"Con kênh xanh xanh" - Nhạc phẩm kháng chiến bất hủ của nhạc sĩ Ngô Huỳnh

VOV.VN - “Con kênh xanh xanh” là ca khúc được viết bằng tấm lòng với đất nước, và tâm hồn rộng mở với quê hương của nhạc sĩ Ngô Huỳnh.

Những âm thanh dạt dào mang hơi thở thanh bình của những dòng kênh, rặng tràm, con thuyền, ánh trăng và giọng hò của bài hát “Con kênh xanh xanh” đã được nhạc sĩ Ngô Huỳnh viết giữa những ngày ở chiến khu Nam Bộ khi ông mới 18 tuổi. Sau này khi nhớ lại sự ra đời bài hát, tác giả đã kể: “Tôi đã viết về con kênh xanh, viết về những người con trai, con gái của xứ sở Tháp Mười mộc mạc, cần cù ưa lao động, sống và nghĩ chân chất nhưng đã dựng lên những chiến công đánh giặc lẫy lừng giữ làng, giữ đất, giữ từng ngọn cỏ của quê hương Nam Bộ yêu dấu”.

Nhạc sĩ Ngô Huỳnh tên khai sinh là Huỳnh Tấn Chử, sinh ngày 31 tháng 12 năm 1931. Quê ở Sài Gòn. 

Nhạc sĩ Ngô Huỳnh tham gia cách mạng từ năm 1947, trở thành một tuyên truyền viên. Cuối năm 1950, nhạc sĩ vào bộ đội, công tác ở Tiểu đoàn 307. Năm 1954, sau Hiệp Định Genève, cũng như nhiều người miền Nam khác, nhạc sĩ Ngô Huỳnh tập kết ra Bắc và làm việc về âm nhạc trong xưởng phim Việt Nam. Ông được cử đi tu nghiệp tại Alma-Ata. Sau khi tốt nghiệp tại đó, nhạc sĩ Ngô Huỳnh trở về nước, tham gia làm việc tại Đoàn Ca múa Việt Nam và Viện Nghiên cứu Âm nhạc. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông công tác tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi qua đời năm 1993. Nhạc sĩ Ngô Huỳnh là tác giả của một số ca khúc phổ biến như: "Con kênh xanh xanh", "Trở lại kênh xanh", "Mẹ tôi", "Thành phố và ngoại ô"...

Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nước, UBND tỉnh Đồng Tháp đã truy tặng nhạc sĩ Ngô Huỳnh cùng một số nhạc sĩ, nhà thơ, nhiếp ảnh gia và soạn giả, giải thưởng đặc biệt mang tên nhà chí sĩ yêu nước Lê Quang Diêu.

Theo nhà báo Nguyễn Thái Tùng: “Nghe “Con kênh xanh xanh”dễ có cảm nhận gần gũi với ta khi nghe “Làng tôi” của Văn Cao, “Quê em miền Trung Du” của Nguyễn Đức Toàn. Có cái gì đó đầy dạt dào thương mến như hồn quê, tình quê ấm áp giữa lòng ta. Có cái gì đó như động tới được thâm căn của tâm linh người Việt. Có lẽ vì vậy mà “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh đã và sẽ còn được lưu giữ mãi”.

Trong ký sự “Trở lại chiến trường xưa” của nhà văn Phạm Tường Hạnh, một người bạn cũ trong kháng chiến chống Pháp của Ngô Huỳnh đã viết: “Tôi biết bài "Con kênh xanh xanh" ra đời lúc đó chưa ai gọi Ngô Huỳnh là nhạc sĩ và có lẽ chính anh cũng chưa thể nghĩ rằng trọn đời mình sẽ hiến dâng cho âm nhạc. Bài hát đã ra đời với tấm lòng của anh với đất nước, bằng tâm hồn rộng mở với quê hương. Từ đó tới nay trên bước đường nghề nghiệp của anh đã thành đạt trong nhiều ca khúc khác, nhưng với bài "Con kênh xanh xanh" đã đi vào lòng người từ Nam tới Bắc và sống mãi với tâm hồn các thế hệ nối tiếp tới ngày nay”.

Bạn Vũ Duy Thao ở thôn Toàn Mỹ, thị trấn Vôi, Lạng Giang, Bắc Giang tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” năm 2001 về bài hát “Con kênh xanh xanh” đã viết: “Với giai điệu êm ái, thiết tha trong lời ca, bài hát đã mở ra một khung cảnh thơ mộng, trìu mến của những dòng sông, những cánh đồng tươi đẹp vào một buổi chiều êm ả… Nét đẹp rực rỡ của dòng kênh càng được nổi bật vào những đêm trăng thanh, gió mát khi ta ngồi trên con thuyền no gió, xuôi theo dòng kênh…”.

Tình cảm nhạc sĩ Ngô Huỳnh gửi vào ca khúc là tình cảm đậm đà tình quê: Có hương say nồng của khói bếp, phảng phất dịu êm của hương sen, ngan ngát mơ màng của đồng lúa vàng trải rộng… Chỉ thế thôi mà tim ta sao thấy lâng lâng một cảm giác dạt dào, lai láng… Và đây nữa: Giữa khung cảnh êm đềm, thơ mộng ấy, bất chợt một giọng hò man mác như gợi lại trong ta ký ức về một thời đã qua, những kỷ niệm thiêng liêng về tình người, tình đồng đội…

Bằng sự sáng tạo tinh tế, sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ, nhạc sĩ Ngô Huỳnh đã gửi trọn tâm huyết của mình vào ca khúc “Con kênh xanh xanh”. Bài hát được viết bởi trái tim tha thiết, và bầu máu nóng nhiệt tình về lịch sử đấu tranh cách mạng oai hùng của dân tộc ta, của Đồng Tháp Mười kiên cường Thành đồng Tổ quốc.

Bài hát đã hết mà trong tôi vẫn còn vọng mãi dư âm thiết tha, lắng đọng, bâng khuâng… Trong giấc mơ của riêng mình, tôi lại được thấy: Con kênh xanh xanh… ánh trăng… những bông sen cùng lời ca đầy kiêu hãnh và say mê: “Con kênh xanh ơi! Những mùa tranh đấu nổi sôi. Bên nhau ta xây trọn bài tình ca thắm tươi”.

Cũng tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” năm 2001, bác Hoàng Ngọc Khuyến ở khu 3 thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình, trong lá thư tham gia bình bài hát “Con kênh xanh xanh” đã viết: “Tôi năm nay đã 60 tuổi, chưa một lần đặt chân lên mảnh đất Nam Bộ, nhưng đã hơn 40 năm tôi như được gần gũi, gắn bó với bưng biền Nam Bộ nhờ bài hát nổi tiếng “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh. Bài hát tuy không dài, không cầu kỳ nhưng quả là một bức tranh, một cuốn phim đặc tả vùng chiến khu sông nước Nam Bộ gian lao mà anh dũng. Hơn thế nữa nó còn là một thiên hùng sử bằng âm nhạc khắc họa chân dung những con người Nam Bộ bất khuất đứng lên đánh giặc giữ quê bằng bất cứ thứ vũ khí tự có nào.

Ở Nam Bộ kênh rạch chính là những mạch đường giao thông, qua những dòng kênh người ta thấy sức sống của một vùng quê. Trên “Con kênh xanh xanh” của Ngô Huỳnh ta thấy cảnh đẹp của chiến khu, thấy cái ung dung tự tại, thấy sự lạc quan tin tưởng vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Xuôi theo dòng kênh kháng chiến ta nghe văng vẳng tiếng hò, rộn rã tiếng chày giã bàng. Ta nhìn tận mắt những bóng thuyền lướt đi trong đêm, những ngả nghiêng hàng tràm… Tất cả những khung cảnh đó dẫn tới điểm sáng, kỳ vọng của người dân Nam Bộ: “Chiến khu bừng lên ấm bao lòng dân quê ta”. Cảm ơn người chiến sĩ-nhạc sĩ Ngô Huỳnh đã cho ra đời “Con kênh xanh xanh” bất hủ. Có thể nói không ngoa: Một nhạc phẩm kháng chiến nghe trọn đời không biết chán!”.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hòa nhạc Toyota 2024 tiếp tục đến với khán giả thủ đô vào tháng 8
Hòa nhạc Toyota 2024 tiếp tục đến với khán giả thủ đô vào tháng 8

VOV.VN - Hòa nhạc Toyota 2024 sẽ gặp lại khán thính giả yêu âm nhạc cổ điển với đêm diễn vào ngày 3/8/2024 tại Hà Nội. Đêm diễn hứa hẹn sẽ mang đến cho khán thính giả một đêm nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc cùng các tác phẩm kinh điển.

Hòa nhạc Toyota 2024 tiếp tục đến với khán giả thủ đô vào tháng 8

Hòa nhạc Toyota 2024 tiếp tục đến với khán giả thủ đô vào tháng 8

VOV.VN - Hòa nhạc Toyota 2024 sẽ gặp lại khán thính giả yêu âm nhạc cổ điển với đêm diễn vào ngày 3/8/2024 tại Hà Nội. Đêm diễn hứa hẹn sẽ mang đến cho khán thính giả một đêm nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc cùng các tác phẩm kinh điển.

Đan Trường lên tiếng khi MV bằng AI "Em ơi ví dầu" bị chê không có cảm xúc
Đan Trường lên tiếng khi MV bằng AI "Em ơi ví dầu" bị chê không có cảm xúc

VOV.VN - Đan Thừa thừa nhận do lần đầu áp dụng công nghệ AI trong MV "Em ơi ví dầu" nên mọi thứ chưa được như mong muốn. Nam ca sĩ chia sẻ, 1-2 năm nữa công nghệ AI sẽ làm hình ảnh của Đan Trường y như thật 100%".

Đan Trường lên tiếng khi MV bằng AI "Em ơi ví dầu" bị chê không có cảm xúc

Đan Trường lên tiếng khi MV bằng AI "Em ơi ví dầu" bị chê không có cảm xúc

VOV.VN - Đan Thừa thừa nhận do lần đầu áp dụng công nghệ AI trong MV "Em ơi ví dầu" nên mọi thứ chưa được như mong muốn. Nam ca sĩ chia sẻ, 1-2 năm nữa công nghệ AI sẽ làm hình ảnh của Đan Trường y như thật 100%".

Đờn ca tài tử ở Bà Rịa – Vũng Tàu có bị mai một?
Đờn ca tài tử ở Bà Rịa – Vũng Tàu có bị mai một?

VOV.VN - Loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đang được các địa phương gìn giữ và bảo tồn. Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều nghệ nhân các câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn đang lo lắng bộ môn này sẽ mai một do thiếu vắng đội ngũ kế thừa.

Đờn ca tài tử ở Bà Rịa – Vũng Tàu có bị mai một?

Đờn ca tài tử ở Bà Rịa – Vũng Tàu có bị mai một?

VOV.VN - Loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đang được các địa phương gìn giữ và bảo tồn. Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều nghệ nhân các câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn đang lo lắng bộ môn này sẽ mai một do thiếu vắng đội ngũ kế thừa.