Cậu bé khiếm thị tỏa sáng theo cách riêng mình

VOV.VN - Với tâm niệm “muốn thành công thì phải có khát vọng và không ngừng nỗ lực”, Bùi Quang Khánh - học sinh lớp 9A8, trường Trung học cơ sở Hồng Bàng, TP. Hải Phòng đã chạm được một tay vào ước mơ.

Mất đi ánh sáng của đôi mắt nhưng thay vì mặc cảm, Bùi Quang Khánh luôn lạc quan và sống có khát vọng. Dù còn rất trẻ nhưng em đã có trong tay một “bộ sưu tập” các thành tích trong lĩnh vực âm nhạc và học tập.

Bố “sốc”, mẹ “choáng”

Bùi Quang Khánh, học sinh lớp 9A8, Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng, TP. Hải Phòng chào đời khi mới được 29 tuần tuổi. Theo chị Nguyễn Thị Lan - mẹ của Khánh, sinh thiếu tháng là nguyên nhân khiến con bị bệnh về mắt. “Tôi có 3 cháu. Khánh là con út. Khi cháu được một tháng tuổi, gia đình phát hiện con không có phản ứng với ánh sáng. Vợ chồng tôi đưa con đi khám được bác sỹ chẩn đoán con bị bệnh bong võng mạc. Sau đó, chúng tôi cho con chạy chữa khắp các bệnh viện về mắt ở trong nước rồi ra cả nước ngoài chữa trị nhưng đều không hiệu quả. Khi biết con mất đi khả năng nhìn, tôi bị sốc về tinh thần, những tưởng không thể vượt qua được nỗi đau về sự bất hạnh của con”, chị Lan nhớ lại.

Làm công việc kinh doanh, anh Bùi Quang Phú - bố của Khánh là người đàn ông có bản lĩnh. Tuy nhiên, anh cũng từng rơi nước mắt khi nhận tin từ các bác sỹ - bệnh bong võng mạc của con không thể chữa khỏi. “Tôi nghĩ cha mẹ nào cũng vậy thôi. Khi con mình thiệt thòi như thế thì đều đau xót. Với tôi, tâm trạng lúc biết con bị bệnh bong võng mạc và không thể chữa được phải nói là choáng”, anh Phú tâm sự.

Con lạc quan, yêu đời

Nếu nói rằng “cuộc sống rất công bằng, ông trời không cho ai tất cả, cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Lấy đi cái này, nhất định ông trời sẽ bù lại cái khác” thì điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Bùi Quang Khánh. Từ khi lớn lên và có nhận thức, chưa khi nào em mặc cảm, tự ti rằng mình là người khuyết tật. Thậm chí, em còn là người đầy ý chí và nghị lực. “Với cháu, cuộc sống của người khiếm thị không quá tăm tối, không có nhiều khác biệt với người bình thường. Chúng cháu có thể tự tìm ra ánh sáng cho riêng mình. Chỉ có khác là cách làm của chúng cháu đặc biệt hơn những người bình thường khác”, Khánh luôn tâm niệm.

Càng lớn Khánh càng thể hiện là một cậu bé thông minh, tình cảm và đa tài. Em có năng khiếu về âm nhạc. Đó là niềm đam mê chơi piano và yêu thích nhạc cổ điển - thể loại được coi là nhạc hàn lâm, bác học. Việc học với những đứa trẻ sáng mắt vì thế không đơn giản, với trẻ khiếm thị càng khó hơn. Thế nhưng chưa khi nào Khánh tỏ ra nản lòng trong việc chinh phục 88 phím đàn piano. “Cháu không nhìn thấy bản nhạc. Cô giáo phải đọc nốt nhạc tay phải thế này, tai trái thế kia, cháu phải nghe, thực hành và nhớ từng nốt, từng vị trí. Tiếp đó là công đoạn ghép hai tay lại để đàn theo bản nhạc. Học tác phẩm ngắn thường phải mất từ 1 đến 2 tháng, tác phẩm kinh điển, tác phẩm dài có khi phải tập luyện liên tục hơn một năm thì mình mới hoàn thiện đc. Cháu nghĩ không có con đường nào dẫn tới vinh quang mà trải toàn hoa hổng cả. Ví thế, những khi tập luyện mệt quá, cháu đều tự động viên mình cố gắng và cố gắng hơn nữa. Mình càng càng cố gắng thì thành công sẽ càng đến gần với mình hơn. Đó cũng là cách để cháu vượt qua những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống và học tập”, Khánh tâm sự.

Chị Lan cho biết, thời gian Bùi Quang Khánh học nhạc rất nhiều. Nhiều khi chị muốn con giảm bớt việc học văn hóa để nghỉ ngơi nhưng con luôn cố gắng mọi lúc mọi nơi. “Có những hôm, con học cả đêm đến 2h sáng, tôi bảo con tắt đèn đi ngủ. Con nghe lời nhưng rồi lại để chuông đồng hồ báo thức, dậy lúc 4h30 học tiếp cho đến 6h, ăn sáng rồi đi học”, chị Lan kể.

Vươn tới những tầm cao

Tháng 11/2017 - hai năm sau khi bén duyên với âm nhạc, Bùi Quang Khánh đã đạt giải Nhất cuộc thi “Cây đàn tuổi thơ" do Sở GD&ĐT phối hợp cùng Thành đoàn Hải Phòng tổ chức. Tiếp đó - năm 2018, tại Cuộc thi Piano Sonata Festival Hải Phòng, Khánh biểu diễn xuất sắc tác phẩm Fur Elise (Thư gửi Ê-li) của Beethoven và giành giải Nhất. Sang năm 2019, em lại mang về giải Nhất cuộc thi Festival Piano Phượng Hồng cùng với giải phụ Đam mê; huy chương Vàng cuộc thi Cây đàn tuổi thơ; giải Nhì cuộc thi CEG Music Festival 2019 toàn quốc cùng với giải phụ là thí sinh truyền cảm hứng nhất. Năm 2020, em tiếp tục gặt hái thành công với tấm huy chương Vàng tiết mục piano khi tham gia Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương 2020 tổ chức tại Malaysia. Tiếp đó là giải Nhì cuộc thi Piano nghệ thuật Hà Nội 2021. Mới đây nhất - tháng 9/2022, tham dự Cuộc thi "Kayserburg Vietnam Youth Piano Competition & Festival 2022", Bùi Quang Khánh lại đạt giải quán quân bảng Festival. Phần thưởng là 1 chiếc đàn Piano, trị giá 130 triệu đồng.

Dù mới là một đứa trẻ 15 tuổi, nhưng Bùi Quang Khánh đã có cả “bộ sưu tập” thành tích về âm nhạc. Tuy nhiên, đề cập thành tích của con, chị Nguyễn Thị Lan còn tự hào về cậu con trai út khi trở thành học sinh khiếm thị đầu tiên của trường Trung học cơ sở Hồng Bàng với thành tích suốt 3 năm học hòa nhập đều đứng trong “top” đầu của lớp, được vinh danh là học sinh xuất sắc, tiêu biểu của trường. “Trước khi Khánh vào học, trường Hồng Bàng chưa bao giờ nhận trẻ khiếm thị. Con vào đây học hòa nhập với mục tiêu sẽ góp phần làm thay đổi điều đó. Sau này, thầy cô hoàn toàn yên tâm khi nhận các em nhỏ khiếm thị khác vào học”, chị Lan cho biết.

Cũng trong thời gian này, Bùi Quang Khánh còn đạt giải Cây bút triển vọng của cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 50, giải khuyến khích Hội thi Tin học dành cho người mù toàn quốc. Cùng với thành tích học tập đáng nể, Khánh được bạn bè và thầy cô mến mộ. “Khánh là người có ý chí và tinh thần học hỏi, tôi rất tự hào khi có một học sinh như Quang Khánh”, cô Hoàng Thị Hương Giang, giáo viên trường Trung học cơ sở Hồng Bàng chia sẻ.

Bí quyết thành công

Bùi Quang Khánh cho biết, em có mơ ước đặt chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia, trở thành nhạc sỹ piano. Tương lai vẫn ở phía trước. Còn về những thành tích đã đạt được, theo em, đó là kết quả từ tình yêu cha mẹ, thầy cô và bạn bè dành cho em. “Cháu thấy mình là người may mắn khi được làm con của bố mẹ. Mỗi bước đi của cháu luôn có bố và mẹ đồng hành, động viên và tạo mọi điều kiện để tiến về phía trước”, Khánh chia sẻ.

Ngoài ra, theo Khánh, trong bất cứ việc gì, để đạt được kết quả tốt nhất cần phải có đam mê, niềm tin chiến thắng và sự nỗ lực không ngừng của bản thân. “Cháu rất ấn tượng với những câu hát trong bài Khát Vọng của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn: Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng/Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông. Cháu nghĩ cuộc đời luôn cho chúng ta những cơ hội. Chỉ khi ta sống có ước mơ, khát vọng, lý tưởng và niềm tin vào bản thân mình khì khi đó cơ hội sẽ tự khắc đến với mình”, Khánh thổ lộ.

Nhìn lại 15 năm đồng hành với con, chị Nguyễn Thị Lan nhận thấy gia đình có vai trò đặc biệt với sự phát triển của trẻ, nhất là trẻ khuyết tật. “Ban đầu, vì sốc nên chúng tôi ngại cho con giao lưu với thế giới bên ngoài. Khi bình tâm lại, vợ chồng tôi chấp nhận sự thật và coi đó là thử thách với chính bản thân. Thay vì che dấu khiếm khuyết của con, đi đâu chúng tôi cũng cho con đi cùng để con có nhiều cơ hội tiếp xúc với cộng đồng, khám phá thế giới bên ngoài. Trong một lần cho con đi cùng đến thăm nhà một người bạn, con vô tình ngồi cạnh và chạm tay vào chiếc đàn piano, rồi bén duyên với âm nhạc. Từ đó, mỗi bước đi cũng như sự tiến bộ của con đều là niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình tôi, chị Lan tâm sự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên