Hoa Trần khiến khán giả phải rơi nước mắt trong MV của NSƯT Tố Nga
VOV.VN - Đảm nhiệm vai diễn nữ liệt sĩ thanh niên xung phong Hồ Thị Cúc, ca sĩ Hoa Trần đã khiến nhiều khán giả phải rơi nước mắt trong MV “Cúc ơi!”.
Sau 12 năm ấp ủ, NSƯT Tố Nga cuối cùng cũng thực hiện được MV về 10 cô gái thanh niên xung phong của Ngã Ba Đồng Lộc, trong đó lấy nữ liệt sĩ Hồ Thị Cúc làm nhân vật chính. Bởi vậy mà MV mang cái tên rất da diết: “Cúc ơi!”.
MV được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 50 Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2018) và 71 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2018, bởi vậy nó càng có ý nghĩa đặc biệt với riêng NSƯT Tố Nga.
Trong buổi họp báo ra mắt MV, nhiều lần Tố Nga cùng ekip đã không khỏi xúc động khi nói về MV, về những người nữ anh hùng liệt sĩ, về những khó khăn gian khổ thi thực hiện một MV với chủ đề chiến tranh được coi là lớn nhất trong sự nghiệp của NSƯT Tố Nga cho đến thời điểm này.
NSƯT Tố Nga. |
Nén tâm nhang gửi đến nghệ sĩ Hồ Thị Cúc
MV “Cúc ơi!” kể về chị Hồ Thị Cúc, một trong 10 nữ liệt sĩ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Đó là cuộc đời của một cô gái trẻ, quả cảm, dâng trọn thanh xuân của mình cho độc lập của Tổ Quốc. Bố Cúc mất khi chị còn nhỏ vì nạn đói, mẹ đi lấy chồng để chị cho ông và bà dì nuôi, lớn lên chị đi Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.
Quãng thời gian nhập ngũ, sống trong vòng tay yêu thương của đồng đội, chị Cúc đã vượt qua những nỗi buồn riêng và trở thành một cô gái vui tươi, yêu đời, nhiệt huyết. Chị Cúc cùng các nữ Thanh niên xung phong ngày đêm san lấp hố bom, bám trụ chiến đấu, đảm bảo thông suốt đường 15A trên trận địa Ngã ba Đồng Lộc. Vào lúc 16h ngày 24/7/1968, trong một trận bom ác liệt, Cúc cùng 9 chị em trong tiểu đội hy sinh.
Thương xót người em, người đồng đội có số phận không may mắn, tác giả Yến Thanh đã nghẹn ngào viết lên bài thơ: “Cúc ơi!”. Đã có rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc với nhiều tựa đề khác nhau. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, NSƯT Tố Nga quyết định chọn bản phổ của nhạc sĩ Hăng Ry để thể hiện và thực hiện MV. Với Tố Nga, đây là bản phổ nhạc khắc sâu vào lòng chị nhất, khiến chị ám ảnh, rưng rưng ngay khi nghe những giai điệu đầu tiên.
NSƯT Tố Nga vào vai người chị của Cúc trong MV. |
Xuất hiện trong MV “Cúc ơi!” của NSƯT Tố Nga đặc biệt có gương mặt ca sĩ Hoa Trần, trong vai chị Cúc. Ngoài đời, Hoa Trần là người đơn giản, thích cười nên cô rất lo lắng, không biết mình có thể lột tả được nhân vật chị Cúc. Đây lại là lần đầu tiên cô tham dự một MV về đề tài chiến tranh nên cũng có những bỡ ngỡ nhất định.
Lý giải về vai diễn của mình, vợ ca sĩ Việt Hoàn chia sẻ: “Tôi nghĩ, trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ thì vẻ đẹp về hình thức đôi khi không còn quan trọng nữa, đó phải là vẻ đẹp về nội tâm, toát lên cái chất của người phụ nữ trong kháng chiến. Các cô còn quá trẻ khi hy sinh nên vẫn còn sự hồn nhiên, trong sáng và tràn đầy nhiệt huyết. Tôi không phải diễn viên chuyên nghiệp nhưng tôi đã cố gắng hết mình để tái hiện hình ảnh chị Cúc trọn vẹn nhất”.
Với vai chị Cúc, Hoa Trần phải thực hiện một số cảnh bị bom dội giữa trưa nắng, cô phải thực hiện rất nhiều lần cảnh khi chị Cúc ngã xuống với cái nắng đổ lửa và hàng xô đất đá hất vào mặt, vào người. Thế nhưng, Hoa Trần không hề kêu ca, không quan tâm đến da bị cháy nắng hay đất cát làm mắt mũi mình tối sầm lại mà chỉ tập trung vào diễn xuất. Chính điều đó đã khiến cho những cảnh quay chân thực, đầy cảm xúc hơn.
Hoa Trần trong vai liệt sĩ Hồ Thị Cúc. |
Khi xem MV “Cúc ơi!” trong buổi họp báo giới thiệu, hầu hết khán phòng đều lặng đi, và có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào. NSƯT Khánh Hoà bước ra khỏi phòng chiếu với đôi mắt đỏ hoe, chị bảo “Xúc động thật sự, không mấy khi được xem MV gây xúc động đến thế”.
Ca sĩ Phạm Phương Thảo cũng đầy cảm xúc: “Tôi cảm thấy rất xúc động dù đã xem lại khá nhiều lần. MV được đầu tư hoành tráng, công phu và nghiêm túc. Chị Tố Nga cũng đã thể hiện bài hát rất xúc động”.
MV về chiến tranh không thua kém phim điện ảnh
Với độ dài hơn 10 phút, MV không thể nói được quá sâu sắc về chị Cúc, hay về các Nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, nhưng tái hiện hình ảnh gần gũi chân thực của các chị trong đời sống hàng ngày. MV về chiến tranh nhưng không gai góc, không khốc liệt mà đi vào góc riêng, góc khuất của những người phụ nữ.
Ekip thực hiện MV và NSƯT Tố Nga đã lặn lội khắp Hà Tĩnh 2-3 ngày để tìm bối cảnh MV cho giống với thời chiến nhưng không tìm được. Đến khi cả đoàn đã gần như bỏ cuộc thì bất ngờ đi qua đập Ngàn Trươi, cả ekip đã mừng đến phát khóc vì thấy được bối cảnh quá chân thực. Đây là vùng đất rộng lớn, không có người ở, nhiều ụ nổi, dễ dàng có thể thực hiện được cảnh bom mìn. Toàn bộ ekip cũng bất ngờ khi địa điểm quay ở gần nơi sinh sống của chị Cúc thời nhỏ.
Những ngày quay MV là những ngày nắng nóng nhất, nhiệt độ tại địa điểm quay luôn lên đến 42-45 độ. NSƯT Tố Nga và các diễn viên đã không quản ngại nắng, gió đến cháy da cháy thịt làm việc xuyên trưa, xuyên ngày cho MV. Sau khi trở về từ hành trình quay, bản thân NSƯT Tố Nga và một số diễn viên đã ốm, bị cháy da cả tuần trời không hồi phục được.
Để dựng lại hình ảnh thời chiến tranh với những nữ Thanh niên xung phong ngày đêm san đường, lấp hố bom, giữ thông tuyến đường chiến đấu, đoàn phim đã phải huy động đến 200 diễn viên quần chúng. Tỉnh đội Hà Tĩnh cũng đã giúp đỡ NSƯT Tố Nga bằng việc cử chiến sĩ trẻ tham gia quay MV, huy động xe quân đội và cử cố vấn đặc biệt hỗ trợ đoàn phim. Toàn bộ cảnh bom mìn trong MV đều có sự cố vấn bên quân đội để có những cảnh chân thực nhất.
Tuy nhiên, trong cảnh bom nổ, Hoa Trần và các diễn viên cũng gặp phải sự cố khiến Hoa Trần bị cháy xém một bên tay và bỏng vạt lưng, một nữ diễn viên khác bị cháy da tay và chảy máu.
Để lột tả được khói lửa bom mìn, ekip đã dùng hàng trăm chiếc lốp xe và đốt lên, khói phủ kín một vùng đất. Tố Nga phải đi từ trong đám khói đó bước ra cho cảnh quay, khói, bụi khói ám vào mặt mũi chị khiến chị ngạt thở, mà phải diễn đi diễn lại hàng chục lần. NSƯT Tố Nga đã ứa nước mắt nghĩ “sẽ không thực hiện lại một MV như thế này nữa”, vì cực khổ quá.
Chính nhờ sự quyết liệt, lăn xả như vậy mà MV “Cúc ơi!” đã thực hiện được những cảnh quay vô cùng chân thực, không hề thua kém các phim điện ảnh về chiến tranh. Cách tái hiện hình ảnh gần gũi chân thực này giúp người xem hiểu hơn về các nữ liệt sĩ thanh niên xung phong và trân quý hơn những hy sinh lớn lao của các chị dành cho Tổ quốc./.