là trong thời đại hội nhập, các em thường quan tâm nhiều hơn đến dòng nhạc trẻ sôi động, để có thể đưa dân ca vào học đường là sự cố gắng không ngừng. Song khó chứ không phải là không thể, điển hình như trong buổi ra mắt mô hình “lớp học dân ca 0 đồng” đã có những tiết mục của các em nhỏ. Tuy chưa sử dụng nhạc cụ thành thạo, giọng hát chưa chuyên nghiệp nhưng góp phần không nhỏ trong việc kêu gọi nhiều em học sinh đăng ký tham gia lớp học. Qua đó lan tỏa được làn điệu dân ca gắn bó với đời sống văn hóa và tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên khắp Việt Nam.
Em Phan Thiên Phúc, lớp 5, trường phổ thông Thái Bình Dương, quận Ninh Kiều bày tỏ cảm xúc khi diễn bài dân ca “Lý cây bông” tại buổi ra mắt: "Khi con đánh organ những bài dân ca con cảm thấy rất vui, tự hào về dân tộc Việt Nam mình. Con thấy các thầy ở đây đánh đờn rất hay và con ước muốn được học ở lớp ngay. Con nghĩ là con sẽ đăng ký học đánh đàn nhị".
Em Diệp Văn Phát chia sẻ: "Con thấy nhạc dân ca rất hay, con đã tập luyện tập ở nhà rất nhiều để biểu diễn bài “Lý cây bông”. Con cảm thấy rất vui vì bài dân ca này giàu tình cảm. Con đang trong quá trình luyện tập để có thể trở thành người hát dân ca hay".
Mong muốn khơi gợi đam mê, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp đến các em học sinh với phương châm “Mỗi em học sinh biết và hiểu nhạc cụ là những sứ giả văn hóa Việt Nam để quảng bá và đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”. Ngoài ra mắt mô hình “Lớp học dân ca 0 đồng”, các em học sinh còn được thưởng thức “Chương trình giới thiệu và biểu diễn nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên”. Những ngón tay gảy đàn điêu luyện của các nghệ nhân là giảng viên đứng lớp đã vô hình tạo sợi dây kết nối, truyền dạy giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt đến thế hệ sau.
Anh Phương Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - sinh viên Cần Thơ cho biết, mô hình “lớp học dân ca 0 đồng” sẽ được triển khai từ ngày 10/6 tới, vào thứ Sáu hàng tuần từ 9 giờ đến 10 giờ 30, tại Trường Phổ thông Thái Bình Dương. Mô hình nhận được sự chung tay góp sức của rất nhiều tổ chức, cá nhân với vai trò giáo viên, tài trợ cho mượn nhạc cụ, địa điểm… Theo đó, tất cả đều hướng tới mong muốn khơi gợi đam mê, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp đến các em học sinh.
Anh Đạt nói: "Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Chiến dịch hè tạo sân chơi cho thanh thiếu niên vào dịp cuối tuần. Hiện tại, Trung tâm đang kết nối với Học viện Phật giáo Nam tông Khmer để tổ chức lớp học nhạc ngũ âm cho đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và các bạn đam mê loại hình nhạc ngũ âm nói chung. Rõ ràng chúng ta thấy trong thời đại công nghệ 4.0 dần dần các bạn đã quên đi và đây cũng là dịp để một lần các bạn quay lại, nhìn lại bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là một trong những chương trình định hướng giáo dục tư tưởng cho đoàn viên thanh niên, thiếu niên nhi đồng, hy vọng chương trình sẽ lan tỏa và tạo được nhiều điểm nhấn trong lòng các em học sinh".
Học hát các bài dân ca Việt Nam sẽ giúp các em học sinh thêm yêu mến và tự hào về đất nước; đồng thời cũng sẽ dần “nằm lòng” những làn điệu vốn là sản phẩm tinh thần quý giá của cha ông để lại. Qua đó, các em thêm trân trọng, giữ gìn, tiếp thu và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống này.