Đồng bào Khmer Trà Vinh rộn ràng đón lễ hội Ok Om Bok truyền thống
VOV.VN - Lễ hội Ok om bok là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Trà Vinh được tổ chức hàng năm vào rằm tháng 10 Âm lịch.
Chỉ còn ít ngày nữa lễ hội Ok om bok (lễ cúng trăng) của đồng bào Khmer chức thức khai mạc. Khắp các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, đâu đâu cũng nghe tiếng chày giã cốm, tiếng reo hò cổ vũ, các chùa Khmer được trang hoàng rực rỡ, đầy sắc màu.
Làm cốm dẹp chuẩn bị lễ hội Ok om bok. |
Hai tay đều đều giã cốm, ông Kim Sa Mươl, ở ấp Giồng Chanh A cho biết, nhà ông có 4 lao động, mỗi mùa cốm thu được không dưới 15 triệu đồng tiền lãi. Vào mùa cốm, dù rất bận rộn, đang ăn nên làm ra nhưng gia đình vẫn tranh thủ tham gia lễ hội tuyền thống của dân tộc mình. Bà con rất háo hức với ngày rằm Ok om bok, mọi người đều thực hiện theo quy trình lễ hội của người Khmer. Đảng và Nhà nước rất quan tâm, chúng tôi rất vui mừng.
Mùa Ok om bok năm nay bà con ở Long Hiệp vui hơn khi lúa trúng mùa, đời sống tiếp tục nâng lên. Không chỉ nhà nhà chuẩn bị đón lễ mà các chùa cũng rộn ràng không kém. Ông Thạch Siêu, một nông dân sản xuất giỏi ở ấp Trà Sất B cho biết, mấy ngày qua ông đều đặn có mặt tại chùa để giúp nhà sư chuẩn bị đón lễ Ok om bok.
Các nhà sư chuẩn bị sân khấu, lễ đài cho lễ hội. |
Ngoài ra, ông còn là người thiết kế đèn hoa đăng để nhà chùa thực hiện nghi thức cúng trăng vào đêm rằm tới đây. Ông Thạch Siêu cho biết: "Tôi nghĩ đây là văn hóa, là phong tục của dân tộc mình nên tôi cố gắng tham gia để giữ gìn, bảo tồn. Từ khi đất nước được giải phóng, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, tạo điều kiện để các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Do vậy không chỉ trong gia đình, tôi còn nhắc nhở bà con trong xóm quan tâm đến phong tục của mình”.
Là địa phương vinh dự có đội ghe đại diện đơn vị huyện Trà Cú tham gia giải đua của tỉnh hàng năm, từ nửa tháng nay các vận động viên của xã Long Hiệp luôn tranh thủ thời gian đến luyện tập hàng ngày. Mỗi buổi tập, mọi người được huyện hỗ trợ 70.000 đồng, theo đó, dù sau một ngày làm việc mệt nhọc nhưng không khí tập luyện rất hăng say và đúng với các bài tập được ban huấn luyện đề ra.
Anh Thạch Sam Nang – vận động viên của đội ghe ngo Long Hiệp, người đã có 3 năm liền tham gia đội ghe cho biết: “Dù việc nhà có bận mấy tôi cũng cố gắng thu xếp để tham gia tập luyện với đội. Gia đình tôi cũng khuyến khích tôi tham gia vì đây là môn thể thao truyền thống của dân tộc mình. Còn kết quả thi đấu ra sao không quan trọng, miễn là đủ sức tham gia là vui rồi. Năm nay, theo tôi thấy công tác chuẩn bị chu đáo hơn và chính quyền cũng như phật tử hết lòng hỗ trợ”.
Đưa ghe ngo ra tập, chuẩn bị giải đua. |
Năm nay, đồng bào Khmer ở Long Hiệp đón mùa lễ hội Ok om bok trong niềm vui được nhân lên gấp bội. Bằng các nguồn vốn trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã kịp thời đề ra những chính sách thiết thực, thích hợp cho từng giai đoạn, từng ấp, xã, huyện cụ thể để giúp đồng bào Khmer có nhà ở, việc làm ổn định.
Tính đến cuối năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người của xã Long Hiệp đạt hơn 31 triệu đồng/năm, đời sống vật chất tinh thần của bà con nâng lên rõ rệt. Đến nay xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2020.
Ông Lê Phúc Dễ, Bí thư xã Long Hiệp cho biết, là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, nên xã luôn tạo mọi điều kiện để bà con tham gia các hoạt động đón mừng lễ hội truyền thống vui tươi, nhưng với tinh thần tiết kiệm: “Các đoàn thể vận động bà con thực hiện tiết kiệm. Riêng xã cũng có đội đua ghe ngo của xã đại diện cho đơn vị huyện Trà Cú, trong đó có khoảng 70 vận động viên tham gia Ok om bok ở Trà Vinh. Nhìn chung các cổ động viên đồng bào dân tộc rất ủng hộ. Còn các chùa cũng tổ chức bóng chuyền, bóng đá để thanh thiếu niên vui chơi trong dịp lễ Ok om bok ”.
Lễ hội Ok om bok là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Trà Vinh được tổ chức hàng năm vào rằm tháng 10 Âm lịch – người Khmer gọi là tháng K-đấk. Lễ hội OK om bok tỉnh Trà Vinh hiện đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, trong khi đời sống của đồng bào trong tỉnh ngày một nâng cao nên bà con càng quan tâm lễ hội hơn. Theo đó, quy mô tổ chức cứ năm sau lớn hơn, đặc sắc hơn năm trước./.